221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
577398
Không thừa nhận nhân bản vô tính, quyền được chết?
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Không thừa nhận nhân bản vô tính, quyền được chết?
,

(VietNamNet) -  Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xin không bổ sung những quy định về quyền cho phôi, mang thai hộ, quyền cho con, nhân bản vô tính, quyền được chết... vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An: ''Nhiệm vụ xây dựng luật của Quốc hội năm 2005 khá nặng!''.

Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 5 đã khai mạc sáng 16/2 tại Hà Nội, để thảo luận, cho ý kiến về 11 dự án luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 sắp tới. Thời gian làm việc dự kiến của Hội nghị là 13 ngày (từ ngày 16/2 đến ngày 3/3).

Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) - một trong những bộ luật quan trọng nhất của hệ thống pháp luật nước nhà, số lượng điều luật lớn, nội dung liên quan đến mọi cơ quan, tổ chức và công dân, nhiều nội dung phức tạp, ý kiến còn khác nhau, được đưa ra lấy ý kiến trong 2 ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị.

Cũng chính vì vậy nên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã công bố dự thảo Bộ luật lấy ý kiến nhân dân từ 20/1 đến hết 20/3.

Hiến xác phải được sự đồng ý của gia đình người đã mất

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Vũ Đức Khiển, thay mặt cho UBTVQH, đã trình bày một số vấn đề cần tập trung thảo luận về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Trong đó, một vấn đề rất nhạy cảm trong xã hội, đang còn nhiều tranh cãi là có thừa nhận vào luật hay không các quyền nhân thân như hiến các bộ phận cơ thể người, hiến xác, xác định giới tính, quyền cho phôi, mang thai hộ, quyền cho con, nhân bản vô tính, quyền được chết...

11 dự án luật này là: Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Bộ luật Hàng hải VN (sửa đổi); Luật Quốc phòng; Luật Thương mại; Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế; Luật đường sắt VN; Luật Kiểm toán nhà nước; Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan và Luật sửa đổi, và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự.

''Chúng tôi nhận thấy, quyền hiến các bộ phận cơ thể người, hiến xác là một quyền nhân thân của cá nhân, thể hiện sự tự định đoạt của họ đối với bộ phận của cơ thể, xác của mình sau khi chết. Chế định về việc hiến các bộ phận cơ thể người, hiến xác được quy định trên nguyên tắc không mang tính thương mại mà nhằm mục đích chữa bệnh nhân đạo hoặc nghiên cứu khoa học'', ông Vũ Đức Khiển giải trình.

Ông nói tiếp: ''Để bảo đảm tôn trọng và phù hợp với phong tục, tập quán của dân tộc ta, chúng tôi xin giữ quy định về quyền hiến bộ phận cơ thể người, hiến xác trong dự thảo Bộ luật, đồng thời bổ sung quy định: ''Việc hiến xác, hiến bộ phận cơ thể của người chết chỉ được thực hiện với sự đồng ý của cha, mẹ, vợ, chồng và con đã thành niên của người đó''.

Một số ý kiến đề nghị không quy định về quyền xác định lại giới tính trong Bộ luật này vì đây là vấn đề còn mới, chưa phổ biến, không phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội cũng như văn hoá của dân tộc Việt Nam.

Nhưng UBTVQH không đồng tình mà cho rằng Bộ luật cần quy định: "Quyền xác định là giới tính là một trong những quyền nhân thân, quyền tự do của mỗi cá nhân khi người đó bị khuyết tật bẩm sinh, chưa định hình chính xác giới tính mà cần phẫu thuật để xác định lại giới tính''.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu nhắc lại là ''xác định lại giới tính'' chứ không phải ''thay đổi giới tính, nữ biến thành nam, nam biến thành nữ...''.

Thừa nhận quyền được chết là chưa phù hợp?

Chưa nên áp dụng quyền mang thai hộ và sinh sản vô tính.
Về các quyền cho phôi, mang thai hộ, quyền cho con, nhân bản vô tính, quyền được chết..., UBTVQH xin không bổ sung những quy định này vào trong dự thảo Bộ luật.

''Với các quyền cho phôi, quyền mang thai hộ và nhân bản vô tính, chúng tôi nhận thấy những nội dung này là khá mới, xuất hiện cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật nên cần có sự nghiên cứu kỹ hơn. Việc ghi nhận các quyền này như những quyền dân sự hiện nay ở nước ta chỉ được áp dụng đối với quyền cho phôi theo Nghị định 12/2003, nhưng cũng cần có thời gian kiểm nghiệm thêm. Còn đối với quyền mang thai hộ và sinh sản vô tính thì chưa nên áp dụng'', ông Vũ Đức Khiển nêu lý do.

Về quyền cho con, cũng theo ông Khiển, đã có quy định gián tiếp tại Điều 44 của dự thảo Bộ luật là quyền được nuôi con nuôi và quyền được nhận làm con nuôi. Về quyền được chết, ông Khiển khẳng định: ''Theo phong tục của Việt Nam nếu quy định vấn đề này trong điều kiện hiện nay, thì không phù hợp''.

Ngoài quyền nhân thân, một số vấn đề khác còn chưa thống nhất của dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) là phạm vi điều chỉnh của Bộ luật (có quy định về chuyển nhượng đất đai; hộ gia đình, tổ hợp tác có phải là chủ thể trong quan hệ dân sự...); về các hình thức sở hữu đối với tài sản; vấn đề hụi, họ; quyền ưu tiên mua nhà của bên thuê nhà...

  •  Văn Tiến
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,