221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
458334
"Tăng lương công chức để hạn chế tham nhũng"
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
'Tăng lương công chức để hạn chế tham nhũng'
,

(VietNamNet) - "Tăng lương sẽ giúp giảm bớt áp lực lên đội ngũ công chức trong việc kiếm thêm thu nhập đảm bảo cuộc sống. Cải cách hành chính làm sao để vừa tăng cường tính minh bạch trong bộ máy nhà nước, vừa nâng cao mức sống của công chức là cách giảm tham nhũng một cách hiệu quả". Giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) - Ngân hàng tài trợ chính cho Kế hoạch Hành động Chống tham nhũng mà Việt Nam vừa ký kết - ông Bradford Philips gợi ý.

- Xin ông cho biết đôi nét về Kế hoạch Hành động Chống tham nhũng mà Việt Nam vừa ký kết?

Ông Bradford Philips - Giám đốc Ngân hàng ADB.

- Kế hoạch Hành động Chống tham nhũng cho Châu Á - Thái Bình Dương là công cụ chính trong Sáng kiến chống tham nhũng của ADB-OECD. Nó xác định mục tiêu của các nước tham gia trong việc xây dựng các khuôn khổ thể chế và pháp lý ổn định nhằm chống tham nhũng. Bản kế hoạch này phản ánh những mối quan ngại và chí hướng chung của các chính phủ, nhóm xã hội và khu vực tư nhân ở Châu Á - Thái Bình Dương.

Bản Kế hoạch Hành động đề ra một loạt các hoạt động toàn diện mà các nước sẽ triển khai để phát triển các hệ thống dịch vụ công hiệu quả và minh bạch, đẩy mạnh các hoạt động chống tệ hối lộ và nhận hối lộ, nâng cao tính liêm chính trong hoạt động kinh doanh và khuyến khích công chúng tham gia giám sát. Cụ thể, chương trình này xác lập một cơ chế hiệu quả trong việc giám sát và đánh giá cải cách, tạo diễn đàn cho các cuộc đối thoại và phối hợp chính sách, trao đổi kinh nghiệm cũng như thiết lập một mạng lưới khu vực trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Cho đến nay, bản kế hoạch này đã được 23 nước thông qua, trong đó có VN.

- Theo ông, việc VN tham gia bản kế hoạch này có ý nghĩa như thế nào trong cuộc chiến chống tham nhũng của VN?

- Việc VN thông qua bản kế hoạch này cho thấy Chính phủ VN đã cam kết mạnh mẽ hơn trong việc nâng cao chất lượng công tác quản lý. Sáng kiến này càng có ý nghĩa quan trọng hơn trong bối cảnh Việt Nam vừa ký Công ước chống tham nhũng của LHQ (tháng 12/2003). Thông qua sáng kiến đó, VN sẽ tiếp cận được với các kiến thức, kinh nghiệm bổ ích của quốc tế và khu vực trong việc nâng cao chất lượng quản lý hành chính và tăng cường các biện pháp chống tham nhũng.

Nếu làm được như thế tôi tin rằng, nó sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo của VN. ADB-OECD sẽ đưa ra các tư vấn chính sách nhằm giúp các nước tham gia, trong đó có VN xác định các ưu tiên và lựa chọn cải cách. Để nâng cao năng lực và hiệu quả cuả các thể chế chống tham nhũng quốc gia, sáng kiến cũng giúp đào tạo chuyên gia cho VN.

- Ông nhìn nhận như thế nào về tình hình tham nhũng tại VN?

- Rất khó để đo được mức độ tham nhũng vì hiện VN vẫn chưa có một thống kế chính thức nào về vấn đề này. Sự tồn tại của khu vực phi chính thống quy mô lớn và nền kinh tế chủ yếu dựa vào tiền mặt dẫn tới những kẽ hở của hệ thống để người ta có thể “thu vén” lợi ích cá nhân một cách bất chính. Gần đây, báo chí trong nước đã tường thuật thường xuyên hơn các vụ xử tham nhũng.

Ký bản Kế hoạch chống tham nhũng - VN phải làm gì?

"Đảm bảo chế tài ngăn ngừa hành vi hối lộ; tính khả thi của luật chống rửa tiền; hệ thống lương bổng tương xứng, phù hợp với trình độ nền kinh tế; tuyển dụng công chức minh bạch...".

Dựa vào kinh nghiệm của các nước khác, có thể nói rằng, những điểm yếu trong quản lý của một quốc gia có thể khiến gia tăng các trường hợp tham nhũng, nhờ đó, các quan chức sử dụng vị trí của mình để thu lợi cá nhân phi pháp. Một số nơi tham nhũng có thể trở nên phổ biến khi công chức được trả lương quá thấp hoặc việc thực thi luật pháp còn yếu hay các thủ tục và chính sách thiếu minh bạch.

