(VietNamNet) - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Tạ Hữu Thanh tỏ ra rất bức xúc trước ''hàng nghìn loại lễ hội'' tổ chức tràn lan và tốn kém hiện nay. Trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội, ông cho rằng cần xiết chặt ngay: ''Lễ hội được làm ở cấp này, không được làm ở cấp kia, mức kinh phí bao nhiêu...''
Định mức lạc hậu, luật mất thiêng
Ông Tạ Hữu Thanh. |
- Làm sao để giám sát trong nội bộ mỗi cơ quan và của người dân chỉ ra được người lãng phí, thưa ông?
- Muốn làm cái này phải có tiêu chuẩn, định mức rõ ràng. Thí dụ muốn quản lý lao động thì phải giao việc cho cụ thể, có thời gian hoàn thành và yêu cầu chất lượng. Nó sẽ có tác dụng giảm lãng phí về thời gian lao động, về nhân lực. Chứ còn chung chung, không giao cụ thể, không định thời gian hoàn thành, không có định mức thì anh nói lãng phí lao động, thời gian chỉ là cách nói chứ không thiết thực.
Cho nên điều quan trọng nhất ở đây là phải khoán công việc, khoán nhiệm vụ, khoán trách nhiệm đối với từng người, ở từng bộ phận, từng cơ quan cho rõ.
- Cái này dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có điều chỉnh không?
- Cái này phải ở Luật cán bộ, công chức phải (có dự kiến nâng Pháp lệnh cán bộ, công chức lên thành Luật - PV) quy định. Chứ còn Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không chứa đựng hết.
- Thực tế hiện nay đã có một số quy định về định mức, tiêu chuẩn nhưng đã lạc hậu nên áp dụng không phù hợp. Từ đó khiến cho anh em bị xử lý cảm thấy không phục?
- Thực ra định mức chỉ có ý nghĩa từng thời gian. Để cho phù hợp với thay đổi môi trường, điều kiện, nhất là theo cơ chế thị trường phải thường xuyên thay đổi định mức cho phù hợp.
Anh quy định thế này: Cán bộ công chức đi họp phải đóng tiền ăn. Nhưng thật ra có ai đóng tiền ăn đâu! Như vậy phải xem lại định mức đó đã hợp chưa? Tôi cho là không phù hợp với thực tế. Tỉnh, huyện lên Trung ương họp mà bảo đóng tiền ăn là không thực tế. Đi họp không buộc phải đóng tiền ăn cho nên người ta mới ''xiên'' ra việc chi cái khác, lấy tiền đó bù vào tiền ăn.
Bây giờ họp hội nghị Hà Nội hay TP.HCM, anh đưa ra định mức chỉ được Nhà nước thanh toán tiền phòng 90.000 đồng. Thực tế ở Hà Nội, TP.HCM có chỗ nào nghỉ 90.000 đồng. Buộc người ta chỉ ngủ 4 tối nhưng cho ra thành 5-6 tối để bình quân đạt 90.000 đồng. Cái đó chính khuyến khích làm sai luật. Ngay chuyện định mức không hợp llý làm cho người ta phải lách luật, luật mất thiêng.
- Nhưng có những tiêu chuẩn, định mức rõ ràng nhưng không xử lý được như vấn đề mua xe công?
- Thực ra việc mua xe quá định mức cũng có trường hợp thế này, thế khác. Nhưng nếu trường hợp nào người ta mua vượt thì anh xử lý được ngay. Nhưng cũng do định mức của anh quá lạc hậu, giá xe trên thị trường thường xuyên thay đổi, định mức có khi mấy năm không đổi. Cho nên với mức tiền anh cho không đủ mua một cái xe với chất lượng, kiểu dáng cũng như vậy.
