(VietNamNet) - Ông Vũ Duy Thái, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công thương Hà Nội đã bộc bạch như vậy với VietNamNet về những vướng mắc, rào cản đối với DN trước sự kiện: Ngày 13/10, Thủ tướng sẽ có cuộc gặp gỡ với giới DN và công bố chọn ngày này là Ngày Doanh nhân Việt Nam.
Ông Vũ Duy Thái cho biết:
Ông Vũ Duy Thái. |
- Chính phủ và các bộ, ngành đã làm nhiều việc để cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, trong khuôn khổ cuộc gặp gỡ này, chúng tôi sẽ trình lên Thủ tướng một số khuyến nghị vì mục đích nâng cao hơn nữa khả năng cạnh tranh của DN.
Luật Đất đai sửa đổi lần này và những nghị định hướng dẫn thi hành đang được chuẩn bị có nhiều thay đổi quan trọng. Luật đã thể hiện rõ quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân và nhiệm vụ của các cấp trong việc giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất... nhằm nâng cao trách nhiệm của chính quyền trong việc quản lý đất đai (thu hồi, tái phân bổ quỹ đất...) và đẩy nhanh tiến trình đăng ký quyền sử dụng đất hợp pháp của các tổ chức cá nhân. Luật và dự thảo nghị định cũng chỉ rõ trong vòng 1 tháng các Sở Tài nguyên và Môi trường phải thông báo cho nhà đầu tư biết đơn thuê đất của họ có được chấp nhận hay không được phê duyệt, để họ chủ động triển khai phương án kinh doanh.
Tuy nhiên, các dự thảo Nghị định chưa đề cập đến vấn đề làm thế nào để các DN tiếp cận với đất đai được dễ dàng với chi phí ban đầu vừa phải, và ít rủi ro mà hiện tại các DN, nhất là DN vừa và nhỏ, phải đối mặt! Vì vậy, chưa ban hành nghị định hướng dẫn cũng là cơ may để DN được trực tiếp báo cáo với Thủ tướng đôi điều suy nghĩ.
DN ''gồng mình'' chịu gánh nặng của giá đất!
- Tại sao chậm ban hành nghị định lại là ''cơ may'', thưa ông?
- Luật Đất đai và dự thảo nghị định cho phép DN tự thoả thuận để nhận lại quyền sử dụng đất của các hộ sản xuất nông nghiệp làm mặt bằng sản xuất kinh doanh. Song cả người chuyển và người nhận cũng như chính quyền phường xã đều không hay biết đất ấy đã hoặc sẽ quy hoạch vào mục đích gì (vì chưa có quy hoạch hoặc có quy hoạch nhưng chưa công khai). Nhỡ chẳng may đất ấy không nằm trong quy hoạch công nghiệp thì quyền sử dụng của các DN trên lô đất ấy sẽ ra sao, có được hợp thức hoá hay không? Tôi đề nghị khi lập quy hoạch cố gắng ''bảo lưu'', đưa các vùng đất đã có các cơ sở sản xuất kinh doanh vào ''diện quy hoạch công nghiệp'', cho dù điều ấy có làm cho các nhà quy hoạch tốn hao công sức so với trường hợp thông thường.
Trước đây, theo Nghị định 22, giá đền bù cho 1m2 đất nông nghiệp hạng nhất ở ven Hà Nội là 19.300 đồng/m2 cộng với hệ số ''k'' và các khoản đền bù, hỗ trợ khác cũng chỉ vào khoảng trên dưới 100.000 đồng/m2. Giá đền bù này quá thấp so với thực tế nên việc giải phóng mặt bằng rất khó khăn! Nay theo khung giá đất mới (dự thảo Nghị định phương pháp định giá và khung giá đất), đất tương ứng dự kiến là 600.000 đồng/m2, cộng với các khoản đền bù khác vào khoảng 700.000 đồng/m2 (tức 7 tỷ đồng/ha), cao gấp 7 lần so với trước (chưa kể tiền tôn tạo và thuế chuyển đổi mục đích sử dụng dụng đất). Như vậy sẽ quá cao so với giá trị thực của đất mang lại! Các nhà thiết kế giải thích rằng đây là ''giá thị trường'' song giá thị trường hiện tại có nhiều yếu tố ''ảo'', nếu lấy đó làm căn cứ sẽ đặt các DN vào tình thế rất khó khăn về mặt tài chính.
