(VietNamNet) - Chủ tịch QH tuyên bố: ''Các cơ quan của Quốc hội, đại biểu chuyên trách sẵn sàng làm luật ngày đêm để đạt mục tiêu gia nhập WTO vào cuối năm nay''.
Đây là nội dung đáng lưu ý trong bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An tại phiên họp đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 1/3. VietNamNet xin lược trích bài phát biểu này:
''Gần đây, Thủ tướng có công văn sang UBTVQH về xây dựng luật để gia nhập WTO. Quan điểm của UBTVQH là bất cứ lúc nào Chính phủ yêu cầu thì UBTVQH, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội và đại biểu chuyên trách làm ngày làm đêm để phục vụ cho sự nghiệp chung của đất nước. Nhưng phải đảm bảo chất lượng, đảm bảo quy trình đúng luật.
Ngay như điều chỉnh chương trình xây dựng pháp luật năm nay, chúng tôi sơ bộ bàn không cần điều chỉnh bớt đi miễn là những dự án có trong chương trình Chính phủ vẫn làm tốt, đồng thời cộng thêm những cái cần thêm mà Chính phủ thấy làm được. Như vậy, không phải bớt cái cũ mà chủ yếu thêm cái mới.
Riêng về lập pháp phục vụ cho sự nghiệp chung và đặc biệt phấn đấu gia nhập WTO vào cuối năm nay, thì theo Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia WTO của Việt Nam, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, người ta đưa lên số 1 là vấn đề luật. Người ta yêu cầu một số luật phải làm sớm.
Vài ba năm vừa rồi có thể nói làm luật của chúng ta đã khởi động lên nên bây giờ sẵn sàng đáp ứng đòi hỏi lớn của Nhà nước. Không phải từ giờ đến khi gia nhập WTO mà sau này thường xuyên chúng ta phải làm nhanh, chất lượng.
Một khâu là cách thảo luận ở Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, ở Quốc hội phải suy nghĩ đổi mới. Văn phòng Quốc hội đã nghĩ từ lâu lắm rồi, nhưng còn băn khoăn. Ví dụ như đại biểu chuyên trách của chúng ta kỳ này họp 12 ngày, cho ý kiến 12 luật.
Như thế hoàn toàn có thể chia ra làm 4 tổ, 3 đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, mỗi người phụ trách 4 luật (3x4=12 luật). Nếu tôi chia mỗi luật không phải làm 1 ngày mà là 2 ngày, thì cũng chỉ cần tối đa 8 ngày Sở dĩ để 2 ngày để chúng ta còn ''chạy sô'', đồng chí ở nhóm này, mai có thể sang nhóm khác. Thế thì ý kiến có thể phát biểu hết, nhưng không nghe hết được ý kiến của nhau. Chúng tôi chưa đưa bàn ở UBTVQH, mới đang nghiên cứu.
Ra Quốc hội cũng có ý kiến như vậy nhưng Quốc hội các nước thì họ chỉ cùng lắm nghe theo Hội đồng và Uỷ ban chứ không thể chia 2, chia 3 Quốc hội ra. Về nguyên tắc thì khó nên trước tiên có thể làm thử ở Hội nghị đại biểu chuyên trách, rồi rút kinh nghiệm.
Sau này với chất lượng chuẩn bị tốt, ra Quốc hội chủ yếu thông qua, đặc biệt là những luật chuyên ngành. Ta chuẩn bị tốt, ra Quốc hội đại biểu chỉ ''gật và lắc'', bấm đồng ý hay không đồng ý. Những luât chung lớn, liên quan đến toàn dân nhiều, thì nhất định có nhiều ý kiến thì ta bố trí thời gian cho thích hợp.
Còn đại bộ phận luật chuyên ngành, luật đi sâu thì do chúng ta chuẩn bị kỹ, Quốc hội nghe báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của UBTVQH thì đại biểu chỉ cần bấm nút đồng ý hay không! Cho nên người ta làm một ngày mấy chục luật là thế! Một ngày thông qua 30 luật, một năm thông qua 300 luật...
... Cuối năm Quốc hội có giám sát chuyên đề việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng các bộ, cơ quan ngang bộ, VKSNDTC, TANDTC. Bây giờ chúng ta làm luật thì dân khen nhưng dân cũng bảo: ''Ông An ơi, các ông làm luật nhưng luật không đi vào cuộc sống! Ông làm luật rồi nhưng còn đợi nghị định, thông tư!''.
Thế thì bây giờ ta giám sát như thế nào? Đại biểu Quốc hội chuyên trách phải đi sâu, tìm hiểu, tích luỹ ngay từ bây giờ chứ không phải đến cuối năm. Chuyên đề này rất rộng, liên quan đến tất cả các Bộ trưởng, đến Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC...
-
Văn Tiến lược trích