221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
657282
Lọc dầu Dung Quất ''lỡ hẹn'' ít nhất 7 năm!
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Lọc dầu Dung Quất ''lỡ hẹn'' ít nhất 7 năm!
,

(VietNamNet) - Dự kiến phải tới tháng 12/2008 dự án lọc dầu Dung Quất mới hoàn thành và chỉ có thể đi vào sản xuất từ năm 2009, chậm 7 năm so với Nghị quyết Quốc hội đề ra.

Mô hình nhà máy lọc dầu Dung Quất - Quảng Ngãi.
Tháng 2/2005, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thành lập đoàn giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết Quốc hội về dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Đoàn giám sát gồm 10 thành viên là người của các Uỷ ban của Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi.

Vừa qua, UBTVQH đã gửi báo cáo kết quả giám sát đến từng đại biểu. Đây là báo cáo phục vụ cho chuyên đề giám sát của Quốc hội ngay tại kỳ họp (ngày 8/6) về tiến độ triển khai thực hiện dự án này. VietNamNet xin lược trích một số nội dung lớn:

Chủ trương đầu tư chưa chuẩn bị chu đáo

Đánh giá chung, UBTVQH nhận thấy việc thực hiện dự án chưa thực hiện được yêu cầu đảm bảo sự phù hợp của việc xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất với quy hoạch phát triển ngành dầu khí, quy hoạch phát triển kinh tế miền Trung. Vì cho đến nay, dự thảo chiến lược phát triển ngành dầu khí vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Chưa có kế hoạch chính xác, thích hợp cũng như thiếu sự điều chỉnh kịp thời kế hoạch huy động vốn để đảm bảo thực hiện đúng dự kiến về tiến độ và hiệu quả của dự án. Đến hết quý 1/2005, dự án vẫn còn trong giai đoạn hoàn chỉnh hồ sơ, nghiệm thu và kết thúc hợp đồng thiết kế tổng thể, cũng như đang đàm phán, lựa chọn nhà thầu và tiếp tục triển khai các gói thầu khác (mới ký gói thầu số 1 và số 4).

Qua giám sát, đánh giá tình hình thực hiện dự án, UBTVQH đưa ra 5 nguyên nhân chủ quan. Một là, dự án khi trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư chưa được chuẩn bị chu đáo, điều tra cơ bản còn sơ sài, thẩm định chưa kỹ, chủ quan trong dự báo khả năng thu xếp tài chính nên khi thực hiện đã phát sinh nhiều vấn đề phải xử lý, làm chậm tiến độ thực hiện dự án làm tăng vốn đầu tư.

UBTVQH nêu dẫn chứng cụ thể: Báo cáo tiền khả thi và khả thi không đảm bảo đầy đủ các yếu tố, độ chính xác cần thiết về tài chính, thông tin về thị trường, địa chất nơi xây dựng, nhà thầu. Điều tra cơ bản chưa kỹ (cả điều tra địa chất và định hướng sản phẩm), dẫn đến phát sinh ''túi bùn'', ''khoan cọc'', thay đổi sản phẩm đầu ra, phải bỏ sung thêm các hạng mục công trình, rà soát tính toán lại thiết kế tổng thể, làm phát sinh chi phí của dự án...

Chủ quan, chưa xác định được chắc chắn nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án nên dẫn đến bị động, phải thay đổi chủ trương, chuyển từ hình thức ''tự đầu tư'' ban đầu sang hình thức ''liên doanh'' rồi lại trở về hình thức ''tự đầu tư''. Cho đến nay vẫn chưa xác định được một cách thật rõ ràng, chắc chắn các nguồn vốn đầu tư để hoàn thành dự án. Đây là nguyên nhân chính đã, đang và sẽ còn ảnh hưởng xấu đến tiến độ thực hiện dự án và chất lượng công trình.

Chính phủ chỉ đạo thiếu tập trung, quyết liệt

Hai là chỉ đạo và tổ chức thực hiện dự án thiếu tập trung, không quyết liệt trong giải quyết những khó khăn vướng mắc. Chủ đầu tư là Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) tổ chức thực hiện dự án không tốt: thiếu chủ động, không kịp thời để xuất giải pháp khắc phục khó khăn, có tư tưởng ỷ lại, trông chờ Chính phủ. Chọn đối tác liên doanh không có kinh nghiệm về công nghệ hoá dầu, hình thành mô hình liên doanh theo tỷ lệ góp vốn 50/50% với cơ chế đồng thuận làm phát sinh nhiều khó khăn, tốn rất nhiều thời gian (khoảng 4 năm) thương thảo để ký kết hợp đòng và thống nhất quyết định các chủ trương. Trong quá trình tổ chức đấu thầu, xét thầu có việc không tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật.

