(VietNamNet) - Kết thúc phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải sáng nay, Chủ tịch QH Nguyễn Văn An khẳng định: "Sẽ không để lặp lại tình trạng tương tự Dung Quất".
Dung Quất: Chuyến xe không dừng lại
Trước ý kiến của nhiều ĐB lo lắng về hiệu quả đầu tư của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Bộ trưởng Hoàng Trung Hải cho biết, theo tính toán, thì nhà máy lãi 6,7%, trả nợ 11%, thu hồi vốn 12%; đây là chỉ tiêu thấp. Trong việc sắp xếp và thu xếp vốn, Chính phủ đã có cơ chế hỗ trợ cho nhà đầu tư.
Báo cáo của UB KHCN-MT của Quốc hội (QH) cũng cho rằng, tỷ lệ lợi nhuận như vậy là thấp nhưng phù hợp với các dự án chiến lược. Nếu như với dự án công nghiệp nhẹ, thời gian thu hồi vốn nhanh, lãi 15 - 20% thì công nghiệp nặng có mức lãi như vậy là chấp nhận được.
Việc đầu tư cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã được Chính phủ (CP) hết sức cân nhắc. Với tổng mức đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD, nhà máy này có thể được đấu thầu lại, dừng xây dựng hoặc chọn địa điểm khác. Song, đấu thầu lại sẽ rất mất thời gian. Năm 1997 dự án được duyệt, dự kiến đi vào sản xuất năm 2001, nhưng riêng việc chuẩn bị đã mất 7 năm. "Giờ đấu thầu lại, chúng ta sẽ mất đi cơ hội. Hơn nữa, mặt bằng giá thế giới đã lên mức mới và rất cao, khó có thể quay lại mặt bằng giá cũ. Các chuyên gia cũng xác định, tổng mức đầu tư cho dự án đã cao hơn mặt bằng giá thời điểm đó 7%, việc đấu thầu lại chưa chắc đã đem lại kết quả tốt hơn và lại mất 7 - 8 năm để triển khai một dự án mới", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nếu tính toán, tuổi thọ dự án đạt 25 năm. Đối với dự án lọc dầu thông thường trên thế giới là 40 năm, thậm chí là hàng trăm năm. Như vậy, có thể kéo dài được thời gian hoạt động của nhà máy và đem lại lợi ích cho đất nước.
Trả lời chất vấn của ĐB Vũ Minh Mão (Thái Bình) về tỷ trọng của Dung Quất đối với GDP, Bộ trưởng cho biết chưa thể tính toán được. Song, hiện ngành dầu khí đang đóng góp 8% vào GDP, và khi nhà máy đi vào sản xuất sẽ chiếm 2,5 tỷ trọng ngành công nghiệp (năm 2010).
Hiện nay, trữ lượng dầu khí của Việt Nam vào khoảng 4 - 4,5 tỷ tấn dầu quy đổi. Trữ lượng xác minh khoảng 1,8 tỷ tấn. Hiện Tổng công ty Dầu khí vẫn đang tiếp tục thăm dò, và mỗi năm phải tăng thêm 40 - 50 triệu tấn dầu quy đổi. TCT cũng đã có 7 hợp đồng khai thác, tìm kiếm dầu ở nước ngoài. Dự báo đến 2013, sản lượng dầu của VN đạt từ 18 - 20 triệu tấn, song sẽ giảm kể từ năm 2013 và đến 2015 còn 15 triệu tấn. Với tuổi thọ của nhà máy là 30-40 năm, chúng ta có thể nhập khẩu dầu để tiếp tục chế biến, đáp ứng nhu cầu và xuất khẩu
Đối với chất vấn của ĐB Trần Luân Kim (Phú Yên), Bộ trưởng Hải trả lời, về vốn đầu tư nếu so với các nhà máy lọc dầu khác trên thế giới thì rất khó vì các nhà máy khác nhau về kết cấu, công suất. Tuy nhiên, đã 10 năm nay, thế giới không xây mới nhà máy lọc đầu nào. Các nhà máy đang chạy 100% công suất, và Mỹ chỉ dừng một nhà máy để sửa chữa đã làm giá dầu tăng cao. Do vậy, Mỹ đang có ý định đầu tư xây thêm các nhà máy lọc dầu. Trung Quốc cũng đang dự kiến xây nhà máy lọc dầu đạt 12 triệu tấn, khi đó, giá cũng sẽ tăng so với mặt bằng cũ 6-7%.
