(VietNamNet) - Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã bộc bạch như vậy nhân sự kiện Thủ tướng quyết định chọn ngày 13/10 là ngày Doanh nhân Việt Nam, cũng như trước thềm cuộc gặp gỡ của Thủ tướng với giới doanh nghiệp vào ngày 13, 14/10 tới.
- Trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước hiện nay, ông đánh giá như thế nào về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam?
''Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng tức là sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng!”
- Tôi muốn nhắc lại một câu nói của Bác Hồ mà tôi rất tâm đắc, đó là trong bức thư gửi giới công thương Việt Nam cách đây 59 năm (ngày 13 tháng 10 năm 1945), Bác đã viết: “Trong lúc các giới khác ra sức hoạt động để giành lấy hoàn toàn nền độc lập thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền tài chính vững vàng và thịnh vượng... Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng tức là sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”. Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đã từng gọi doanh nghiệp, doanh nhân là đội quân chủ lực, lực lượng chủ công, là đội ngũ xung kích trong công cuộc phát triển kinh tế và hội nhập. Hai cách nói khác nhau nhưng rõ ràng đều khẳng định và ghi nhận vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong từng thời kỳ.
Đặc biệt, tôi cũng rất muốn nhắc lại tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 9 (Khoá IX), theo đó, lần đầu tiên doanh nhân Việt Nam được nhắc tới cùng với giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức. Nghị quyết yêu cầu: “Bổ sung và hoàn chỉnh chủ trương, biện pháp xây dựng giai cấp công nhân. nông dân, đội ngũ trí thức và doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.
Theo tôi, đó là một sự khẳng định rõ ràng về vai trò, vị trí của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Và sự làm giàu chân chính, hợp pháp của giới doanh nhân đã chính thức được thừa nhận và khuyến khích vì một mục đích chung, đó là sự giàu mạnh và phát triển bền vững của đất nước.
Doanh nhân làm giàu không phải chỉ vì cá nhân họ, mà còn vì lòng tự tôn dân tộc!
- Được thừa nhận, được khuyến khích và cần được tôn vinh là điều xã hội đang đề cập đến nhiều khi nói về đội ngũ doanh nhân. Ông nghĩ thế nào về việc tôn vinh doanh nhân?
- Theo quan điểm của tôi, trước khi nói đến tôn vinh doanh nhân, hãy nói đến tôn trọng doanh nhân. Và biểu hiện quan trọng nhất chính là tạo điều kiện để các doanh nhân thực hiện quyền kinh doanh của họ. Cụ thể hơn, trước khi được tôn vinh, doanh nghiệp đòi hỏi sự không phân biệt kỳ thị, đòi hỏi được dỡ bỏ rào cản, tạo điều kiện để làm ăn kinh doanh chân chính, được tin tưởng và được ghi nhận những đóng góp.
Tôi muốn chia sẻ quan điểm rằng, doanh nghiệp, doanh nhân làm giàu không phải chỉ vì cá nhân họ, vì một doanh nghiệp đơn lẻ mà còn vì một mục đích cao cả hơn, đó là vì lòng tự tôn dân tộc. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác lần đầu tiên bắt gặp một thương hiệu “Made in Vietnam” trong một siêu thị ở Mỹ, đó là một niềm tự hào và kỳ vọng. Nhiều doanh nhân có mặt ở đó dù không phải là người sở hữu thương hiệu đó cũng có chung cảm nghĩ như vậy. Điều tôi muốn nói ở đây là làm sao thái độ ứng xử của quan chức nhà nước với doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp chân chính, có hiệu quả là vì sự phát triển chung của đất nước chứ không đơn thuần là vì lợi nhuận của cá nhân một doanh nghiệp.
Tất nhiên, cũng cần phải nói rằng, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam phải tạo lập được cho xã hội, người tiêu dùng cho các cơ quan nhà nước lòng tin. Doanh nghiệp phải tự trọng trong mọi hoạt động của mình để nhận lại được sự tin tưởng và tôn trọng. Khi mọi việc được giải quyết trên cơ sở lòng tin và lòng tự trọng từ hai phía thì tôi tin rằng con đường tiến tới sự giàu có của giới doanh nghiệp và đất nước sẽ ngắn đi và thuận lợi hơn rất nhiều.
