(VietNamNet) - ''Thực tế không phải không có việc bãi nhiệm đại biểu dân cử, nhưng địa phương ngại nên chưa làm!''. Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của QH Nguyễn Đức Kiên nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cho rằng, đại biểu Quốc hội khi tiếp xúc cử tri nên phối hợp với HĐND các cấp. |
Trong ngày làm việc đầu tiên của phiên họp thứ 25 (26/1), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận về Quy chế hoạt động của HĐND các cấp và thông qua Nghị quyết giải thích Điểm c, Khoản 2, Điều 421 Luật Thương mại.
Đại biểu nên ''gõ cửa nhà dân'' để tiếp xúc cử tri!
Nhiều thành viên của UBTVQH tỏ ra rất băn khoăn về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND. ''4 cấp HĐND được tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội cũng tiếp xúc cử tri. Trên lý thuyết, một người dân mỗi năm phải tiếp xúc rất nhiều cuộc. Nhưng thực tế, một năm có khi không thấy đại biểu gặp gỡ với cử tri'', Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Mão bức xúc.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Nguyễn Đức Kiên qua tiếp xúc cử tri đã nhận xét: ''Cử tri bình thường thì tạm thời, trong khi cử tri đại diện thì lúc nào cũng thấy mặt. Đầu khoá gặp mặt, cử tri đến đông, càng về cuối khoá càng thưa dần'', ông phản ánh. Theo ông, không nên ''phân vai'' trong tiếp xúc cử tri và trước khi tiếp xúc nên thông báo rộng rãi cho cử tri biết.
Thực tế cũng tồn tại việc đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri nhưng chỉ nói lên những bức xúc ngay tại địa bàn như vấn đề đường xá, vệ sinh môi trường... nên đại biểu Quốc hội đành ''gác lại''. Đưa ra giải pháp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cho rằng, đoàn, tổ đại biểu Quốc hội khi tiếp xúc cử tri nên có sự phối hợp với HĐND các cấp, để khi tiếp xúc, vấn đề của địa phương được các đại biểu HĐND tiếp thu và kiến nghị xử lý.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An gợi ý cho các đại biểu dân cử: ''Tiếp xúc cử tri nên đến ''gõ cửa nhà dân'', chứ không chỉ mít-ting tại hội trường''.
Theo giải trình của Chủ nhiệm Văn phòng Bùi Ngọc Thanh, dự kiến bỏ quy định cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND trong quy chế hiện hành vì thực tế chưa xẩy ra. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Kiên không đồng tình: ''Thực tế không phải không có, nhưng địa phương ngại nên chưa làm! Đây là một quy định hay nên giữ lại!''. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cũng tán thành ý kiến này.
Dự thảo Quy chế đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trong và giữa hai kỳ họp của HĐND. Quy định cụ thể về thời gian chất vấn và trả lời chất vấn, việc ra nghị quyết của HĐND về trả lời chất vấn, thực hiện lời hứa của người trả lời chất vấn. Quy chế cũng quy định trình tự, thủ tục, các bước tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm.
Mức phí hoạt động hàng tháng của đại biểu HĐND theo dự thảo Quy chế này cũng được nâng 0,2, lên mức tương ứng đối với HĐND cấp tỉnh, huyện, xã là 04-0,5-0,6 hệ số lương tối thiểu.
Thời hạn khiếu nại về thanh toán là 3 tháng
Chiều 26/1, UBTVQH đã thông qua Nghị quyết về việc giải thích Điểm c, Khoản 2, Điều 421 Luật Thương mại. Nguyên nội dung của điểm này là: ''Ba tháng kể từ khi bên vi phạm hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng đối với khiếu nại về các hành vi thương mại khác, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4, Điều 170 của Luật này''.
Khoản 4 Điều 170, của Luật Thương mại quy định: ''Người làm dịch vụ giao nhận hàng không phải chịu trách nhiệm trong các trường hợp: a) Người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá không nhận được thông báo về khiếu nại trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngay giao hàng, không tính ngày Chủ nhật và ngày lễ; b) Người làm dịch vụ giao nhận hàng hoá không nhân được thông báo bằng văn bản về việc bị kiện tại Trọng tại hoặc Toà án trong thời hạn 9 tháng, kể từ ngày giao hàng''...
Trong 2 ngày tới, UBTVQH sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ về Quy chế khu đô thị mới; về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan; nghe báo cáo kết quả kỳ họp thường niên lần thứ 13 Diễn đàn nghị sỹ châu Á - Thái Bình Dương (APPF); nghe báo cáo về kết quả giám sát vụ án ông Phạm Văn Cường ở Nam Định. UBTVQH cũng sẽ xem xét thông qua Nghị quyết quy định việc giải quyết đối với một số trường hợp cụ thể về nhà đất trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN trước ngày 1/7/1991.
-
Văn Tiến