Thí dụ cái xe anh quy định mua độ 500 triệu đồng nhưng thực tế giá thị trường thay đổi, không có giá xe loại 500 triệu như thế mà lên tới 600-700 triệu. Anh thanh tra đến phát hiện xe mua vượt tiêu chuẩn. Người ta bảo không: ''Tôi có vượt tiêu chuẩn đâu! Xe này vẫn như thế nhưng giá thị trường thay đổi nên tôi phải mua theo giá thị trường. Còn loại xe không có gì thay đổi''. Thế thì ngồi tranh cãi nhau là vượt tiêu chuẩn hay không vượt tiêu chuẩn?
- Nhưng rõ ràng một ông chủ tịch, bí thư hay bộ trưởng mua xe vượt tiêu chuẩn thì ai đứng ra xử lý việc ấy?
- Thật ra anh phải thường xuyên thay đổi định mức phù hợp với giá thị trường. Lấy chủng loại xe là cố định, còn giá thị trường thay đổi thì anh thay đổi định mức đó. Chủng loại xe cũng như vậy, giá cả như thế này, thanh toán hay không, bản thân anh chi tiền là Kho bạc (Nhà nước) phải nói rõ ràng.
Thực tế là nể nả lẫn nhau!
- Hiện nay có vài chục địa phương sử dụng kinh phí trong xây trụ sở, sắm xe công quá tiêu chuẩn. Thế nhưng điều đáng ngạc nhiên là danh sách các địa phương đó không được công bố công khai. Điều này nói lên tình trạng né tránh, nể nang, ngại va chạm còn phổ biến?
- Nói né tránh là một cách nói. Nhưng nói chung nhiều việc chúng ta thiếu minh bạch, thiếu công khai. Chứ còn làm đằng thằng ra, minh bạch công khai rõ ràng trên các phương tiện thông tin đại chúng thì nó rõ. Lần này chúng ta nói chung chung, không có địa chỉ nên tác dụng giáo dục kém.
- Nếu ông có trong tay danh sách địa chỉ lãng phí cụ thể, ông có quyền công bố, thì ông có công khai cho báo chí?
- Thực ra người ta cũng có danh sách cả. Nhưng thực tế là nể nả lẫn nhau. Thế rồi quan hệ nọ quan hệ kia cho nên chỉ nói chung chung như thế còn đi vào việc cụ thể người ta cũng tránh.
Lễ hội tràn lan, lãng phí: Cái đó dân kêu lắm!
- Dư luận và báo chí lên tiếng rằng năm nay có nhiều ngày lễ hội tổ chức đình đám, tốn kém. Có phải mình đang hô hào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhưng chính là người lãng phí?
- Tôi cho lãng phí trong lễ hội bây giờ rất lớn. Đáng lẽ những ngày lễ lớn của 2004, 2005 quy định cho rõ chỉ được làm lễ này thôi, ở cấp này thôi. Thế nhưng lễ hội như thế, trên làm một mức, dưới càng mở rộng hơn. Trung ương kỷ niệm, địa phương cũng kỷ niệm, ngành cũng có kỷ niệm. Cuối cùng tất cả đều kỷ niệm cả, chi phí rất tốn kém. Cái đó dân kêu lắm!
Thứ hai, bây giờ ngày hội văn hoá, ngày hội du lịch chỗ nào cũng thấy có. Thế thì cái đó, lễ thì ít mà hội thì nhiều, tràn lan thế này. Chi phí tốn kém mà hiệu quả rất thấp. Tôi thấy bây giờ làm lễ và hội mang tính chất hình thức, chủ yếu là sân khấu hoá. Chứ còn thật ra lễ hội mang tính chất quần chúng, động viên khí thế của quần chúng thì sử dụng quần chúng làm việc đó là rất ít. Chủ yếu là văn nghệ sỹ, anh em lên múa hát, làm màn trình diễn rườm rà, lãng phí ghê gớm. Tôi chưa tổng hợp hết nhưng mà có ý kiến nói là hiện nay tính đến có hàng nghìn loại lễ hội. Mà mỗi lễ hội phải chi tốn kém trong điều kiện chúng ta đang khó khăn. Thế thì bây giờ phải xiết chặt cái này.
- Nghĩa là hiện nay chưa có quy định xiết chặt mà chỉ trông chờ vào ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí?