Ý thức trách nhiệm của đội ngũ công chức là điều tối quan trọng, quyết định sự tồn tại và phát triển của giới doanh nghiệp!
- Thực tế thì vẫn còn khá nhiều sự “hành” doanh nghiệp, sự phân biệt từ phía giới công chức, từ cơ chế chính sách. Có nghĩa DN chưa thể được tôn vinh nếu không tháo gỡ những vướng mắc này?
- Tôi muốn nhắc lại quan điểm là trách nhiệm để được tôn vinh và tôn vinh thuộc về hai phía. Còn nói riêng về việc “hành'' doanh nghiệp, tôi muốn nói đến một biểu hiện đáng quan ngại hơn, đó là sự thờ ơ với doanh nghiệp. Nếu như việc "hành" doanh nghiệp, việc “bẻ ghì” chính sách, việc làm sai có thể gây tổn hại lớn nhưng lại dễ xử lý bởi dễ bị phản ánh. Còn thờ ơ, xử lý các công việc chậm có thể gây những tổn hại thậm chí là lớn hơn song lại khó xử lý và khó can thiệp hơn. Và nhiều khi doanh nghiệp dần “thích nghi” với sự thờ ơ, chậm trễ đến nỗi không có phản ứng gì nhiều với điều này.
Vấn đề ở đây là trách nhiệm công chức đối với công việc của mình. Trong khi cơ chế chính sách đang dần được hoàn thiện, thì ý thức trách nhiệm của đội ngũ công chức là điều tối quan trọng, quyết định sự tồn tại và phát triển của giới doanh nghiệp. Và điều này cũng sẽ kéo theo thái độ đúng đắn của xã hội đối với việc làm giàu của doanh nhân.
Ngày 13/10 - ngày Doanh nhân Việt Nam!
- Đề nghị của VCCI chọn ngày 13 tháng 10 làm ngày Doanh nhân Việt Nam đã được chấp nhận? Chương trình của Ngày Doanh nhân Việt Nam đầu tiên sẽ như thế nào, thưa ông?
- Thủ tướng Chính phủ đã chính thức quyết định ngày 13/10 hàng năm là ngày Doanh nhân Việt Nam. Và như vậy, ngày gặp gỡ Thủ tướng Chính phủ và giới doanh nghiệp năm nay sẽ là ngày công bố chính thức và phát động Ngày Doanh nhân Việt Nam. Còn Ngày Doanh nhân Việt Nam đầu tiên dự kiến sẽ được tổ chức vào năm 2005. Chúng tôi cần phải có thời gian chuẩn bị cho sự kiện này. Đặc biệt, vào năm 2005, Ngày Doanh nhân Việt Nam sẽ được tổ chức đúng dịp 60 năm kỷ niệm ngày Bác Hồ gửi thư cho giới công thương Việt Nam, và cũng là thời điểm Việt Nam, theo dự kiến, sẽ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chính thức hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới. Trong ngày doanh nhân Việt Nam, sẽ tổ chức trao giải thưởng Doanh nhân Việt Nam dành cho các doanh nhân xuất sắc.
- Như vậy, một ngày dành cho doanh nghiệp là ngày để tôn vinh doanh nghiệp?
- Là ngày để tôn vinh, và quan trọng hơn là ngày để giới doanh nghiệp, doanh nhân và xã hội cùng nhau xây dựng và tạo lập được truyền thông kinh doanh, bản sắc của doanh nghiệp Việt Nam. Trước khi chính thức bước sâu vào hội nhập kinh tế thế giới, việc ôn lại và phát triển truyền thống, tự nhìn lại mình và tạo lập sự đồng thuận trong xã hội theo tôi là yếu tố quan trọng, đặc biệt là phổ cập tinh thần doanh nhân, ý thức làm giàu.
Tôi cho rằng, cần phải phổ cập tinh thần kinh doanh, truyền thống kinh doanh, nghề kinh doanh tới mọi tầng lớp trong xã hội như một nghề nghiệp chân chính, và đáng tự hào. Cần phải tạo dựng được một ý thức hệ cho giới trẻ với mong muốn trở thành doanh nhân, làm giàu cho mình và cho đất nước. Đây là điều mà chúng ta còn thiếu!