Còn nếu thuế đất của cơ quan phát triển quỹ đất đã ''làm sạch'' chắc còn lâu mới có! Hay thuê đất trong các khu khu nghiệp đâu dễ khi số tiền phải trả cũng ít nhất vào khoảng 50.000-60.000 đồng/m2/tháng (tức 600-700 triệu đồng/ha/năm), một số tiền không nhỏ đối với các DN nhỏ và vừa. Ấy là chưa kể đến số tiền khổng lồ mà Nhà nước phải ứng trước cho các cơ quan phát triển quỹ đất để làm đất ''sạch''. Tôi cho rằng cái này ý tưởng thì tốt nhưng không thực hiện được!
Vì vậy, DN đề nghị Chính phủ xem xét cho áp dụng tính giá theo phương pháp thu nhập đối với đất nông nghiệp trước khi chuyển thành đất công nghiệp hay chuyên dùng khác. Theo ước tính của chúng tôi, phương pháp này công bằng hợp lý, dễ được các bên chấp thuận, do đó thị trường chuyển nhượng đất đai sẽ trôi chảy, tạo điều kiện cho việc cơ cấu lại nền kinh tế và thu hút đầu tư tốt hơn!
Thời gian khởi nghiệp kinh doanh chỉ còn 25 ngày?
- Cải thiện thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian, chi phí cho DN khởi sự kinh doanh, gia nhập thị trường đã được nói đến trong hội nghị tổng kết thi hành Luật DN từ cách đây vài năm. Vấn đề này đã được cải thiện?
- Theo Luật Doanh nghiệp năm 2000 đã tạo điều kiện tối đa cho mọi người gia nhập thị trường. Nhưng việc tạo lập môi trường hoạt động cho các DN sau đăng ký kinh doanh còn chưa tương thích! Chính phủ đã bãi bỏ hơn 150 giấy phép con, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều trở ngại do những thủ tục hành chính rườm rà không đáng có, khiến nhiều DN bị lỡ mất cơ hội hoặc không thích ứng kịp với những đòi hỏi của thị trường.
Sau khi có đăng ký kinh doanh, DN còn phải hoàn tất nhiều công đoạn khác nữa mới có thể khởi động kinh doanh (như xin phép khắc dấu, khắc dấu ở nơi chỉ định, đăng ký mã số thuế, xin cấp sổ mua hoá đơn, mua hoá đơn...). Điều đáng nói là phải hoàn tất khâu này mới được triển khai khâu khác, nên thời gian hoàn thành thủ tục phải mất hơn 50 ngày. Vừa qua, Bộ Tài chính cho gộp việc cấp mã số thuế, mã số hải quan và cấp sổ mua hoá đơn vào một công đoạn nên giảm được từ 8-10 ngày. Giá như, Bộ Tài chính cho phép các Cục thuế địa phương được nhận hồ sơ (tờ khai) khi DN chờ khắc dấu (khi có dấu họ phải mang đến đóng dấu vào tờ khai trước khi nhận mã số thuế) - thì thời gian làm thủ tục sẽ giảm xuống còn khoảng 25 ngày. Thời gian này tương ứng với thời gian cần thiết để hoàn tất thủ tục thành lập DN ở Malaysia, Nhật Bản...
Liên quan đến hành chính, cần tạo cơ hội tối đa cho mọi người tham gia thị trường! Nhưng chỉ có tham gia thị trường không chưa đủ, mà Nhà nước cần hỗ trợ DN trong quá trình hoạt động kinh doanh. Đấy mới là cái quan trọng!
Đôi khi làm tổn thương đến lòng tự trọng của DN!
- Ông có thể lấy thêm ví dụ về bức xúc của DN trong quá trình hoạt động kinh doanh?
- Trong quá trình hoạt động kinh doanh, DN thường xuyên phải điều chỉnh hoặc thay đổi địa chỉ cho thích ứng với đòi hỏi của thị trường. Song, cũng chẳng dễ dàng, nhất là khi thay đổi địa chỉ từ quận này sang quận khác, ngoài việc thay đổi đăng ký kinh doanh còn phải hoàn tất việc quyết toán thuế với cơ quan thuế nơi đến... Quá trình này dềnh dàng có khi phải mất nhiều tuần lễ! Còn nếu muốn mở chi nhánh ở tỉnh khác hoặc thay đổi hình thức từ công ty TNHH sang công ty cổ phần, thì mọi việc đều tiến hành từ đầu như DN mới thành lập.