- Hiện nay cái này phụ thuộc rất nhiều vào cấp lãnh đạo. Ông nào cũng muốn, địa phương mình, ngành mình cũng phải có cái gì đó để đưa lên phương tiện thông tin đại chúng, khuyếch trương cái bề thế của mình. Nhưng còn đem lại cái gì thì không. Bây giờ trên kỷ niệm, dưới kỷ niệm, ngành này kỷ niệm, ngành kia kỷ niệm.
- Nhưng không thể đổ lỗi hết cho lãnh đạo địa phương vì tiền ngân sách vì nếu Trung ương không duyệt thì lấy tiền ở đâu?
- Trước hết phải nói việc này chưa có văn bản mang tính chất quy phạm pháp luật điều chỉnh. Ngành anh, địa phương anh, anh chưa có quy định. Ở đây vẫn mang tính chất hô hào. Thế cho nên người hưởng ứng hô hào thì không làm, người không hưởng ứn vẫn làm bình thường. Đón huân chương, hội nghị, cái nữa là kỷ niệm, ông nào mạnh ông ấy làm. Chứ ta chưa có quy định: Lễ hội này được làm ở cấp này, không được làm ở cấp kia, mức kinh phí bao nhiêu... Cho nên có hiện tượng mạnh ai nấy làm. Nhiều khi tất cả các ngành, các cấp làm, ngành này, ngành kia không làm cảm thấy mình lạc lõng.
- Những vấn đề nói trên có được khắc phục trong Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí?
- Quan trọng nhất là cơ chế, chính sách. Kinh phí đó tôi khoán cho cơ quan, đơn vị này. Nếu anh tiết kiệm được thu nhập có thể khá hơn. Rồi dùng lực lượng quần chúng ở đấy giám sát. Đồng thời chế độ trách nhiệm của người đứng đầu phải rõ ràng.
Bỏ phiếu tín nhiệm: Còn mang nặng tính hình thức
- Hiện nay, tham nhũng, lãng phí tràn lan một phần do chưa quy định về trách nhiệm cá nhân lãnh đạo?
- Cái đó chưa có! Nói trong thực hành tiết kiệm quy trách cho người đứng đầu là nói thế thôi. Bây giờ phải phân định rõ người đứng đầu trách nhiệm đến đâu, tập thể trách nhiệm đến đâu trong điều kiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Ví dụ họp lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, tôi là người đứng đầu nhưng chỉ có một phiếu. Hay là họp ban cán sự, hay họp Đảng uỷ người đứng đầu chỉ một phiếu. Người ta không đủ sức quyết một vấn đề. Bây giờ tập thể trách nhiệm đến đâu, người đứng đầu quyền hạn, trách nhiệm đến đâu phải rõ.
- Để chống tham nhũng, lãng phí có cần cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm với những người cán bộ, công chức và người đứng đầu?
- Bỏ phiếu tín nhiệm bảo là chúng ta hoàn toàn chưa làm thì cũng không phải. Hàng năm, các cấp uỷ Đảng, các ban cán sự Đảng đều tự phê bình và thực hiện chế độ phê bình, đấu tranh góp ý với nhau. Làm thì có làm nhưng còn mang nặng tính hình thức. Còn chưa thật nghiêm túc!
- Cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm cần làm thường xuyên để ngăn chặn, phòng chống tham nhũng, lãng phí?
- Nói như thế cũng đúng! Nhưng bỏ phiếu tín nhiệm được phải loại trừ tất cả động cơ không đúng đắn. Ví dụ anh làm rất chặt, nghiêm túc nhưng không được lòng một số đối tượng nào ở đó cho nên bỏ phiếu nhiều khi không hoàn toàn khách quan. Cho nên nó phải phù hợp với trình độ dân trí, trình độ của cán bộ, công chức. Làm thế nào loại bỏ yếu tố không đúng đắn thì kết quả bỏ phiếu tín nhiệm mới chính xác.
- Văn Tiến thực hiện