Sự chỉ đạo của Chính phủ cũng có thời gian thiếu tập trung và trực tiếp, không quyết liệt yêu cầu các ngành hữu quan cũng như chủ đầu tư kịp thời để xuất biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh. Thực tế cho thấy, những công trình lớn lần đầu tiên thực hiện ở nước ta thường gặp khó khăn về vốn công nghệ và kinh nghiệm tổ chức, nhưng nếu Chính phủ chỉ đạo trực tiếp và quyết liệt thì vẫn có thể hoàn thành công trình đúng tiến độ hoặc sớm hơn tiến độ dự kiến và bảo đảm chất lượng. Công trình xây dnựg đường dây 500 KV Bắc Nam là một minh chứng.

Ba là quản lý nhà nước về dầu khí nói chung, về dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất nói riêng còn có sự chồng chéo, thiếu nhất quán. Kể từ khi ban hành Luật dầu khí năm 1993 đến nay, Chính phủ vẫn chưa giao chức năng quản lý nhà nước về hoạt động dầu khí cho một bộ, ngành cụ thể nào. Đối với dự án lọc dầu Dung Quất, trong những năm đầu khi trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và báo cáo với Quốc hội về tình hình thực hiện dự án thì giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư; từ năm 2003 đến nay lại giao cho cả 2 bộ Xây dựng và Công nghiệp. Việc thiếu vắng một bộ quản lý ngành chịu trách nhiệm chính trong việc chỉ đạo, đôn đốc, điều hành các dự án trọng điểm về dầu khí (trong đó có dự án lọc dầu Dung Quất) dẫn đến thiếu sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ giữa ngành dầu khí và các ngành liên quan như điện, hoá chất...

Về khách quan, UBTVQH cũng đưa ra 2 nguyên nhân. Thứ nhất, năm triển khai dự án cũng là năm bắt đầu khủng tài chính - tiền tệ trong khu vực, do đó khó kêu gọi vốn đầu tư cho dự án. Thứ hai, đây cũng là nhà máy lọc dầu được thực hiện đầu tiên ở nước ta nên còn thiếu kinh nghiệm, năng lực các nhà thầu Việt Nam còn hạn chế, lại chủ quan trong lập hồ sơ dự thầu, không tính hết các yếu tố phát sinh, bỏ thầu giá thấp nên đã khó khăn về vốn khi thi công.

Thiệt hại do chậm trễ: Không thể đo đếm được!

Vấn đề đặt ra hiện nay là thời gian thực hiện dự án bị kéo dài quá nhiều. Theo dự kiến, dự án sẽ được hoàn thành, chạy thử nghiệm năm 2001 và Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào sản xuất từ 2002. Nhưng hiện nay, dự kiến phải tới tháng 12/2008 dự án mới hoàn thành và chỉ có thể đi vào sản xuất vào năm 2009. Nếu theo đúng tiến độ này và không có gì phát sinh thêm thì thời gian hoàn thành dự án bị chậm 7 năm so với nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Do nhiều nguyên nhân, tổng mức đầu tư của dự án vượt hơn khá nhiều so với dự án được duyệt. Tổng mức đầu tư của dự án ban đầu là 1,5 tỷ USD. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công nghiệp, dự kiến tổng mức đầu tư sẽ bị vượt trội do bổ sung các hạng mục công trình cần thiết để thay đổi thiết kế tổng thể nhằm nâng cao nhất lượng sản phẩm; khắc phục các phát sinh do điều tra, khảo sát địa chất không kỹ, như khắc phục ''túi bùn'', ''khoan cọc''; do trượt giá, biến động giá cả của sắt thép, tỷ giá USD/VND và các ngoại tệ khác, các nhà thầu đòi tăng giá hợp đồng...

Chậm trễ đã dẫn tới hiệu quả kinh tế của dự án thấp hơn dự kiến. Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã không thể đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước theo kế hoạch 2000-2005. Tuy giá xăng dầu hiện tại ở mức cao, nhưng do tổng mức vốn đầu tư tăng so với dự kiến ban đầu, nên tỷ lệ thu hồi vốn nội tại theo tính toán lúc trình dự án có thể đạt từ 15% trở lên thì nay chỉ còn khoảng 6%.

Trừ cảng nước sâu, phần lớn các công trình phụ trợ của nhà máy chưa phát huy được hiệu quả, gây lãng phí lớn. Hiện nay, các công trình phụ trợ của Nhà máy lọc dầu như đường giao thông, điện, nước, các trạm thông tin liên lạc… đều đang "chờ" việc xây dựng nhà máy.

