221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
535232
Gặp bà Nguyễn Thị Bình - hậu duệ của Phan Chu Trinh
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Gặp bà Nguyễn Thị Bình - hậu duệ của Phan Chu Trinh
,

(VietNamNet) - Người ta quen gọi bà là "madam Bình". Một nữ chính khách đẹp người, đẹp cả phẩm cách. Trong sự hiện diện không nhiều những gương mặt của các nữ chính khách Việt Nam thế kỷ 20, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ cách mạng lâm thời CHMNVN, Bộ trưởng Giáo dục, Chủ nhiệm UB Đối ngoại của Quốc hội, Phó Trưởng Ban Đối ngoại TƯ Đảng, Phó Chủ tịch nước CHXHCNVN là một gương mặt đặc sắc, gây ấn tượng, một nhà hoạt động chính trị - xã hội lớn. Bà chính là hậu duệ của nhà chí sĩ yêu nước nổi tiếng Phan Chu Trinh.

"Mình luôn gắng làm hết trách nhiệm..."

Bà Nguyễn Thị Bình gặp Tổng thống Pháp Jacques Chirac ngày 4/5/2001.

Bây giờ, bà ngồi trước mặt tôi, vẫn gương mặt đẹp phúc hậu, cặp kính mát quen thuộc như thuở bà làm Bộ trưởng Bộ GD (nay là Bộ GDĐT). Chỉ thời gian dường như có phần đè nặng lên đôi vai. Nghe tôi hỏi thăm sức khoẻ sau chuyến công du tám ngày dự Hội nghị Quốc tế về hoà bình tại Ôsaka (Nhật Bản), rất hóm hỉnh, vừa pha trà, bà vừa bảo: "Chị đã U80 rồi đấy em nhé!".

Bà gọi tôi là em, xưng chị rất thân thiết, gần gũi. Tôi hơi bất ngờ bởi ở lứa tuổi này, với những người đàn bà khác, người ta thường tự coi mình là "cụ già", hoặc "cụ bà". Còn "cụ bà" Nguyễn Thị Bình đây, trí tuệ vẫn mẫn tiệp, phong thái lanh lẹ, lịch duyệt, nụ cười với hàm răng đều đặn luôn nở trên môi, vẫn sang sảng phát biểu trên các diễn đàn quốc tế về hoà bình và phát triển, về toàn cầu hoá, về trẻ thơ... Thật là hiếm.

Bà sinh ra trong một gia đình yêu nước ở Quảng Nam. Ông nội là nghĩa binh trong phong trào Cần Vương ông ngoại là nhà chí sĩ nổi tiếng Phan Chu Trinh. Ông thân sinh ra bà từng đi học Trường công chính tại Hà Nội. Bà ngoại và bà mẹ thân sinh ra bà chỉ làm nội trợ gia đình, đều khá đẹp, nhất là bà ngoại, có khuôn mặt trái xoan và đôi lông mày vòng cung, mềm mại như lá liễu.

Tuổi thơ, cha mẹ cho bà đi học ở Trường Lycée Sisowath, bà được học tiếng Pháp từ nhỏ đến hết tú tài, và học rất khá. Nhưng bà mẹ, thân sinh ra bà mất quá sớm, lúc 40 tuổi, khi bà mới 16, chị cả của một đàn 5 đứa em cả trai lẫn gái.

Có lẽ chính hoàn cảnh đó sớm tạo nên một tính cách nổi bật, quán xuyến và đi suốt cuộc đời bà, một điểm nhấn sâu sắc, giúp bà trưởng thành và thành đạt - từ khi là Bộ trưởng Ngoại giao, 41 tuổi, đến lúc trở thành một vị Phó Chủ tịch nước, khi đã 65 tuổi, đó là ý thức trách nhiệm, là sự cố gắng hết mình trước bổn phận.

