(VietNamNet) - ''Cái ta muốn chống là lợi dụng chúc Tết để cơ hội, tìm kiếm chức quyền... Chúng ta muốn ngăn chặn mặt xấu, mặt dở đó nhưng bây giờ ra một Chỉ thị như vậy, liệu có kiểm soát được không?''.
Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Mão. Ảnh: Nguyên Vũ. |
Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Vũ Mão đã thẳng thắn bộc bạch như vậy với VietNamNet khi trao đổi xung quanh quy định cấp dưới không được đến nhà cấp trên lễ Tết.
Lãng phí là bệnh kinh niên!
- Hàng năm dịp Tết Nguyên đán Thủ tướng thường ra chỉ thị cấm quà cáp, biếu xén, cấp dưới đến lễ Tết cấp trên, sử dụng xe công tuỳ tiện... Nhưng tình hình dường như không có suy giảm mà ngày càng tăng thêm, theo ông, nguyên nhân do đâu?
- Trước hết, Chính phủ ra các chỉ thị như vậy rất cần thiết và có tác dụng. Chúng ta hình dung nếu không chỉ đạo, ra các chỉ thị thì tình hình còn xấu hơn rất nhiều! Cũng có ý kiến cho rằng lãng phí càng ngày càng tăng lên thì đấy là chuyện phải bàn để làm rõ. Điều quan trọng, các cơ quan theo chức năng cần làm tròn trách nhiệm để kết luận cụ thể!
Ví dụ, các cơ quan của Chính phủ phải có thanh tra xem xét, kết luận. Bên Quốc hội phải tổ chức các đoàn giám sát, như vừa qua tổ chức các đoàn giám sát về đầu tư xây dựng cơ bản. Thứ hai, phải nói rằng lãng phí là bệnh kinh niên! Bảo là chúng ta chặn đứng ngay tất cả lập tức thì khó lắm! Còn xã hội, còn Nhà nước, còn công quyền, công chức thì ít nhiều vẫn còn những thứ đó.
Không phải nói một câu là xong tất cả!
- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã nói, Tết này, các cơ quan của Quốc hội và Văn phòng thực hiện cấp dưới không đến nhà cấp trên chúc Tết. Đồng thời, Thủ tướng cũng đã ra chỉ thị cấm mang hoa, quà chúc Tết đến nhà lãnh đạo. Nhưng truyền thống dân tộc ta, ngày Tết thường đến thăm hỏi, chúc Tết nhau. Chủ trương như thế, có phù hợp và khả thi không, thưa ông?
- Về nguyên tắc, chủ trương như thế tôi đồng ý! Nhưng chúc Tết đã thành một tâm lý, một tập quán của con người Việt Nam. Theo tôi, phải nghiên cứu, phải có đề án cụ thể để bàn bạc, trao đổi đi đến thống nhất một cách cơ bản. Việc đến chúc Tết có người mang động cơ không trong sáng, cơ hội, có chuyện muốn được thủ trưởng quan tâm đến mình. Chuyện đó không ít! Nhưng cũng có người trong sáng, đến tình cảm với nhau! Nó đan xen vào nhau rất phức tạp!
Tuyệt đối ''cấp dưới không đến nhà cấp trên chúc Tết'' là một cách nói! Nhưng Tết không đến, lúc này lúc khác có thể đến không? Tôi hiểu đồng chí Nguyễn Văn An nói như vậy tức là ''ngày Tết không đến để làm phiền''. Nhưng cụ thể nó được thiết kế, tổ chức như thế nào cũng là cái phải bàn!
- Vấn đề phức tạp, khó khăn như vậy, cách xử lý nên như thế nào, thưa ông?
- Đến nhà nhau chúc Tết đã trở thành tập quán khá sâu đậm trong đời sống con người Việt Nam. Cái ta muốn chống là lợi dụng chúc Tết để cơ hội, tìm kiếm chức quyền... Tức là mặt phải của truyền thống tốt đẹp ấy, ngày nay đã bị người ta đan xen vào cái cả mặt trái, mặt xấu, mặt dở. Chúng ta muốn ngăn chặn mặt xấu, mặt dở đó nhưng bây giờ ra một cái chỉ thị như vậy, anh có kiểm soát được không?
Theo tôi đây là vấn đề vừa là ra quy định, vừa tuyên truyền giáo dục và đồng thời phải nghiên cứu có cơ chế hợp lý và đồng bộ. Để làm sao, vấn đề tình nghĩa, thuỷ chung, có trước có sau, có trên có dưới phải được phát huy! Bây giờ mình nói ''rụp'' một cái mà không có giải pháp tổng thể, như vậy có khi làm mủi lòng nhiều người!
Tôi ủng hộ ý kiến của Chủ tịch Nguyễn Văn An, nhưng theo tôi, những người có trách nhiệm phải thiết kế, giải pháp cụ thể! Chứ không phải nói một câu là xong tất cả, có hiệu quả được!
Đến mà không có ''chút gì'' hình như tình cảm cũng thiếu...