Ngoài ra, việc chậm trễ này còn ảnh hưởng tới kế hoạch phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi, của khu vực miền Trung và của cả nước. Việc chậm tiến độ ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế của đất nước do phải nhập khẩu xăng dầu giá cao. Gần đây, giá dầu thô trên thế giới tăng mức kỷ lục trong vòng 40 năm qua nên để duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế, Nhà nước đã phải bỏ tiền ngân sách để bù lỗ cho xăng dầu nhập khẩu. Nếu nhà máy đi vào hoạt động chính thức từ năm 2002 như dự tính thì nước ta có thể giảm được việc nhập khẩu xăng dầu và dành được một khoản ngoại tệ đáng kể để đầu tư vào những công trình khác.

Việc chậm trễ cũng ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân, nhất là những người đã phải di dời để nhường mặt bằng xây nhà máy.

Cương quyết hoàn thành dự án trong năm 2008!

UBTVH kiến nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung cao sự chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và nâng cao hiệu quả của dự án, cương quyết hoàn thành dự án trong năm 2008 trên cơ sở đảm bảo chất lượng, không để xảy ra thất thoát, lãng phí:

- Làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, các khoản chi phí cần thiết, hợp lý của việc tăng vốn đầu tư (làm rõ số tiền cần bổ sung cho đầu tư về công nghệ; số tiền cần bổ sung cho các hạng mục công trình trước đây bị cắt giảm không hợp lý; số tiền tăng thêm do trượt giá về sắt thép, thiết bị, nhân công, tỷ giá hối đoái...)

- Xác định chính xác số kinh phí cần thiết và hợp lý để thực hiện dự án; nhanh chóng tiến hành các thủ tục ký kết hợp đồng với các nhà thầu, không để các nhà thầu độc quyền, ép giá.

- Phân công rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành trong thực hiện dự án. Điều động các chuyên gia có đạo đức tốt, đủ năng lực quản lý và am hiểu về công nghệ (có thể điều dộng từ các ngành khác ngoài dầu khí) tham gia Ban quản lý dự án. Trong cơ quan lãnh đạo của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam cần có chuyên gia am hiểu về công nghiệp hoá dầu.

- Cần có kinh phí để đào tạo đồng bộ đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật, bộ khung cán bộ quản lý nhà máy ngay từ bây giờ. Nên gửi cán bộ khung quản lý kỹ thuật của nhà máy đi thực tập ở một số nhà máy của nước ngoài có quy mô tương tự như nhà máy lọc dầu Dung Quất trong một vài năm.

- Cho phép chủ đầu tư được để lại phần lợi nhuận lớn hơn quy định hiện hành, thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù theo quy định của Chính phủ để đầu tư thực hiện dự án.

- Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật dầu khí, mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật để không chỉ giới hạn ở khâu thượng nguồn như hiện hành, mà điều chỉnh cả hoạt động dầu khi ở khâu trung và hạ nguồn. Chính phủ cho rà soát lại các Nghị định liên quan đế khâu khí để bãi bỏ các quy định chồng chéo, phân định rõ giữa quản lý nhà nước và quản lý sản xuất - kinh doanh, đảm bảo sự thống nhất giữa các văn bản quy phạm  pháp luật.

Quan trọng hàng đầu là cán bộ đề xuất chủ trương

Qua dự án lọc dầu Dung Quất, UBTVQH đề nghị rút kinh nghiệm đối với các công trình quan trọng quốc gia nói chung để khi trình ra Quốc hội có đủ các yếu tố khả thi, đặc biệt nguồn vốn thực hiện, hiệu quả kinh tế của dự án. Cần quy định rõ ràng thẩm quyền và trách nhiệm của Hội đồng thẩm định quốc gia. Đối với những dự án liên quan đến nhiều lĩnh vực cần thành lập Uỷ ban lâm thời để thẩm tra dự án trước khi trình Quốc hội, tham gia Uỷ ban này ngoài các đại biểu Quốc hội đại diện cho Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban có liên quan, cần có sự tham gia của các chuyên gia.

UBTVQH nhận thấy, vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu là bố trí đúng đội ngũ cán bộ đề xuất chủ trương và tổ chức thực hiện dự án. Đồng thời, phải thực hiện nghiêm pháp luật, Nghị quyết của Quốc hội, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, nghiên cứu, giải quyết nghiêm túc các kiến nghị nêu trong báo cáo giám sát của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội trong quá trình thực hiện dự án; xử lý nghiêm minh và kịp thời các sai phạm.

UBTVQH cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu, nếu thấy cần thiết thì trình Quốc hội xem xét, sửa đổi tiêu chí về các công trình quan trọng quốc gia, trong đó có tiêu chí về vốn đầu tư cho phù hợp với tình hình mới.

  • Văn Tiến lược trích
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,