(VietNamNet) - ''Chúng ta phấn đấu cuối năm 2005 vào WTO, nhưng nội luật hoá cam kết quốc tế còn lúng túng thì không phải ''nước đến chân mà nước đến... mũi mới nhảy''.
Một số đại biểu tán thành bổ sung của dự thảo Luật quy định nội luật hoá điều ước quốc tế. Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận lý giải: ''Điều ước quốc tế song phương như các hiệp định về nuôi con nuôi, tránh đánh thuế hai lần quy định cụ thể, rõ ràng thì có thể áp dụng trực tiếp. Nhưng các điều ước quốc tế đa phương, phần lớn quy định nguyên tắc, không nội luật hoá sẽ khó áp dụng''.
Bà Dương Thu Hương cũng dẫn ra một vụ việc thực tế, toà án của chúng ta khi xét xử tranh chấp về thanh toán quốc tế thì áp dụng pháp luật trong nước mà không áp dụng Công ước Geneve về thanh toán quốc tế. ''Điều này dễ làm cho chúng ta mất uy tín trên trường quốc tế'', bà nói.
Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Vũ Mão giải thích, vì luật Việt Nam không quy định điều ước quốc tế là văn bản quy phạm pháp luật mà toà án chỉ xét xử theo pháp luật, không có trách nhiệm áp dụng điều ước quốc tế khi xét xử.
''Những cam kết của Việt Nam khi hội nhập, như tham gia WTO mới chung chung, có tính chất định hướng. Cho nên nội luật hoá là một hướng đi đúng!'', bà Hương khẳng định.
Nhưng trên thực tế, theo bà Dương Thu Hương, một số dự thảo luật đã được Bộ Tư pháp thẩm định nhưng vẫn còn quy định trái với luật chơi của WTO. ''Hiện nay, đối tác quốc tế yêu cầu dịch các dự thảo luật cho họ xem. Nếu họ thấy mình hứa một đằng làm một nẻo thì rất bất lợi, hại cho uy tín của chúng ta'', bà Hương tâm huyết nói.
Dự thảo Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế quy định, khi cùng quy định một vấn đề, pháp luật trong nước và điều ước quốc tế khác nhau thì áp dụng điều ước quốc tế.
Bà Dương Thu Hương băn khoăn: ''Tại sao trong những dự thảo luật đang bàn, chúng ta không đưa luôn những cam kết, điều ước quốc tế vào?''. Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được lập luận: Vì đàm phán gia nhập WTO còn chưa thống nhất nên chưa thể đưa ngay những văn bản thoả thuận về vào nội luật. Hơn nữa, quá trình làm luật có tính đến thông lệ quốc tế nhưng phải bảo đảm tính độc lập của chúng ta...
Ông Nguyễn Văn Thuận cho biết, một số đối tác đàm phán với Việt Nam gia nhập về việc WTO chưa hoàn toàn tin tưởng Việt Nam thực hiện cam kết một cách triệt để. ''Nếu nội luật hoá đầy đủ, Việt Nam mới trở thành thành viên đầy đủ của WTO và bảo vệ được quyền lợi của quốc gia'', ông nói.
Dự thảo Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp thứ 7 tới.
-
Văn Tiến