(VietNamNet) - Thủ tướng chính phủ vừa ban hành quyết định về định hướng quản lý nợ nước ngoài đến năm 2010, trong đó đề ra nhiều giải pháp nhằm quản lý tốt nguồn vốn vay ODA.
Theo quyết định mới này, các lĩnh vực phát triển nông nghiệp và nông thôn kết hợp xoá đói giảm nghèo và tạo việc làm; xây dựng hạ tầng kinh tế đồng bộ theo hướng hiện đại; phát triển hạ tầng xã hội; xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT... sẽ được ưu tiên hàng đầu trong sử dụng nguồn vốn vay ODA. Không bố trí vốn vay ODA cho những ngành, lĩnh vực, địa phương giải ngân chậm
Cụ thể, với nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), Thủ tướng chỉ đạo cần tranh thủ nguồn vốn vay này sao cho phù hợp với nhu cầu đầu tư phát triển và khả năng hấp thụ của nền kinh tế nói chung và của từng ngành, địa phương nói riêng.
Đặc biệt, vốn vay ODA phải được ưu tiên tập trung đầu tư vào các ngành và lĩnh vực cụ thể phù hợp với từng thời kỳ phát triển. Theo đó, từ nay đến năm 2010, sẽ ưu tiên sử dụng nguồn vốn vay ODA trong các lĩnh vực: Phát triển nông nghiệp và nông thôn (nông nghiệp, thuỷ lợi, lâm nghiệp, thuỷ sản), kết hợp xoá đói giảm nghèo và tạo việc làm, định canh định cư, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng cho miền núi, vùng sâu, vùng xa và các vùng khó khăn; xây dựng hạ tầng kinh tế đồng bộ theo hướng hiện đại; phát triển cơ sở hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục và đào tạo, dân số và phát triển).
Riêng với lĩnh vực Khoa học, công nghệ, môi trường, nguồn vốn này sẽ ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT, nhất là công nghệ ứng dụng cho từng ngành kinh tế và đầu tư cho lĩnh vực bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm phát triển bền vững.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, để thu hút nguồn vốn vay ODA đòi hỏi phải tăng cường tương ứng khả năng sử dụng vốn đầu tư một cách có hiệu quả. Không bố trí hoặc hạn chế bố trí nguồn vốn vay ODA cho những ngành, lĩnh vực, địa phương giải ngân chậm, sử dụng vốn vay nước ngoài không hiệu quả, đồng thời, tăng mức phân bổ nguồn vốn vay ODA cho những ngành, lĩnh vực và địa phương sử dụng nguồn vốn có hiệu quả và bảo đảm tiến độ thực hiện dự án.
Ngoài định hướng sử dụng nguồn vốn ODA, quan điểm của Thủ tướng là hạn chế vay nợ thương mại của Chính phủ, chỉ áp dụng hình thức này trong trường hợp đặc biệt và trong trường hợp không thể huy động ngay được các nguồn vốn khác có hiệu quả hơn.
Chuẩn bị thí điểm phát hành trái phiếu của Chính phủ ra nước ngoài
Mục đích phát hành trái phiếu này nhằm từng bước thâm nhập thị trường tài chính quốc tế và huy động thêm nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ra nước ngoài cần phải được quản lý chặt chẽ. Thời gian tới, các DNNN có quy mô lớn, phát triển ổn định, kinh doanh có hiệu quả như dầu khí, bưu chính viễn thông, điện lực có thể phát hành trái phiếu ra nước ngoài để huy động vốn theo những tỷ lệ nhất định sau khi đã phát hành tốt tại thị trường trong nước và sau khi Chính phủ phát hành trái phiếu ra nước ngoài.
Ngoài ra, để quản lý nợ nước ngoài của các doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu giám sát giám sát chặt chẽ việc vay và trả nợ của khu vực doanh nghiệp, nhất là DNNN và vay nợ ngắn hạn. Đồng thời, thúc đẩy các hình thức huy động vốn gián tiếp khác như doanh nghiệp phát hành cổ phiếu, trái phiếu bán cho các nhà đầu tư nước ngoài để bổ sung nguồn vốn đầu tư, tiến tới giảm tỷ lệ vốn vay trong tổng nguồn vốn nước ngoài; tạo điều kiện và khuyến khích việc phát hành cổ phiếu của các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá, các công ty cổ phần và tiến hành cổ phần hoá một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
"Phải thực hiện các giải pháp chính sách đồng bộ để điều chỉnh cơ cấu vốn đầu tư theo hướng tăng cường huy động nội lực, giảm dần tỷ trọng vốn vay trong tổng nguồn vốn nước ngoài, đi đôi với việc mở rộng thêm các hình thức huy động vốn gián tiếp khác; bảo đảm được sự cân đối giữa vay, trả nợ và cán cân thanh toán quốc tế trong chiến lược vay và trả nợ nước ngoài giai đoạn 2001 - 2010" - Thủ tướng nhấn mạnh.
-
Hải Âu