(VietNamNet) - Thảo luận tại tổ sáng 27/10, đa số các đại biểu Quốc hội đã cùng nhau chia sẻ những trăn trở về vấn nạn bệnh quan liêu, tham nhũng, lãng phí...
Phản ánh một căn bệnh thường gặp của rất nhiều quan chức nhà nước, ĐB Hồ Việt Lắm (đoàn Cà Mau) cho rằng: ''Quan liêu ôm đồm quá nhiều việc trên bàn nhưng không cho người khác làm! Nghĩa là quan liêu ''vất vả'' mà công việc vẫn không hiệu quả''.
Theo ông, ''quan liêu hách dịch chỉ là quan liêu sự vụ, còn quan liêu ôm đồm làm mất thời gian, lãng phí tiền của, tổn hại cho đất nước hơn nhiều!''...
Nói về tình trạng họp tràn lan đang khá phổ biến hiện nay, ông Hồ Việt Lắm bức xúc: ''Chúng ta nhiều nghị quyết nên họp nhiều quá! Có đồng chí lãnh đạo tỉnh phải họp Trung ương để lĩnh hội nghị quyết, họp với Ban chấp hành Tỉnh uỷ, với HĐND, với cơ sở... để phổ biến nghị quyết. Họp nghị quyết này chưa xong lại họp cái khác''. Hậu quả là ''nghị quyết nhiều'' mà tổ chức thực hiện không đến nơi đến chốn...
Công ty sắp chết đến nơi còn kỷ niệm ngày sinh!
Theo ông Nguyễn Văn Mễ (ĐB Thừa Thiên - Huế), nhiều tỉnh thực hiện chưa tốt chủ trương quy hoạch khu hành chính tập trung. Tâm lý ''ly tâm'' lớn vì ''ở riêng'' thì ''dễ làm, dễ ăn'', lại không sợ người khác nhìn ra, trông vào. Tuy nhiên, các sở, ban, ngành ở mỗi nơi khác nhau thì lại ''đẻ'' ra bảo vệ, thủ quỹ, gây lãng phí trong khi các bộ phận có quan hệ công việc với nhau và người dân mất công đi lại.
Ông Mễ còn kể thêm một số bệnh như: kỷ niệm ngày thành lập, đón nhận huân, huy chương... ''Có công ty sắp chết đến nơi còn kỷ niệm ngày sinh! Có nơi ''câu giờ'' để cho sát bữa trưa bằng cách thuê ca sĩ đến hát, mà số tiền chi ra có thể xây được 2-3 căn nhà tình nghĩa. Kiểm toán vào đều cho qua cái khoản tiếp khách'', ông nói.
Tăng trưởng đã tính đến thất thoát, lãng phí?
''Đầu tư lãng phí, thất thoát, dàn trải có trừ vào tăng trưởng không?'', ĐB Nguyễn Đình Lộc (TP.HCM) thắc mắc. Ông dẫn ra phân tích của UNDP tại Việt Nam về tính ''lưỡng thể'' (hai mặt) của tăng vốn đầu tư: ''Mỗi năm đầu tư thêm, tốc độ tăng trưởng tăng nhưng có thể không bền vững! Kết quả định lượng dễ làm cho người ta thoả mãn!''.
Ông thẳng thắn nói: ''Có công trình, dự án là có ''phết, phẩy''! Dự án không chỉ vì lợi ích địa phương mà còn lợi ích của từng người, chạy dự án về rút ruột công trình để chia nhau! Đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí nói đã 10 năm, ai chịu trách nhiệm?''
Qua giám sát đầu tư xây dựng cơ bản, ĐB Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang) cho biết, tình trạng ''cha chung không ai khóc phổ biến''! ''Chủ đầu tư bình thản vì ỷ lại Chính phủ trả nợ! Kinh tế đã thị trường nhưng đầu tư xây dựng cơ bản chưa thị trường, vẫn còn bao cấp, mà bao cấp thì càng tụt hậu!'', ông nhận định.
Các vấn đề kinh tế- xã hội, ngân sách sẽ được Quốc hội đưa ra thảo luận tại Hội trường vào các ngày 2,3/11.
-
Văn Tiến