221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
540332
Thất thoát XDCB: Chưa chỉ ''danh'', chỉ ''diện''...
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Thất thoát XDCB: Chưa chỉ ''danh'', chỉ ''diện''...
,

(VietNamNet) - ''Tình trạng này diễn ra đã lâu, nhưng kỷ cương, kỷ luật, rồi ý thức chấp hành gắn với những biện pháp xử lý là không nghiêm! Cho nên người này làm sai được, người kia cũng làm được; năm trước làm sai được, năm nay cũng làm được, dẫn đến tình trạng để kéo dài. Mặt khác, chúng ta cũng chưa chỉ “danh”, chỉ “diện” được, nên ai cũng nói, nhưng chỉ nói người khác để thất thoát, lãng phí, tham nhũng, đầu tư kém hiệu quả, còn mình chẳng vi phạm gì''.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Nguyễn Đức Kiên.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Nguyễn Đức Kiên đã bày tỏ quan điểm của mình về nạn thất thoát XDCB bên lề Quốc hội ngày 2/11. Suốt thời gian thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách, nghị trường cũng nóng lên từng hồi khi hầu hết ý kiến của đại biểu đề bức xúc trước tham nhũng, lãng phí, thất thoát vốn đầu tư, chi tiêu ngân sách...

Bình ổn giá: Chúng ta còn chần chừ...

- Quốc hội đề ra mục tiêu khống chế chỉ số giá tiêu dùng không quá 5%, nhưng 9 tháng qua đã tăng tới 8,6%. Đâu là nguyên nhân chủ quan dẫn đến chỉ số này tăng cao như vậy, thưa ông?

- Ủy ban Kinh tế và Ngân sách đã từng đưa ra dự báo về xu hướng giá cả tăng và sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới. Chúng ta cần thiết phải có những bước chủ động để kìm giữ việc giá cả tăng. Từ đầu năm đến nay nhiều mặt hàng giá cả tăng liên tục, đến bây giờ đã thiết lập nên một mặt bằng giá mới. Theo tôi, có hai nhóm nguyên nhân. Về những nguyên nhân khách quan thì các ý kiến tương đối thống nhất. Đó là thiên tai, dịch bệnh trong nước, giá cả trên thị trường thế giới biến động. Nhưng nhóm nguyên nhân chủ quan thì còn nhiều ý kiến khác nhau. Khác nhau chỉ ở liều lượng, còn đi vào từng nguyên nhân cụ thể thì có thể thống nhất được.

Đầu tiên là vấn đề dự báo tình hình kinh tế, những biến động, những nhân tố trong nước, ngoài nước... chúng ta chưa chủ động và cũng có phần lơi lỏng. Thứ hai, khi chuyển sang kinh tế thị trường, chúng ta cũng chưa chú ý thỏa đáng đến các mối quan hệ cung cầu, mà mọi sự tăng giá đều không thể không tính đến các quan hệ cung cầu. Thứ ba, trong kinh tế thị trường, nhiều người nghĩ rằng để hàng hóa, dịch vụ tự vận động từ nơi sản xuất cho đến người tiêu dùng mà không cần đến bàn tay can thiệp của Nhà nước. Trong thực tế, ở đất nước nào cũng cần và đòi hỏi có sự quản lý của Nhà nước. Đối với chúng ta lại càng cần phải đặt ra, nên nhận thức như vừa qua chưa thật đầy đủ.

Thứ tư, cũng phải tính đến việc áp dụng các chính sách liên quan đến tài chính và tiền tệ, vì cũng giống như quan hệ cung cầu tác động đến giá cả, mọi sự tăng giá không thể không tính đến những biến động của tiền tệ, của các chính sách tài chính. Vừa qua cũng có những ý kiến đề cập còn khác nhau như sử dụng công cụ tài chính và tiền tệ như thế nào khi tác động vào sự vận động của các nhân tố giá cả. Chính vì thế có những lúc chúng ta còn chần chừ, hoặc là chậm trễ, thiếu đồng bộ.

Cuối cùng, nhiều người đặt vấn đề phải nghiêng về các biện pháp kinh tế, nhưng quốc gia nào cũng thế, đều phải kết hợp rất nhiều biện pháp. Bên cạnh biện pháp kinh tế, nếu cần thiết còn phải áp dụng biện pháp hành chính, bằng các quyết định hành chính để chống đầu cơ, tích trữ, đưa ra giá trần, thực hiện các chính sách về thuế khóa để điều tiết cần thiết khi có những biến động về giá cả mà một số tổ chức, cá nhân thu lợi không hợp lý, để có nguồn tái điều tiết trở lại cho những đối tượng, những hàng hóa, dịch vụ ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân.