Các sáng kiến chống tham nhũng và cải cách hành chính của chính phủ vì thế có ý nghĩa là các biện pháp có tính phòng ngừa nhằm kiềm chế tham nhũng trước khi vấn nạn này lan tràn và gây hại tới các chương trình tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo của chính phủ.

- Theo ông, VN có thể gặp những khó khăn gì khi triển khai kế hoạch hành động này?

- Theo sáng kiến này, Chính phủ VN sẽ lựa chọn các lĩnh vực hành động và sau đó, sáng kiến sẽ hỗ trợ các nỗ lực của chính phủ như tập huấn kiến thức, đánh giá, xây dựng năng lực và các trợ giúp khác khi được yêu cầu.

Về mặt này, chúng tôi không thấy VN có vướng mắc gì trong việc triển khai bản Kế hoạch hành động. Hơn nữa, sáng kiến này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cam kết và hoạt động chống tham nhũng của VN theo các điều khoản của Công ước Chống tham nhũng của LHQ.

Hiện nay, VN cũng đang triển khai một số sáng kiến nhằm kiềm chế tình trạng tham nhũng. Vì vậy bản Kế hoạch hành động còn có tác dụng bổ sung cho Chương trình cải cách hành chính của Chính phủ VN. Điều này rất có ý nghĩa khi trong chương trình cải cách hành chính của mình Chính phủ VN đang hoàn chỉnh Nghị định về việc xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các tổ chức, cơ quan. Ngoài ra, Kế hoạch hành động này cũng sẽ góp phần tăng cường tính minh bạch trong khi thực thi các chính sách kinh tế- xã hội cũng như triển khai các Quy chế về Dân chủ cơ sở.

- Bản Kế hoạch hành động bao gồm 3 trụ cột hành động. Tuy nhiên, như chính chương trình này thừa nhận, tình hình mỗi nước có thể có những đặc thù nhất định. Vậy theo ông, trong trường hợp của VN, VN nên dành ưu tiên cho lĩnh vực nào để kiểm soát tham nhũng một cách hiệu quả hơn?

- Phát triển các hệ thống dịch vụ công hiệu quả và minh bạch; tăng cường các hoạt động chống hối lộ và tăng cường tính liêm chính trong kinh doanh; khuyến khích sự tham gia giám sát tích cực của công chúng là 3 trụ cột hành động.

Tất cả các trụ cột này đều quan trọng và xứng đáng được chú ý một cách toàn diện. Bởi lẽ, tham nhũng là một vấn đề hết sức phức tạp.

Dĩ nhiên, cũng vì tính chất phức tạp và khó khăn của công cuộc chống tham nhũng nên điều đầu tiên mà chính phủ cần làm là xác định các ưu tiên và điểm bắt đầu từ đâu. ADB và các nhà tài trợ quốc tế sẽ hỗ trợ các nước trong việc xác định các ưu tiên này thông qua các cuộc trao đổi, tham vấn.

"Cần xây dựng các thiết chế để phát hiện, điều tra và khởi tố các hành vi tham nhũng".

Để chống tham nhũng một cách hiệu quả, Chính phủ VN đã bắt đầu từ cải cách hành chính và công tác quản lý. Tôi nghĩ rằng, các chương trình cải cách đó cần được đẩy mạnh và triển khai một cách đầy đủ. Vả lại, một yếu tố không kém phần quan trọng trong cải cách hành chính là tăng lương cho cán bộ, công chức. Tăng lương sẽ giúp giảm bớt áp lực lên đội ngũ này trong việc kiếm thêm thu nhập đảm bảo cuộc sống. Nói cách khác, cải cách hành chính làm sao để vừa tăng cường tính minh bạch trong bộ máy nhà nước, vừa nâng cao mức sống của công chức.

Mặt khác, cần thiết phải xây dựng các thiết chế để phát hiện, điều tra và khởi tố các hành vi tham nhũng. Xét trên khía cạnh này, rõ ràng vai trò của Thanh tra Nhà nước, Tổng kiểm toán Nhà nước, các cơ quan tố tụng và các tổ chức đoàn thể, xã hội có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

- Tăng lương cho cán bộ, công chức Nhà nước từ lâu đã được Chính phủ VN chú ý. Tuy nhiên, có hiện tượng là vừa mới chớm tăng lương, giá cả đã tăng vọt và nhiều khi mức tăng lương không theo kịp với mức tăng giá.

- Đúng là tăng lương rất dễ gây ra lạm phát và như thế nó đặt lên vai Chính phủ một gánh nặng không dễ giải quyết. Và đây cũng là lý do vì sao tôi nói rằng hệ thống thu thuế có vai trò cực kỳ quan trọng. Nếu chúng ta tăng lương cho công chức thì đồng thời, việc thu thuế cũng phải phù hợp và nguồn thu thuế từ các DN đóng góp vào ngân sách trả lương cho công chức.