Đất Quảng Nam là đất cách mạng. Nền tảng văn hoá, chí khí và truyền thống yêu nước của gia đình dường như đã ngấm vào máu thịt bà từ rất sớm. Năm 1945, vừa hết tú tài phần I bà đã bắt đầu các hoạt động yêu nước: Cứu tế nạn đói, tham gia cướp chính quyền tại Sài Gòn, chuyển vũ khí ra chiến khu. Vừa hoạt động xã hội, một vai, bà vẫn phải gánh vác cùng cha, thay mẹ chăm lo các em ăn học. Cả nhà phải làm đủ việc để sống. Có lúc bà phải đi bán gạo, bán trứng. Rồi đi làm gia sư (dạy học). Nhưng hoạt động chính trị - xã hội, tự lúc nào đã trở thành một phần không thể thiếu của con người bà, cuộc đời bà. Cha ra chiến khu, bà ở lại thành phố, vừa chăm lo các em, vừa hoạt động xã hội, tham gia các phong trào học sinh, sinh viên, phụ nữ yêu nước, vận động trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn ủng hộ cách mạng.

Hoạt động xã hội của thiếu nữ Nguyễn Châu Sa (tên cha mẹ đặt) lúc đó sôi nổi lắm, và cũng lắm cung bậc, lắm thăng trầm. Điều gì đến, tất yếu phải đến. Năm 1948, bà được kết nạp vào Đảng. Năm 1951, bà bị bắt, bị tù tại khám Chí Hoà. Năm 1954 vừa ra tù, bà tham gia luôn vào phong trào hoà bình đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ, cuối năm 1955, tổ chức điều bà ra Bắc. Năm 1960, bão tố cách mạng cuồn cuộn trên bầu trời miền Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam ra đời.

Có vốn ngoại ngữ (tiếng Pháp) tốt, có trình độ và thực tiễn hoạt động chính trị, có kinh nghiệm vận động, tuyên truyền nhân dân, truyền thống gia đình yêu nước, năm 1962, tổ chức quyết định cử bà trở lại miền Nam làm Uỷ viên TƯ MTDTGPMN, hoạt động mảng đối ngoại. Cuộc đời chính khách của bà bắt đầu thật sự từ đây. Lúc đó, bà không nghĩ rằng đó chính là giai đoạn tập sự hữu ích cho những hoạt động ngoại giao sau này - khi năm 1968, bà được cử làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ lâm thời CHMNVN, Trưởng đoàn đàm phán của MTDTGPMN tại Hội nghị Pari về Việt Nam.

Đó là một nhiệm vụ rất nặng nề. Lúc ấy, bà 41 tuổi, cái tuổi đẹp một cách viên mãn nhất của đời một người đàn bà. Tôi mạn phép hỏi:
- Thưa chị, nhiệm vụ lớn lao thế, chị có lo lắm không?
- Lo chứ. Mọi thứ đều rất mới mẻ. Mình lại chưa được học qua một trường, lớp ngoại giao nào cả, dù có thực tiễn, có kinh nghiệm hoạt động và có trình độ chính trị nhất định. Nhưng mình cũng tự tin, vì còn có anh chị em, có các đồng chí giúp đỡ. Đấu tranh ngoại giao, nhưng sự thắng lợi lại được quyết định ở chiến trường. Bao chiến sĩ, bao người dân đã hy sinh, đổ máu. Phải cố gắng đàm phán làm sao sớm chấm dứt được cuộc chiến. Đó là tâm nguyện của mình. Mình luôn tự nhủ, gắng làm tròn trách nhiệm...

Hồi đó, suốt bốn năm, từ 1968 đến 1972, cứ đến thứ năm hàng tuần, dân Pari, bà con Việt kiều ở Pari lại chứng kiến "madam Bình" (họ vẫn gọi bà như thế) phong thái rất lịch lãm, sang trọng, trong bộ áo dài, bên ngoài khoác áo vét, có khi là áo có cổ lông sẫm màu, tới Nhà Hội nghị Quốc tế của phố Klê-be đàm phán "bốn bên". Khoảng giữa hai kỳ họp là một khối lượng công việc lớn, căng thẳng, bận rộn. Bà tổ chức họp báo, trả lời phỏng vấn, tham dự các hội nghị quốc tế với tư cách Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đi các nước Châu Á, Châu Âu, Châu Phi... tuyên truyền, vận động, tranh thủ sự ủng hộ của họ cho sự nghiệp đấu tranh vì chính nghĩa. Rồi chuẩn bị thông tin, các đòn tấn công ngoại giao sắc bén cho cuộc đàm phán tới...