- Vậy chỉ số giá tiêu dùng tăng có nguyên nhân là quản lý còn lơi lỏng?

- Có vấn đề về xử lý các quan hệ cung cầu, có vấn đề tổ chức mạng lưới cung cấp các hàng hóa, dịch vụ, có những vấn đề về sử dụng các biện pháp cứng rắn về kinh tế, hành chính. Lại có những vấn đề liên quan đến các chính sách tài chính và tiền tệ...

- Và công tác dự báo có vấn đề khi chỉ số giá thực tế vượt quá xa...?

- Có nguyên nhân về công tác dự báo chưa tốt! Còn đã là dự báo, tất nhiên có cái chính xác, có cái chưa chính xác, chính xác nhiều hoặc ít! Vấn đề ở chỗ nay mai chúng ta phải hình thành một hệ thống tổ chức, những cách thức, phương thức để dự báo như thế nào về các nhân tố bên trong và bên ngoài, để hạn chế những dự báo không sát thực tế, với biên độ dự báo quá rộng như thời gian vừa qua.

- Theo ông, những biện pháp nào được xem là cứng rắn để kiềm chế lạm phát, kiểm soát giá cả trong bối cảnh hiện nay?

- Có thể có nhiều, tôi xin đưa ra một vài ví dụ. Một, chúng ta có thể tiến hành điều tra, xác định những hộ nào đang tàng trữ, lưu trữ những hàng hóa mà giá cả đang bị nâng cao, từ đó có những biện pháp liên quan đến kiểm kê, xác định doanh thu để áp dụng thuế thu nhập của tổ chức, cá nhân theo luật thuế. Hai, nếu xác định vi phạm đến mức phải tịch thu thì chúng ta phải tiến hành tịch thu. Ba, trong trường hợp “cấn cá” nhất thì chúng ta phải quyết định giá trần, không cho phép vượt quá mức giá trần đó để đảm bảo những yêu cầu vĩ mô và yêu cầu cần thiết của sản xuất và đời sống. Còn nhiều biện pháp, tôi chỉ xin nêu một vài dẫn chứng như vậy thuộc phạm vi các quyết định kinh tế và hành chính.

- Mục tiêu tăng trưởng của chúng ta phải chăng vẫn chạy theo những con số, trong khi hiệu quả đầu tư chưa cao, thất thoát và lãng phí trong đầu tư vẫn rất lớn?

- Trên diễn đàn Quốc hội và trong dư luận nhiều lần đề cập đến và ngay Chính phủ cũng thừa nhận là đầu tư hiệu quả còn thấp, còn lãng phí, thất thoát, tồn đọng. Kỳ này, Quốc hội phát huy quyền giám sát tối cao của mình trong việc quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước, ''mổ xẻ'', làm cho thật rõ những nguyên nhân, quy định thật rõ trách nhiệm của các cấp, các bộ ngành. Trên cơ sở đó sẽ siết chặt kỷ cương, hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất, thất thoát, lãng phí, tham nhũng, đưa việc sử dụng vốn đầu tư của xã hội nói chung và vốn đầu tư của Nhà nước nói riêng trở nên có hiệu quả hơn.

Đến lúc phải tính cách chế biến dầu thô

- Chính phủ dự kiến bội chi ngân sách năm 2005 là 5%, bằng với mức của năm 2004. Có đại biểu Quốc hội cho rằng, bội chi ngân sách năm 2005 nên giảm xuống dưới 5% khi chúng ta chưa tìm ra biện pháp hữu hiệu chống lãng phí, thất thoát trong đầu tư. Ý kiến của ông như thế nào?

- Vấn đề ở chỗ muốn phát triển thì phải đầu tư, năm sau muốn phát triển hơn thì phải đầu tư lớn hơn. Chúng ta đã xác định mức bội chi như vậy, có nghĩa là chúng ta đã tăng được quy mô vốn đầu tư, đáp ứng yêu cầu của phát triển. Không nên đề cập ở góc độ vì thất thoát như vậy mà ta phải giảm bội chi, bởi như thế đồng nghĩa với việc chúng ta thu hẹp vốn đầu tư.

- Thu ngân sách của ta chưa bền vững, phụ thuộc rất nhiều vào dầu thô, vào đất đai..., trong khi chi ngân sách lại có nhiều việc phát sinh, cộng thêm tình trạng thất thoát, lãng phí. Bài toán này sẽ được giải quyết như thế nào trong năm tới?