Hội nhập và sự đồng thuận để chủ động hội nhập!
- Năm nay, Thủ tướng Chính phủ sẽ gặp gỡ doanh nghiệp vào các ngày 13 và 14/10 tới. Chủ đề chính của cuộc gặp gỡ này là gì, thưa ông?
- Hội nhập và sự đồng thuận để chủ động hội nhập. Thực ra chủ đề hội nhập đã được đề cập đến khá thường xuyên trong khoảng thời gian gần đây. Điều này dễ hiểu khi chúng ta đang quyết tâm tham gia vào WTO vào khoảng cuối năm 2005. Trước thềm hội nhập sâu, nói về hội nhập là hợp lẽ. Song, nội dung chúng tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh đó là sự đồng thuận để chủ động hội nhập.
Tôi cho rằng, có thể sẽ có nhiều phức tạp, sẽ phải lựa chọn nhiều giải pháp phù hợp cho mỗi một tình huống của mỗi một doanh nghiệp cụ thể trong bước cạnh tranh để tiến sâu hơn vào thị trường thế giới, song nếu như chúng ta cùng nhìn về một phía, cùng nhất quán trong quan điểm, trong cách ứng xử với hội nhập thì chắc chắn sẽ không còn sự lấn cấn, ngần ngại.
Thực tế, đâu đó vẫn còn những tư tưởng chờ đợi, lúng túng! Mà chính tư tưởng này sẽ tạo nên sự phân vân, sự thiếu quyết tâm và hệ luỵ của nó là những giải pháp bảo hộ, đóng cửa một cách thiếu cân nhắc và thiếu tính thị trường.
Tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chứ không phải là kéo dài sự ngoắc ngoải của một vài doanh nghiệp!
Một thực tế là lợi ích của hội nhập sẽ không phân đều cho các doanh nghiệp. sẽ có một bộ phận doanh nghiệp, một số lĩnh vực ngành nghề... sẽ phải chịu những tổn thất nhất thời từ hội nhập. Song, điều này không có nghĩa là sẽ có một bộ phận DN, một số cơ quan bàn lùi thông qua các cơ chế bảo hộ.
Chúng ta có thể bảo hộ và hỗ trợ doanh nghiệp để tham gia cạnh tranh chứ không phải bảo hộ để tránh né cạnh tranh.
Hy vọng các cuộc gặp gỡ là nơi để doanh nghiệp hiến kế cho kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế!
- Nhưng vẫn còn ý kiến doanh nghiệp cho rằng các kiến nghị của doanh nghiệp gửi đến các cơ quan nhà nước thường bị giải quyết chậm! Với vai trò của mình, người đứng đầu tổ chức quốc gia của giới doanh nhân, ông cho rằng có thể làm gì để tăng thêm tiếng nói của doanh nghiệp?
- Thông điệp của tôi vẫn là trách nhiệm và tốc độ. Thêm vào đó có lẽ là cần phải chuẩn hoá phương pháp giải quyết kiến nghị từ DN của các cơ quan nhà nước. Các kết quả giải quyết các kiến nghị cần phải được công khai với DN, thậm chí cả với các phương tiện thông tin đại chúng trong những trường hợp cần thiết để có một cơ chế giám sát thiết thực và hiệu quả. VCCI sẽ làm tốt vai trò cầu nối của mình.
Theo tôi cần khuyến khích các hoạt động của một số cơ quan, địa phương như thiết lập các tổ cán bộ chuyên giải quyết các vấn đề của DN, định kỳ gặp gỡ đối thoại với doanh nghiệp... Có cơ hội, có địa chỉ để phản ánh những vướng mắc, chắc chắn cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng và doanh nghiệp không phải là địa điểm duy nhất, tin cậy nhất để DN phản ánh vướng mắc.
Tôi hy vọng các cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng và doanh nghiệp sẽ là nơi để doanh nghiệp hiến kế một các hữu hiệu nhất vào các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế chung của đất nước, là nơi khẳng định sự đồng thuận giữa Chính phủ và doanh nghiệp.
-
Văn Tiến
thực hiện