Bà nhớ lại. Làm công việc ngoại giao căng thẳng, phải kín võ lắm. Sơ hở là chết. Có lần một nhà báo phương Tây hỏi: "Bà có ở Đảng CS?". Mình trả lời: "Tôi thuộc Đảng yêu nước!". Thế mà nó chịu đấy . Phương châm của mình là họ có quyền hỏi, mình có quyền trả lời. Nhưng trả lời thế nào đề họ "tâm phục, khẩu phục", hiểu rõ hơn cuộc chiến đấu chính nghĩa của dân tộc mình. Đó mới là điều quan trọng!

Bà nói giản dị, khúc chiết. Nhưng đằng sau đó là trí thông minh, sự nhạy cảm, sự tinh tế được kết tụ trên nền tảng truyền thống văn hoá một gia đình nền nếp, lại được bồi đắp trong thực tiễn và quá trình hoạt động chính trị, ngoại giao, giao lưu văn hoá đông - tây. Đến ngay cả phong thái giao tiếp, từ cái bắt tay lịch lãm, đến nét mặt, nụ cười của bà cũng luôn cởi mở, thân thiện, gây được sự thiện cảm của báo giới, dư luận xã hội quốc tế.

Bà cười nhẹ khi kể rằng hồi đó, cả đoàn mình nghèo lắm. Qua Liên Xô (cũ), vào cửa hàng mậu dịch quốc tế, bà thấy có áo lông rất đẹp, mà không dám mua, chỉ dám đi chợ nông trường để mua áo, và sắm được một... cái cổ lông, cài vào cái áo vét khoác bên ngoài. Ở Pari, may mắn, lai tìm được một cô gái Việt kiều may áo dài. Thế cho nên cũng có vài bộ thay đổi, lại thêm cái áo khoác có cái cổ lông.

Có những cuộc họp báo quốc tế tới 200 nhà báo, hoặc có lần truyền hình trực tiếp, bà phải trả lời phỏng vấn (bằng tiếng Pháp) với hàng chục phóng viên Pháp, Mỹ. Chuẩn bị thì rất căng thẳng, trong bụng rất hồi hộp, nhưng bên ngoài bao giờ "Mình cũng cười thật tươi, nói năng lại nhẹ nhàng".

Cuộc phỏng vấn trực tiếp thành công, ông Xuân Thuỷ, Trưởng đoàn đại diện CPVNDCCH phải điện thoại: "Tôi khen chị, dũng cảm thật đấy?". Cuối các buổi họp báo, sau khi cảm ơn, các nhà báo vỗ tay lâu lắm, có nhà báo còn thích thú hỏi: "Bà may áo dài ở tiệm may nào?" hoặc "Bà sửa đầu tóc ở đâu?" - "Ở đâu đâu, ở tại cơ quan trụ sở của đoàn. Mình tự chải lấy". Có phóng viên thân thiện kêu to: "Madam Bình, bà cười cho chúng tôi chụp một pô?". Thế là cười, thật tươi, thật đẹp để họ chụp.

Những năm tháng đàm phán, hình ảnh "madam Bình" thật sự gây ấn tượng khi xuất hiện trên các trang báo phương Tây, bởi những lời phát biểu đầy thuyết phục, thông minh, lúc rắn rỏi, khi dí dỏm ví von, làm thế giới nể trọng, nhân dân ta nức lòng. Cùng với chiến trường, bà góp phần không nhỏ vào sự thắng lợi của cuộc "đấu trí” lớn chống kẻ thù xâm lược và bán nước.

Năm 1973, Hiệp định Pari được ký kết. Bà trở về, tiếp tục công việc Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ CM lâm thời CHMNVN. Bà không hề nghĩ rằng, một công việc khác, hoàn toàn mới mẻ, cũng đầy rẫy khó khăn, đang đợi bà ở phía trước. Không nghĩ rằng, hoá ra, công việc ấy lại khiến bà nặng lòng đến vậy suốt cả cuộc đời còn lại, dù có lúc bà đã lên đến đỉnh cao quyền lực và danh vọng - Phó Chủ tịch nước.

Một thời làm "tổng chỉ huy" ngành giáo dục

Bà đã nói như vậy, khi trả lời câu hỏi: "Trong suốt cuộc đời hoạt động, giữa ngoại giao, chính trị và giáo dục, bà nặng lòng với công việc nào hơn cả?" - "Vì trẻ em hôm nay chính là dân tộc, là đất nước ngày mai" - bà trả lời giản dị, nhưng đó cũng là sự đúc kết của 11 năm bà làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, từ 1976-1987.