Mặt khác, tôi thấy rằng cách tiếp cận của chính phủ là tăng lương một cách từ từ là đúng đắn và sẽ hạn chế phần nào lạm phát.

- Ông nghĩ sao về tính khả thi của bản Kế hoạch Hành động khi mà nó dựa trên nguyên tắc không ràng buộc pháp lý?

- Tôi hoàn toàn không nghi ngờ gì về tính khả thi của chương trình này. Bởi lẽ chính các nước khi xác định các biện pháp và hành động cũng như nhất trí trên kế hoạch hành động đó, khả năng triển khai của họ là rất cao. Và bản kế hoạch hành động này hoàn toàn do các chính phủ tham gia làm chủ.

- Bản kế hoạch có nhắc đến việc công khai và giám sát chi tiêu, tài sản cá nhân. VN cũng đặt ra vấn đề kê khai và giám sát tài sản của các cán bộ, công chức. Thậm chí, trong cuộc bầu cử HĐND vừa qua, QH đã yêu cầu tiến hành kê khai tài sản của các ƯCV. Tuy nhiên, theo nhiều người, việc công khai tài sản có thể bất lợi khi tâm lý người dân, do những hoàn cảnh lịch sử, vẫn còn kỳ thị người giàu. Theo ông, việc công khai và giám sát tài sản cá nhân có thực sự cần thiết đối với VN trong việc chống tham nhũng không?

- Tôi cho rằng việc công khai tài sản có thể có ích trong quá trình chống tham nhũng. Tuy nhiên, không nên lầm tưởng rằng đây là phương thuốc trị bách bệnh vì tài sản của một người có thể đứng tên bạn bè hay họ hàng của họ. Vì vậy, theo tôi, điều quan trọng hơn cả là phải hiểu được những nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng tham nhũng và tìm cách loại bỏ hay giảm bớt mọi cơ hội có thể dẫn tới tham nhũng.

- Trong 3 trụ cột hành động chống tham nhũng có nhắc tới việc khuyến khích sự tham gia tích cực của công chúng. Gần đây, trong các cuộc thảo luận của QH VN cũng đã đề cập tới vai trò giám sát cộng đồng. Theo ông, bằng cách nào công chúng có thể đóng vai trò trong cuộc chiến chống tham nhũng?

- Nhân dân và các tổ chức xã hội nói chung có thể đóng một vai trò rất tích cực trong phong trào chống tham nhũng. Trong một hệ thống phân cấp, vai trò này càng trở nên hữu dụng hơn.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc phân cấp và trao quyền nhiều hơn cho các địa phương có thể trở thành phản tác dụng nếu không có sự tham gia của nhân dân và chính quyền TW thì ở quá xa, không thể giám sát quá trình điều hành của các lãnh đạo và quan chức địa phương. Đây là điểm cần lưu ý khi VN đẩy mạnh thực hiện Quy chế Dân chủ cơ sở, qua đó Chính phủ chỉ có thể giám sát và điều hành được công tác quản lý của các chính quyền địa phương thông qua sự tham gia của người dân vào việc vạch kế hoạch, giám sát các việc thực thi các kế hoạch đó, các dự án phát triển và các dịch vụ hành chính ở các địa phương. Như tôi được biết thì gần đây các phương tiện truyền thông ở VN đã đóng vai trò rất tích cực trong nỗ lực này của chính phủ.

Mặt khác, việc trao quyền cho nhân dân có ý nghĩa cơ bản để tránh các thất bại trong quản lý địa phương cũng như ngăn chặn các hành vi tham nhũng. Tăng tính minh bạch và sự tham gia của nhân dân sẽ giúp tăng cường quyền lực của nhân dân. Và theo tôi nhận thấy thì Chính phủ VN đã đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực này.

- Các nhà tài trợ quốc tế, cụ thể là ADB sẽ hỗ trợ VN như thế nào trong quá trình triển khai Kế hoạch Hành động?

- Cộng đồng tài trợ quốc tế, trong đó có ADB sẽ hỗ trợ VN theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, chúng tôi sẽ giúp bồi dưỡng kiến thức thông qua các cuộc hội thảo, hội nghị, cung cấp các cơ hội đào tạo, phổ biến kinh nghiệm quốc tế và nếu có thể là thông qua các hỗ trợ kỹ thuật. ADB cũng sẽ có một chương trình cho vay để ủng hộ chiến lược Cải cách hành chính của VN. Ngoài ra, chúng tôi cũng trợ giúp kỹ thuật cho tiến trình phát triển hệ thống pháp luật.

  • Việt Lâm
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,