Qua thẩm tra, Bộ trưởng Hoàng Trung Hải cũng khẳng định, dự án liên doanh 50 - 50 là không vi phạm Luật Đầu tư nước ngoài. Việc liên doanh 50-50, việc lựa chọn đối tác là do TCT đề nghị. Trước đó, chúng ta cũng liên doanh 50-50 với Nga trong tìm kiếm thăm dò và rất thành công.
Phần tiếp theo, Bộ trưởng Hoàng Trung Hải đã hoàn thành trả lời phần chất vấn của các ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hoá), Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hoà), Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) xung quanh việc cắt điện, về thị trường điện lực cạnh tranh, lắp công-tơ, điện nông thôn, thay đổi giá điện...
Nhận lỗi trước cử tri về dự án Dung Quất
Sau phần lời chất vấn của Bộ trưởng Hoàng Trung Hải, Chủ tịch QH Nguyễn Văn An thừa nhận, việc để kéo dài công trình quan trọng quốc gia là khuyết điểm lớn của CP và QH. CP đã nhận lỗi trước QH. QH cũng phải nhận phần trách nhiệm quan trọng của mình và nhận lỗi trước cử tri, nhân dân cả nước. Vấn đề quan trọng là từ đó cần rút ra bài học sâu sắc để khắc phục khuyết điểm và những tồm tại, yếu kém nhằm đẩy mạnh việc thực hiện xây dựng Nhà máy, để sau này không lặp lại tình trạng tương tự.
Chủ tịch QH cho rằng, các báo cáo đưa ra phân tích khá đầy đủ về nguyên nhân chủ quan, khách quan của dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, về trách nhiệm và giải pháp lớnảyTong đó, nhấn mạnh 3 điểm: khi xây dựng dự án nói chung, nhất là dự án quan trọng quốc gia, phải bảo đảm chất lượng tốt là yêu cầu hàng đầu, phải được thẩm định chặt chẽ trướcc khi trình dự án; trong việc điều hành của CP, phải phân công rõ ràng và đúng tầm, đề cao trách nhiệm cá nhân trong chỉ đạo triển khai, thực hiện phải tập trung, quyết định. CP cần lưu ý lắng nghe và khắc phục kịp thời những khuyến nghị trong báo cáo giám sát của các cơ quan QH.
"Thứ ba, riêng về QH, các vị ĐB cũng cần lưu ý 3 điểm: khi xem xét thẩm tra chủ trương đầu tư thì UB thẩm tra của QH (nói chung) cần đề cao trách nhiệm, cẩn trọng xem xét, đề cao tính khả thi của dự án trước khi xem xét quyết định, coi trọng cơ sở khoa hoa học vững chắc, tránh nông, không sâu, nặng về cảm tính" - Chủ tịch Nguyễn Văn An nhắc nhở.
Theo ông Nguyễn Văn An, UB Thẩm tra của QH phải chủ động, tự mình làm tốt hơn cũng như tham mưu, giúp QH thực hiện tốt hơn khâu giám sát. Giám sát hiện là khâu yếu nhất của QH. Giám sát phải thường xuyên liên tục, giám sát phải tập trung quyết liệt, không buông lỏng, không nể nang, né tránh.
Thay mặt QH, Chủ tịch Nguyễn Văn An yêu cầu CP chỉ đạo, rút kinh nghiệm với chủ đầu tư và các bộ ngành liên quan, khắc phục tồn tại cũng như lắng nghe những ý kiến phân tích sâu sắc nhằm chỉ đạo quyết liệt, đẩy mạnh triển khai xây dựng để Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vận hành vào năm 2009. UBTVQH đã có dự thảo NQ về giám sát tiến độ xây dựng nhà máy để các vị ĐB tham gia và cho ý kiến".
Trong phiên họp sáng nay, các ĐB sẽ tiếp tục nghe chất vấn và giải trình của Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến...
-
Hà Yên