(VietNamNet) - Mua xe công quá tiêu chuẩn định mức không xử lý được, lãng phí đầu tư xây dựng cơ bản rất lớn không khắc phục được, nguyên nhân do đâu và trách nhiệm thuộc về ai? Đây là những vấn đề được các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đặt lên bàn nghị sự trong buổi làm việc sáng 24/12.
Nâng Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí lên thành Luật ra Quốc hội bàn sẽ tốt hơn! |
Mua xe vượt tiêu chuẩn vẫn lên chức?
''Lãng phí trong xây dựng cơ bản lớn nhất!'', Chủ tịch Hội đồng dân tộc Tráng A Pao lớn tiếng. Dẫn chứng dự án bột giấy Kon Tum, ông nói: ''Tổng đầu tư của dự án này là 244,4 triệu USD, tính ra là 3.660 tỷ đồng. Làm dở dang được 3 năm bỏ luôn! Có đến 20 năm thu ngân sách của tỉnh này cũng không bằng mức này''.
Ông quay sang hỏi Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng: ''Tôi nghe nói cả nước có khoảng 18.000 xe công, trong đó 400 xe không đúng tiêu chuẩn vẫn được quyết toán. Báo đã nói nhiều nhưng không có ai trả?! Bộ Tài chính phát hiện một số nhưng rồi để đấy, không biết thu hồi, bán đấu giá thế nào chưa rõ. Có người mua xe ngoài tiêu chuẩn, tôi thấy vẫn đàng hoàng, còn oai hơn, còn lên chức nữa! Có phải sợ làm họ ghét nên làm xuê xoa hay còn vì cái gì khác nữa?''
Lãng phí có nơi còn diễn ra nghiêm trọng! |
''Hiệu quả của việc thực hiện Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn hạn chế, ý thức tiết kiệm còn thấp, lãng phí chưa được ngăn chặn ở nhiều ngành, nhiều cấp, cơ quan, đơn vị, có nơi diễn ra nghiêm trọng. Tình hình chung là còn buông lỏng quản lý, vi phạm các nguyên tắc quản lý tài chính, gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, nhất là trong đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm, sử dụng tài sản công, sử dụng ngân sách nhà nước, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại DN nhà nước, có những vi phạm cấu thành tội phạm, gây thất thoát lớn cho ngân sách và giảm lòng tin, gây bất bình trong nhân dân''. |
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Vũ Đức Khiển lưu ý tình trạng ''xử lý xuê xoa'' những sai phạm gây lãng phí của công.
''Chúng ta đã thực hiện, xử lý như thế nào? Liệu nâng Pháp lệnh lên thành Luật có ngăn chặn được lãng phí?'', ông băn khoăn.
Chủ nhiệm Khiển không giấu nổi bức xúc: ''Anh Sinh Hùng nói với báo chí là không xử lý được! Lên một số tỉnh miền núi thấy họ mua xe gầm thấp. Họ nói ''tôi mua sai đấy, anh đem về Hà Nội mà dùng!... Vậy vì sao không xử lý được?''.
Tuy nhiên, những thắc mắc mà ông Tráng A Pao và ông Vũ Đức Khiển đặt ra không được Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng trả lời trong buổi làm việc.
Người duyệt chi sai tiêu chuẩn, định mức: Trách nhiệm đến đâu?
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Hồ Đức Việt nhận xét, ''phạm vi sửa đổi bổ sung của dự thảo Pháp lệnh do Chính phủ trình chưa được''.