Do vậy, đã có nhiều trường hợp làm xong thủ tục thì cơ hội kinh doanh không còn, nên có người đã bỏ cuộc. Cũng có DN thấy việc di chuyển phức tạp, phải chờ lâu nên đã tự tiện di chuyển mà không khai báo với các ngành chức năng. Hiện tượng này gây khó khăn cho công tác quản lý, sai lệch số liệu thống kê, khiến việc nhìn nhận và đánh giá của cơ quan có trách nhiệm rất khác nhau, đôi khi làm tổn thương đến lòng tự trọng của DN và chính sách đối với khu vực kinh tế này.
Vì vậy, chúng tôi đề nghị Nhà nước đơn giản hoá các thủ tục hành chính, để DN dễ bề thực hiện, không phải ''hành chính hoá bộ máy kinh doanh'' hoặc phải luồn lách né tránh như hiện nay.
Văn bản lỗi thời, DN không có đường vào, đường ra!
- Gần đây có rất nhiều phản ánh của giới DN xung quanh những văn bản lỗi thời lạc hậu, những văn bản hoặc dự thảo chung chung không rõ ràng, trái với đường lối phát triển kinh tế. Ông có thể cho biết rõ hơn?
- Thứ nhất, tồn tại loại văn bản lạc hậu, không phù hợp nữa nhưng vẫn kéo dài hiệu lực. Ví dụ từ năm 1997 ta có Nghị định 77 về BOT cho phép DN nước ngoài và DN nhà nước được đầu tư công trình BOT làm hạ tầng (đổi đất lấy hạ tầng, làm hạ tầng lấy tiền trước, khai thác, chuyển giao...) nhưng không cho khu vực tư nhân làm! Vừa rồi có số DN tắc, không có đường vào, đường ra nên người ta tự nguyện làm bằng vốn của họ nhưng không có chính sách điều tiết. Tôi đề nghị Chính phủ cho phép tư nhân được làm giống như DN nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Thứ hai là loại văn bản quá chung chung, chung chung đến mức độ mà hiểu thế nào cũng được! Gần đây Nhà nước đã cho bãi bỏ áp dụng bảng giá tối thiểu tính thuế và áp dụng danh mục hải quan HS. Nhưng có hướng dẫn hải quan được phép trưng cầu, so sánh, tự định giá những trường hợp chưa rõ về số lượng, chưa rõ về hàng hoá, chưa có trong bảng thông dụng của mình thì được trưng cầu giám định và đưa ra kết luận. Nguyên tắc nào để được quyền và được quyền theo kiểu gì còn chung chung quá, dễ dẫn đến tuỳ tiện!
Loại thứ ba là văn bản ngược với quan điểm phát triển kinh tế thị trường. Vừa qua trước tình hình giá cả có biến động, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành tìm biện pháp bình ổn giá, thì biện pháp dự kiến đưa ra lại là ''áp đặt hành chính'' phi thị trường... Như dự thảo quy chế kinh doanh thép xây dựng, ai lại đưa ra phương án nhà sản xuất phải lập hệ thống đại lý, tức là gom siết lại giống thời bao cấp...
Những hạn chế về tư duy và bấp cập này đang làm gia tăng mức độ rủi ro và chi phí cho DN, không thúc đẩy cạnh tranh mà còn tạo kẻ hở cho những hành vi lạm dụng. Chúng tôi đề nghị Chính phủ cho rà soát lại các văn bản pháp quy, cái nào chưa rõ thì giải thích, bổ sung, cái nào không phù hợp, bất cập, gây trở ngại cho hoạt động DN thì kiên quyết bãi bỏ, trả lại sự thông thoáng cho môi trường kinh doanh và mối quan hệ đồng cảm, thân thiện, giữa các ngành chức năng với DN.
- Đặt ra nhiều yêu cầu đối với cơ quan quản lý Nhà nước, nhưng bản thân DN có tự đặt ra yêu cầu gì đối với mình không, thưa ông?
- Về phần mình, các DN xin hứa với Thủ tướng sẽ phấn đấu tư hoàn thiện mình, xây dựng môi trường kinh doanh vì sự nghiệp dân cường, nước thịnh, xã hội dân chủ, văn minh.
-
Văn Tiến (thực hiện)