- Ủy ban Kinh tế và Ngân sách đã phân tích rất sâu vấn đề này. Quốc gia nào cũng phải hướng đến một nguồn thu ngân sách tương đối ổn định thì mới chủ động và đảm bảo sự ổn định vĩ mô. Nhưng điều kiện của ta đang trong quá trình chuyển đổi, nguồn thu còn hạn chế, nếu có những cơ hội tăng nguồn thu cho ngân sách để rồi lấy nguồn đó tái đầu tư cho phát triển thì chúng ta vẫn phải duy trì. Nhưng duy trì trong thời gian bao lâu, quy mô to hay nhỏ thì phải tính toán kỹ. Ví dụ, như hình thức đưa dầu thô lên, khai thác các khoáng sản thô đem bán… thì trong một vài năm tới chúng ta vẫn phải sử dụng, nhưng về lâu dài phải chế biến, vừa tạo công ăn việc làm, vừa làm tăng giá trị mới lên, ngân sách sẽ nhiều hơn. Khi đó việc sử dụng, tiết kiệm tài nguyên cũng có hiệu quả hơn!

Phải rút được 1/3 số vốn dành cho DNNN...

- Theo Bộ Tài chính, 7 tháng đầu năm 2004, chuyển đổi, sắp xếp DN nhà nước mới đạt 29%. Tới đây chúng ta liệu có những biện pháp nào mạnh mẽ hơn để thúc đẩy cổ phần hóa?

- Chậm có nhiều lý do, trong đó khó khăn thứ nhất là giải quyết đối với những người lao động khi chuyển hình thức sở hữu. Hai là có những vướng mắc về nhận thức, tư tưởng ở các cấp và chưa quyết tâm cao. Trong đó có thể phần nào nhận thức chưa đúng, nhưng cũng có thể có những sự co kéo lợi ích nào đấy. Sắp tới sẽ phải đẩy nhanh cổ phần hóa! Nhưng cổ phần hóa không có nghĩa là tư nhân hóa!  Nếu làm không kỹ mà để tài sản chung chuyển vào thành tài sản của vài ba người thì lại thành tư nhân hóa, không đạt được yêu cầu đề ra. Quá trình chuyển hóa như thế cũng để chúng ta dồn sức vào những DNNN đủ mạnh, hoạt động trong những ngành then chốt, thực sự là tổ chức nòng cốt, xương sống để Nhà nước sử dụng làm công cụ kinh tế vĩ mô trong điều tiết kinh tế.

- Thế còn trách nhiệm của các bộ ngành, thủ trưởng của các đơn vị chậm trễ trong cổ phần hóa?

- Gần đây Chính phủ, những người đứng đầu các bộ, địa phương cũng đã nói vấn đề này. Một là phải xây dựng chương trình hành động vài ba năm trong việc thực hiện cổ phần hóa. Nếu không thực hiện được, người đứng đầu phải chịu sự xử lý của cơ quan cấp trên. Hai, Ủy ban Kinh tế và Ngân sách muốn trong năm 2005 ít nhất phải sắp xếp, cổ phần hóa được 1/3 số DN nhà nước còn lại, đi liền với đó là phải rút được 1/3 số vốn của Nhà nước đang nằm trong các DN để rồi lấy vốn đó tập trung vào những DN đang hoạt động trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế và đầu tư cho các lĩnh vực kinh tế khác cho có hiệu quả hơn. Vừa qua chúng ta đã sắp xếp, cổ phần hóa gần 2.000 DN nhưng vốn thực chất rút ra mới chỉ được 6-7%, một tỷ lệ rất ít và vẫn còn là hình thức cổ phần “khép kín”.

Kiểm soát thu nhập, tài sản của cán bộ, công chức!
Tại buổi thảo luận về kinh tế- xã hội, ngân sách của Quốc hội chiều 2/11, ông Hoàng Văn Lợi (ĐB Bắc Giang) kiến nghị một số giải pháp chống tham nhũng:
1. Cần có cơ chế kiểm soát thu nhập, tài sản của cán bộ, công chức. Nếu họ có bất động sản, động sản lớn hơn thu nhập thực tế hợp pháp thì phải giải trình rõ ràng. Nếu không sẽ bị tịch thu tài sản, xử lý kỷ luật.
2. Phá bỏ triệt để tận gốc cơ chế xin- cho, vì cơ chế xin- cho tạo ra tham nhũng, vòi vĩnh, tiêu cực...
3. Chống tham nhũng phải đi liền với chống thất thoát, lãng phí chi tiêu ngân sách. Không chỉ trong việc đầu tư, mua và sử dụng tài sản công mà còn tiết kiệm thời gian, giảm bớt họp hành...
Theo ông Lợi, những giải pháp này không mới, nhưng nếu có quyết tâm và làm thường xuyên sẽ hạn chế được tham nhũng.

  • Thanh Minh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,