- Nhưng sẽ rất khó xử cho cả cấp dưới, cấp trên nếu người ta đã mang quà đến mà mình lại không nhận...?
- Tôi biết vì bản thân tôi cũng là Thủ trưởng ở cấp vừa phải, thì nhất định có người cấp dưới đến nhà. Nhưng mỗi người có cách xử lý cụ thể! Có người mới nhận nhiệm vụ, khi cấp dưới mang quà đến, để tỏ ra mình rất trong sáng, mức nhẹ nhàng thì bảo: ''Thôi cậu mang về tớ không nhận''. Có đồng chí nộp vào quỹ công. Cũng có đồng chí mạnh mẽ hơn: ''Thôi cậu về đi, cậu đừng đến đây, đừng thế này thế khác''. Còn người cũ, đã làm Thủ trưởng lâu năm rồi thì cũng hiểu anh em, biết quà mang đến có ý gì, có nhận hay không!
Đây là vấn đề ứng xử thế nào cho vừa có văn hoá mà lại hiệu quả! Mà phân biệt rất phức tạp, tinh tế, rất cụ thể. Trong đó, cái gì là tình cảm! Đã đến mà không có ''chút gì'' hình như tình cảm cũng thiếu cái gì đó. Nhưng mà đến đưa phong bì dày cộp hoặc mỏng nhưng giá trị rất cao, rõ ràng có động cơ khác!
Thế thì trong từng việc xử lý, của từng thủ trưởng đều có cách của họ. Riêng tôi nghĩ là phải rất nghiêm túc, nghiêm minh nhưng đồng thời phải biết cách ứng xử văn hoá. Mà tôi hiểu đa số các đồng chí lãnh đạo đều biết ứng xử văn hoá.
- Ông ứng xử thế nào khi cấp dưới đến nhà, ông phát hiện phong bì ''dày'' quá?
- Công việc của tôi thì cái đó hiếm xẩy ra! Vì tôi ít đụng chạm đến vấn đề gì ghê gớm lắm. Nếu giả sử xẩy ra, tôi sẽ gọi điện thoại, hoặc gọi điện thoại sợ ''lộ'' bí mật thì tôi sẽ gặp trao đổi riêng, nhắc nhở và gửi lại ''quà'' cho người ta. Nhưng cũng rất là kín đáo, tế nhị nhẹ nhàng chứ không làm to tát bung bãi ra. Như vậy ít nhất ở mức độ nào đó họ phải cảm nhận được cần rút kinh nghiệm cái gì!
Có nên quy định giá trị quà bao nhiêu thì được nhận?
- Ở Hàn Quốc, cưới xin có truyền thống tặng phong bì tiền, họ chấp nhận. Nhưng họ quy định số tiền không vượt quá 68USD? Nếu họ phát hiện một quan chức nhận phong bì vượt quá nhiều lần số tiền quy định sẽ bị xử lý. Theo ông, mình có nên học tập kinh nghiệm đó không?
- Kinh nghiệm đó hay quá! Kinh nghiệm đó phù hợp với luồng suy nghĩ và ý tưởng của tôi là phải có những giải pháp cụ thể. Đám cưới có phong bì một chút, nhưng phong bì lớn quá thì không được, phải có cơ chế kiểm.soát, kiểm tra. Nếu không làm thế thì có người nhân cơ hội mừng đám cưới để ''đút lót''. DN tư nhân thì tiền riêng của mình nhưng quan chức hoặc DN nhà nước có người lấy tiền Nhà nước đi tặng. Đúng là xuyên suốt phải có giải pháp, nghiên cứu tổng thể! Như Hàn Quốc người ta có nghiên cứu, đề ra biện pháp ấy, ta cũng nên trao đổi học tập kinh nghiệm.
Tóm lại, đây là những hiện tượng xã hội rất phức tạp, chúng ta phải nghiên cứu công phu, chỉ đạo điều hành cụ thể và có hiệu quả, phải tăng cường kiểm tra, giám sát và có kỷ luật phân minh. Trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan nhà nước, đồng thời cũng đòi hỏi ở mỗi người chúng ta hưởng ứng, thực hiện nghiêm chỉnh.
-
Văn Tiến
thực hiện
Mời quý vị đóng góp giải pháp về vấn đề trên:
Không được mang hoa, quà chúc Tết cấp trên! | ||
(VietNamNet) - Thủ tướng vừa nghiêm cấm tổ chức liên hoan, ăn uống lãng phí; sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước, tập thể để thưởng, biếu, tặng trong dịp Tết... | ||
Bỏ thói quen "lễ cấp trên": Dân muốn thực hiện ngay! | ||
(VietNamNet) - Hàng trăm độc giả đã bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của Chủ tịch QH Nguyễn Văn An về việc cấp dưới không đến nhà cấp trên chúc Tết. |
"Cấp dưới không nên đến nhà cấp trên chúc Tết!" | |||
(VietNamNet) - ''Các cơ quan QH cấp dưới không lên nhà cấp trên chúc Tết. Văn phòng QH thì tất cả chuyên viên lẫn cấp vụ, cấp thứ không lên nhà cấp trên chúc Tết. |