Ông cho rằng, quy định về tiết kiệm, chống lãng phí trong tiêu dùng của dân cư còn rất sơ sài. "Thời gian là vàng, chậm một phút là mất thời cơ, tụt hậu! Nhưng cơ chế tài chính cho khoa học, công nghệ đã bao nhiêu năm không thấy sửa đổi'', ông Việt nhận xét.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được: |
''Ngay sau khi Thủ tướng ban hành Nghị định về tổ chức mít tinh kỷ niệm, đón nhận huân, huy chương, người ta vẫn cứ phát hoa cài lên áo đại biểu. Thủ tướng đến tham dự bỏ hoa cài để trước mặt, truyền hình chưa dám quay. Khi tất cả mọi người bỏ hoa cài xuống thì truyền hình mới quay''. |
Chủ nhiệm Hồ Đức Việt bình luận thêm: ''Quy định còn nặng về người sử dụng tài sản công, chi tiêu ngân sách mà nhẹ trách nhiệm của người duyệt chi, quyết định tiêu chuẩn, định mức. Các điều khoản chưa cụ thể, chưa thống nhất với Luật Chống tham nhũng và Pháp lệnh cán bộ công chức''.
Sau khi nghe một số ý kiến, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu nói vui: ''UBTVQH ý hợp tâm đầu''. ''Càng chống càng lãng phí! Chúng ta cũng đang lãng phí, nhất là sử dụng của công. Ngay vụ án con trâu ở Yên Bái, giá trị con trâu chỉ khoảng 1,8 triệu đồng. Nhưng hết hoà giải đến phúc thẩm, tái thẩm, rồi anh Khiển (Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Vũ Đức Khiển) mấy lần giám sát, chi phí có lẽ hàng chục triệu đồng''.
Gốc rễ của vấn đề chống lãng phí ở đâu? Bà Thu nói: ''Trước hết là ở lương tâm, đạo đức, ý thức của người sử dụng tài sản, tiêu tiền ngân sách. Luật pháp chỉ là sự hỗ trợ, rào chắn! Chúng ta có Đảng, Đảng dạy đảng viên. 2 triệu đảng viên phải gương mẫu, không lãng phí, không tham nhũng thì cán bộ, công chức và người dân sẽ nhìn vào đấy mà noi theo''.
Nâng Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí lên thành Luật!
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cho rằng nên nâng Pháp lệnh này thành Luật. ''Vừa rồi Quốc hội đưa ra Luật Chống tham nhũng. Tiết kiệm, chống lãng phí và chống tham nhũng gắn với nhau thành một khối, đưa ra Quốc hội sẽ tốt hơn!'', ông nói.
''Liền mạch với Chủ tịch Nguyễn Văn An, tôi cũng đề nghị nâng pháp luật này lên thành luật'', Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Vũ Mão hưởng ứng.
Ông bức xúc: ''Chống lãng phí không kém gì tham nhũng, tổng lãng phí còn lớn hơn tham nhũng. Vừa qua, thực trạng lãng phí rất nghiêm trọng! Đặc biệt lãng phí rất lớn như trong đầu tư xây dựng cơ bản do thiếu quy hoạch. Làm luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là tầm của Quốc hội, của Quốc gia''.
Kết luận cuối buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đề nghị Chính phủ nâng Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí lên thành Luật, đưa ra lấy ý kiến Quốc hội vào kỳ họp thứ 7 tới. ''Tôi tin Thủ tướng ủng hộ, đại biểu Quốc hội và cử tri cũng ủng hộ'', ông nói. Chủ tịch lưu ý, chờ sửa luật nhưng ''thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí không chờ đợi gì cả''.
Bị cáo tại ngoại, bị tạm giữ ra toà không phải mặc áo tù! |
Chiều 24/12, UBTVQH đã thông qua Nghị quyết về trang phục của bị cáo tại phiên toà hình sự. Theo đó: - Bị cáo tại ngoại, người bị tạm giam ra toà được sử dụng thường phục nhưng phải bảo đảm trang nghiêm. - Bị cáo là quân nhân tại ngũ ra toà mặc quân phục thường dùng nhưng không đeo quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu. - Bị cáo là người đang chấp hành hình phạt tù ra toà mặc trang phục riêng do Chính phủ quy định (áo tù). Chiều 24/12 cũng là kết thúc phiên làm việc thứ 24 của UBTVQH. |
-
Văn Tiến