(VietNamNet) - Nếu như vài tháng trước đây, một số đại biểu QH không tán thành vì dự án Luật thương mại còn đánh đồng thương nhân với những người buôn bán nhỏ lẻ, thì tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 21/2, UBTVQH đã đưa ra khẳng định trên.
Không thể đặt điều kiện về đạo đức chung cho thương nhân
Doanh nhân ngày càng được xã hội coi trọng. |
Thảo luận về dự án Luật Thương mại (sửa đổi), rất nhiều đại biểu quan tâm đến các quy định về thương nhân. Có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật Thương mại chỉ điều chỉnh hoạt động thương mại cao cấp, trong khi để đưa các hoạt động thương mại vào nề nếp thì cần quy định cả những đối tượng có hoạt động buôn bán nhỏ như
bán hàng rong, quà vặt...Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Nguyễn Đức Kiên đã trình bày quan điểm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH): ''Những người buôn bán rong, bán quà vặt là những người tham gia hoạt động thương mại với quy mô nhỏ lẻ, có thu nhập thấp, nhằm mục đích dân sinh là chủ yếu, về thực chất là lấy công làm lãi, vốn kinh doanh không nhiều. Vì vậy Luật Thương mại không nhất thiết điều chỉnh các đối tượng này, mà nên để văn bản dưới luật điều chỉnh thì hợp lý hơn''.
Do vậy, UBTVQH đã bổ sung vào dự thảo Luật quy định: ''Thương nhân không bao gồm các đối tượng là người buôn bán rong, quà vặt và làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật''.
Có ý kiến đề nghị bổ sung các quy định về điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ, yêu cầu về đạo đức và những điều kiện khác để có thể trở thành thương nhân. UBTVQH thấy rằng, quyền tự do kinh doanh đã được Hiến pháp 1992 quy định tại Điều 57, theo đó mọi tổ chức, cá nhân được quyền kinh doanh theo quy định của pháp luật.
"Những người buôn bán rong, bán quà vặt không được coi là thương nhân". |
Về nguyên tắc không thể đặt ra các điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức... mang tính áp dụng chung đối với các tổ chức, cá nhân ngoài việc pháp luật cấm hoặc không đủ hành vi dân sự (đối với cá nhân) để trở thành thương nhân. Vì vậy, Luật Thương mại không nên quy định chung về các điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức...
Mua bán thương hiệu - Luật Sở hữu trí tuệ điều chỉnh
Xung quanh băn khoăn của đại biểu, dự thảo Luật Thương mại và hệ thống pháp luật chưa có quy định về thương hiệu, ông Nguyễn Đức Kiên giải trình: ''Luật Thương mại không nên quy định để tránh chồng chéo. Tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước, pháp luật về thương mại không có quy định về vấn đề này''.
Ông lấy ví dụ: ''Việc mua bán ''thương hiệu'' tức là mua bán ''uy tín'' của một danh hiệu, một chỉ dẫn thương mại (Ví dụ Công ty Unilever mua ''thương hiệu'' P/S với giá 5 triệu USD thì thực tế hợp đồng làm mua đứt nhãn hiệu P/S). Vấn đề mua bán này sẽ được quy định chi tiết trong dự án Luật Sở hữu trí tuệ''.
Về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý thị trường, UBTVQH cho rằng không nhất thiết quy định vào trong Luật. Bởi vì, theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, cơ quan quản lý thị trường thuộc Bộ Thương mại, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Thương mại do Nghị định 29/2004 của Chính phủ quy định.
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận không đồng tình: ''Hiện nay chức năng, quyền hạn của cơ quan quản lý thị trường chồng chéo với thuế, hải quan, công an... và chồng chéo với nhiều cơ quan khác thuộc Bộ Thương mại. Cũng không thể lấy lý do Chính phủ định nên không đưa vào Luật, vì chức năng, quyền hạn của hải quan, thanh tra... đã được luật quy định''.
Ông cũng tỏ ra bức xúc, khi bộ máy quản lý thị trường ''to bằng cơ quan kiểm sát'', nhưng qua thông tin báo chí phản ánh có rất nhiều vấn đề tiêu cực...
So với dự thảo Luật Thương mại trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vừa qua thì dự thảo lần này đã có những thay đổi khá cơ bản. Đã bổ sung thêm 2 chương: Chương ''Xúc tiến thương mại'' (quy định về hoạt động khuyến mại, trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ, hội chợ, triển lãm thương mại) và Chương ''Các hoạt động trung gian thương mại'' (quy định về đại diện cho thương nhân, môi giới thương mại, uỷ thác mua bán hàng hoá, đại lý thương mại).
-
Văn Tiến