(VietNamNet) - Còn nhiều quy định bất cập và thiếu khả thi - đó là hầu hết ý kiến của ĐB khi nhận xét về dự thảo Luật Cạnh tranh. Cùng ngày (1/11), QH đã thảo luận về dự án Luật An ninh quốc gia.
Theo ĐB Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang), dự thảo Luật Cạnh tranh được soạn thảo như là ''Việt Nam đã có nền kinh tế thị trường trên dưới 100 năm''. Trong khi đó, nền kinh tế thị trường Việt Nam đang hình thành, nhiều DN nhà nước
đang giữ độc quyền, đầu tư xây dựng cơ bản còn bao cấp, xin -cho...''Chừng nào tách các DN ra khỏi các bộ, DN tự chủ, tự bươm chải thì mới có cạnh tranh thực sự'', ông Ngoạn khẳng định.
Ông Ngoạn còn cho rằng, một số vấn đề còn chưa rõ ràng và thiếu khả thi: ''Tập trung kinh tế đến 30% thị phần thì phải báo cáo. Nhưng ai xác định, ai đóng dấu xác định thị phần. Cấm dèm pha nhưng dèm pha của DN hay người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng chê trách hàng hoá của DN là bình thường!''.
Hạn chế các DN tập trung thị phần đến 50%, nhưng dự luật cũng ''miễn trừ'' trong các trường hợp: DN tham gia tập trung kinh tế có nguy cơ phá sản hoặc giải thể; hoặc tập trung kinh tế mở rộng xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế xã hội, tiến bộ kỹ thuật. ĐB Nguyễn Ngọc Lâm (Hải Phòng) băn khoăn: ''Nếu Bộ trưởng Bộ Thương mại được miễn trừ trường hợp cải tiến kỹ thuật thì rất khó vì việc này cần sự tham gia của Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Công nghiệp''.
Một số đại biểu quan tâm đến sự chồng lấn giữa điều chỉnh của Luật Cạnh tranh và một số luật khác. ĐB Nguyễn Đình Lộc (TP.HCM) đặt câu hỏi: ''Bộ luật Hình sự có tội quảng cáo gian dối, Luật Cạnh tranh cũng cấm hành vi này, vậy xử lý thế nào?''
ĐB Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) dẫn chứng thêm: ''Quản lý cạnh tranh không lành mạnh có liên quan đến giả mạo nhãn hiệu, hàng hoá... Tôi nghĩ nó nằm trong phạm trù của Luật Sở hữu trí tuệ, nếu Luật này chưa có thì nằm trong Luật Dân sự. Cơ quan quản lý cạnh tranh không thể nào xử phạt vấn đề này!''
Các đại biểu cũng đề nghị làm rõ trường hợp không đồng ý với phán quyết của Cơ quan quản lý cạnh tranh (thuộc Bộ Thương mại), đương sự có quyền kiện ra Toà án Hành chính hay Toà nào. Một số trường hợp đề cập đồng thời cả 2 cơ chế xử lý (cơ quan quản lý cạnh tranh, toà án) thì đương sự được lựa chọn hay phải qua cơ quan quản lý cạnh tranh trước?
* Chiều cùng ngày 1/11, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật An ninh quốc gia. Theo ĐB Thào Xuân Sùng (Sơn La), thành lập Uỷ ban An ninh Quốc gia hoặc Bộ An ninh quốc gia là cần thiết trong bối cảnh, tình hình quốc tế mới. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh cho rằng, việc thành lập cơ quan này cần có thêm thời gian nghiên cứu kỹ!
Một số đại biểu đề nghị Quốc hội đưa an ninh hàng không vào lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, vì an ninh hàng không ngày càng quan trọng. ''Cảnh sát biển đã đưa vào lực lượng chuyên trách an ninh quốc gia tại sao an ninh hàng không lại chưa?'', ĐB Huỳnh Ngọc Sơn (Ninh Thuận) thắc mắc.
Về vấn đề khủng bố và chống khủng bố, theo Thứ trưởng thường trực Bộ Công an Nguyễn Khánh Toàn (ĐB Quảng Trị), nên để cho nghị định của Chính phủ hướng dẫn chi tiết. Vì thế nào là khủng bố hiện nay đang có nhiều quan điểm, nhìn nhận rất khác nhau, cần hết sức thận trọng. Ông Toàn cũng khẳng định sự cần thiết quy định trong luật bảo vệ an ninh tư tưởng, văn hoá.
Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt đề nghị, cần nâng cao vai trò chủ động của MTTQ và các đoàn thể trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, chứ không chỉ tuyên truyền hay hưởng ứng như dự thảo luật quy định.
Luật An ninh quốc gia dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này và có hiệu lực từ 1/7/2005.
-
Văn Tiến