Chuyện làm Bộ trưởng GD của bà cũng bất ngờ. Một buổi, ông Lê Văn Lương (Ban TCTƯ) đến gặp: “TƯ định giao chị Bộ trưởng Bộ GD, chị thấy thế nào?" - "Tôi quen làm ngoại giao, nay lại làm giáo dục. Các anh cứ cân nhắc đi!” - “Giai đoạn này GD cực kỳ quan trọng. Chị là phụ nữ có trình độ chính trị, lại tâm huyết, chắc làm được thôi!” Thế là bà làm Bộ trưởng GD...

Có người doạ: “Toàn cây đa, cây đề ở ngành ấy. Chị có cầm chịch nổi không?”.

Năm ấy 1976 , đất nước đang rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế - xã hội, bao công việc bộn bề, với trách nhiệm Bộ trưởng GD, bà vừa phải tổ chức tiếp quản và cải tạo nền giáo dục cũ ở miền nam vừa phải chuẩn bị triển khai cải cách giáo dục (lần ba).

Bà Nguyễn Thị Bình (đứng bên phải).

Bà đã hoàn thành vai trò "tổng chỉ huy" thực hiện công cuộc CCGD như thế nào? Trong cuốn sách "Nguyễn Thị Bình, con người và sự nghiệp GD" do NXB Giáo dục phát hành cách đây ít lâu, PGS.TS Lương Ngọc Toản đã kể về chuyến bà và ông lúc đó là Thứ trưởng Bộ GD lên gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng "xin tiền làm CCGD". Thủ tướng trả lời: "Chị Bình ơi, làm CCGD đúng là phải có tiền. Nhưng tôi là Thủ tướng, tôi biết Nhà nước ta còn bao nhiêu việc phải làm. Chưa có gạo cho dân, dân đang đói, tôi phải lo gạo đã. Chưa có thuốc chữa bệnh cho dân, tôi phải lo thuốc đã. Chị về phát động toàn ngành, lao động, sản xuất, tìm ra nguồn lực để làm CCGD".

Thủ tướng khi đó nói vậy thì bà, Bộ trưởng Bộ GD còn biết nói gì hơn?

Cũng vẫn theo ông Lương Ngọc Toản: "Công cuộc CCGD đã được tiến hành trong điều kiện không có nguồn lực tương ứng. Nhưng bằng sự nỗ lực của toàn ngành và trên hết, là sự điều hành của Bộ trưởng GD Nguyễn Thị Bình, ngành đã triển khai CCGD theo kiểu "cuốn chiếu”, lấy việc thay sách làm trọng tâm, ngành đã "vượt cạn" 12 năm, và đạt được những thành tựu to lớn không thể phủ nhận, đó là:

- Thống nhất hệ thống GD phổ thông 12 năm trong toàn quốc;
- Hình thành một hệ thống giáo dục quốc dân từ mầm non lên đến đại học, sau ĐH. Phát triển một mạng lưới trường, lớp đủ các ngành học, cấp học cho tất cả các tỉnh, TP trực thuộc trung ương, xã nào cũng có trường tiểu học, nhiều xã có trường mầm non, trường THCS, huyện nào cũng có trường THPT.
- Cải cách toàn bộ nội dung giáo dục phổ thông theo chương trình CCGD thống nhất trong cả nước.
- Duy trì quy mô giáo dục trong điều kiện hết sức khó khăn.
- Hình thành một hệ thống quản lý giáo dục từ trung ương đến địa phương để quản lý sự nghiệp giáo dục.

Làm Bộ trưởng trong điều kiện thiếu thốn, nhận thức lại nhiều phần duy ý chí, ấu trĩ, để đạt được những thành công trên, bà đã thể hiện sự can đảm, ý thức trách nhiệm, năng lực tập hợp, tồ chức, điều hành của mình bên cạnh một tập thể lớn các nhà quản lý, nhà khoa học có tên tuổi, uy tín, nhà sư phạm, cùng chung tâm huyết và ý chí vì sự nghiệp GD.

Gánh vác trọng trách điều hành cả bộ máy GD chuyển động đi lên cùng kinh tế - xã hội đất nước, con người vẫn luôn là mối quan tâm đặc biệt của bà. Chính trong giai đoạn này, với sự tham mưu của bà và các đồng sự, Nhà nước đã có nhiều chính sách ghi nhận và khẳng định vị thế nhà giáo. Đó là cải tiến thang lương, tính thâm niên cho giáo viên, thực hiện chính sách đề bạt cán bộ nữ, tôn vinh Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11, tôn vinh các danh hiệu cao quý Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú, ghi nhận sự cống hiến thầm lặng của hàng vạn, hàng nghìn nhà giáo có danh và vô danh.

"Dấu ấn giáo dục Nguyễn Thị Bình" cuối cùng và sâu thẳm, vẫn là dấu ấn yêu thương với con người, vì con người.

Đó cũng là lý do vì sao giáo dục để lại nơi bà một dấu ấn sâu đậm. Ai cũng cảm nhận được điều đó, kể cả khi bà trở về với trọng trách ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó Trưởng ban Đối ngoại T.Ư Đảng (1987), và khi bà giữ trọng trách lớn hơn, Phó Chủ tịch nước (1992).

Lại những cuộc tiếp khách quốc tế, nhận quốc thư đại sứ các nước, tham dự các hội nghị, hội thảo trong nước, nước ngoài, nghiên cứu, quan tâm vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền, quản lý và điều hành Nhà nước bằng pháp luật. Nhưng giáo dục vẫn là niềm đau đáu. Bà vẫn tiếp tục phát biểu, viết bài, đi về các địa phương, dự các hội nghị của ngành. Vui cái vui chung của giáo dục.

Lo cái lo chung của giáo dục. Nếu như ngoại giao, chính trị, là trí tuệ sắc bén của bà, thì giáo dục là con tim, là tấm lòng của bà. Một con tim, một tấm lòng nhạy cảm và sáng suốt.

Hạt Châu Sa ngày ấy ... bây giờ

Đời một người đàn bà, hạnh phúc chỉ thực sự viên mãn khi người đàn bà ấy hài hoà được cả tình riêng và việc chung. Bà có được sự viên mãn không, khi mà bà đẹp thế, đẹp như cái tên Châu Sa của bà? Tôi một lần nữa, mạn phép tò mò, khi kể lại bà nghe, dạo ấy, tôi cũng còn rất trẻ, được đi theo bà công tác về một đia phương. Lúc đó bà mới nhận chức Bộ trưởng GD. Bà mặc bộ áo dài màu ghi, giản dị, nhã nhặn, búi tóc nền nã (sau này, tôi cứ tiếc mãi bởi thấy bà cắt tóc làm đầu), nhưng phong thái vẫn cực kỳ lịch lãm. Thói quen nghiệp vụ của nhà báo khiến tôi đứng trong đám các cụ lão nông. Các cụ vai áo, bắp chân còn bê bết bùn đất, vậy mà cứ xuýt xoa, nắc nỏm: "Bộ trưởng đẹp gái quá". Một lời khen thật dân dã, thật hồn nhiên. Lúc ấy, bà đã bước sang tuổi 49, 50.

Nghe tôi kể, bà tủm tỉm: Bà mẹ mình tên là Phan Châu Lang, mình lại được sinh ra ở Sa Đéc, nên cha mẹ đặt là Châu Sa. Khi đi kháng chiến mình lấy tên là Yến, Yến Sa. Nhưng lúc đi hoạt động ngoại giao, năm 1962, để bảo đảm bí mật, tổ chức đặt tên mình là Bình. Cái tên Nguyễn Thị Bình ra đời từ đấy. Khi họp báo quốc tế, tại Hội nghị Pari mình tự giới thiệu: "Tên tôi là Bình, có ý nghĩa là Hoà Bình?". Buồn cười, có tay phóng viên phương tây cũng hóm: "Bà tên là Hoà Bình, nhưng toàn nói chuyện chiến tranh, chiến đấu?". Quả cũng thế thật!

Người đàn bà đẹp thường ít hạnh phúc, lại gian truân. Nhưng bà đã gặp được tình yêu của bà, lại là mối tình đầu sâu sắc. Ông là Đinh Khang, đại tá quân đội. Bà gặp ông năm 1944, nhưng cứ người chân trời, người góc bể. 11 năm sau, năm 1955, ông cưới bà. Nhưng rồi lại "người mặt trận ngoại giao, người mặt trận quân sự”. Hai đứa con, một trai, một gái lần lượt ra đời.

Ở cái tuổi lên năm, lên mười, đứa con nào cũng cần sự ôm ấp, cần hơi ấm của người mẹ, người cha. Nhưng bà đã phải phó thác các con cho người em gái nuôi nấng, dạy dỗ, và cứ xê dịch nay đây, mai đó. Ông cũng vậy, nay ở khu tư, mai ở khu 5. Khoảng thời gian sum họp vợ chồng, sống với nhau, đầu gối tay ấp như muôn ngàn cặp vợ chồng bình thường khác cũng rất ngắn.

Năm 1976, bà làm Bộ trưởng GD. Tuy có ổn định hơn, nhưng công việc quản lý ngành khiến bà phải đi nhiều, trong nam, ngoài bắc, miền núi, đồng bằng. Năm 1980, ông bắt đầu nghỉ hưu, "đảm đang" lo nội trợ thay bà. "Được cái, ảnh rất hiền, rất thông cảm với công việc của mình!".

Bà bảo vậy. Chín năm sau ông mất. Các con đều đã có nơi, có chốn. Chỉ còn lại bà với công việc trọng trách, và nỗi buồn sâu thẳm... Tôi vẫn luôn nghĩ rằng các chính khách, ẩn giấu đằng sâu sự bận rộn, sự tráng lệ của công đường cùng sự ngưỡng mộ của số đông dân chúng, là nỗi cô tịch không dễ bày tỏ. Bà là chính khách, lại là người đàn bà đẹp, càng không phải ngoại lệ...

Nhưng những trọng trách lớn, cùng sự trưởng thành cứng cáp của các con, các cháu, làm ngọn lửa sống, ngọn lửa nồng ấm trong trí tuệ và con tim đầy nhiệt huyết của bà. Thật kỳ lạ là ở lứa tuổi "U.70", bà vẫn tiếp tục các chuyến công du Châu Âu, Châu Á, hoạt động đối ngoại không mệt mỏi. Và giờ ở lứa tuổi "U.80" này...

Bà cười rất to khi kể rằng, có mấy người bạn học thuở thiếu thời đã can rằng: "Này, hăng hái vừa vừa thôi. Trẻ đã hăng hái .Trung niên hăng hái. Già vẫn hăng hái. Quá già rồi còn hăng hái!". Tôi vui lây cái tiếng cười khanh khách trẻ trung và cũng rất hồn nhiên của bà.

Ai dám nghĩ một "cụ bà" đã U.80 mà còn làm Chủ tịch của ba tổ chức: Quỹ Hoà bình và phát triển VN; Quỹ Bảo trợ trẻ em VN; và Chủ tịch danh dư của Hội nạn nhân chất độc màu da cam. Bà vẫn xuất hiện trên các diễn đàn hội thảo quốc tế phát biểu sôi nổi về hoà bình, phát triển, về giáo dục, vì những bé thơ bất hạnh, vẫn viết báo, và góp ý cho Chính phủ về tình hình mục tiêu đào tạo. Mới đây, bà lại có sáng kiến đề nghị Chính phủ chọn 2005 làm năm Chấn hưng Giáo dục.

Có tiếng chuông điện thoại. Bà nhanh nhen đứng lên, đi như chạy. Hoá ra, đó là điện thoại từ chỗ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ hẹn gặp. Lại một cuộc tiếp kiến ngoại giao sắp tới, bà cần chuẩn bị.

Tôi cứ lặng lẽ ngắm bà, người cháu ngoại, hậu duệ nổi tiếng của nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh. Bà có đầy đủ tố chất và hoàn cảnh để làm một phu nhân an nhàn, sung mãn. Nhưng lịch sử đã chọn bà, đất nước đã chọn bà, nhân dân đã chọn bà. Và bà đã không phụ lòng sự lựa chọn của lịch sử, của cố phận. Bà là nữ chính khách đẹp người, đẹp cả phẩm cách. Phẩm cách suốt đời vì nước vì dân, vì con người, vì trẻ thơ...

  • Kim Dung
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,