(VietNamNet) - Hôm nay, Hội nghị Bộ trưởng WTO đã khai mạc tại Hongkong nhưng VN không có tên trong danh sách các nước được kết nạp. Nhìn một cách thẳng thắn, VN đã lỡ chuyến tàu mà đích đến đã được xác lập.
Điều kiện gia nhập WTO ngày một khó khăn hơn. |
Đối tác đã đòi hỏi quá cao?
Không thể phủ nhận, những đòi hỏi của đối tác, cụ thể là Mỹ đối với VN là cao so với tình hình thực tế của nền kinh tế.
Cụ thể, VN phải cắt giảm thuế nhập khẩu xuống mức 10%, nhanh chóng mở cửa cho các công ty nước ngoài, thậm chí trong một số lĩnh vực được coi là "nhạy cảm" như viễn thông, ngân hàng, phân phối lưu thông, IT, dịch vụ văn hoá...
Tuy nhiên, việc Mỹ đưa ra những yêu cầu khắt khe hơn đối với VN không phải là điều nằm ngoài dự đoán.
Không nhiều chuyên gia và giới doanh nghiệp trong nước đồng tình với việc quy hết trách nhiệm cho đối tác.
Ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán BTA cũng nói rằng: Trong đàm phán, nhất là đàm phán để xây dựng quan hệ đối tác làm ăn lâu dài, việc đổ lỗi cho nhau khi đàm phán vẫn đang tiếp diễn là điều tối kỵ: |
Bà Phạm Chi Lan, thành viên Ban nghiên cứu Thủ tướng cho rằng: "Đàm phán thì đúng" là chuyện 2 bên, nhưng trước nay không ai hình dung đàm phán dễ dàng để đổ lỗi cho việc bên ngoài gây sức ép cả. Ai cũng biết đối tác khó nhất là ai, như thế nào rồi? Mình chưa đưa ra được những giải thích thuyết phục, đủ căn cứ nên cũng khó".
Còn Chủ tịch Hội đồng thương mại Mỹ - Việt, bà Virginia Foote lập luận: "Nếu bên này bảo bên kia chưa nỗ lực hết mình, bên kia lại nói là bên kia đòi hỏi quá đáng, vậy tại sao chúng ta không nói: Nào, chúng ta tiếp tục thảo luận".
"Có những vấn đề có thể Việt Nam không thoả mãn. Về phía Mỹ cũng vậy. Không có gì hoàn hảo cả", bà Virginia Foote bình luận.
Ông Simon Evenett, Giáo sư Thương mại Quốc tế của Trường Đại học Oxford, nói thẳng, đó là luật chơi nghiệt ngã của WTO: "càng đến sau, càng vào muộn, cái giá phải trả càng đắt".
Lẽ dĩ nhiên, VN có quyền từ chối và đứng ngoài WTO. Nhưng đó lại là một câu chuyện khác.
Phải thấy được điểm kết thúc trên bàn thoả thuận
Một chuyên gia đàm phán của VN bình luận rằng, với những diễn tiến gần đây trên bàn đàm phán song phương Việt - Mỹ và những phát biểu trên báo chí của các nhà đàm phán VN là chỉ cho thấy phía VN vẫn chưa thấy được điểm kết thúc trên bàn thoả thuận.
"Thông thường, khi đàm phán ở giai đoạn cuối, các nhà đàm phán có thể và phải nhìn thấy trước điểm kết thúc, rồi cả hai bên cùng tiến về phía đích", nguyên Trưởng đoàn đàm phán BTA Nguyễn Đình Lương nói.
Như GS Airi Kokko, chuyên gia kinh tế của Fulbright nhận xét: Sau khi nói chuyện với những người tham gia đàm phán của VN, ông không thấy một chiến lược nào trong việc định hình thoả thuận cuối cùng.
Chiến lược mà VN đang theo đuổi và áp dụng với tất cả các đối tác là đàm phán trên từng lĩnh vực một (item by item). Tuy nhiên, theo nhận xét của các chuyên gia nước ngoài, một chiến lược như thế không phù hợp với cách tiếp cận của Mỹ và không thể hiện sự chủ động của VN.
Theo bà Barshefsky (cựu Đại diện Thương mại Mỹ), trong mọi cuộc thương lượng về kinh tế, nước Mỹ luôn tiếp cận theo phương thức thoả thuận trọn gói (package). Họ xem xét cả gói cam kết chứ không chấp nhận đàm phán theo từng ngành một.
Một người trong cuộc thì thừa nhận thực tế, đàm phán của VN nhiều khi là những chiến thuật, thay vì một chiến lược rõ ràng.
Một ví dụ, ta đã bỏ phí bao nhiêu năm trời, tốn bao tiền đi lại để đòi những cái mà biết chắc là sẽ không đòi được như đòi duy trì mức thuế nhập khẩu hiện hành, đòi bảo lưu thời hạn áp dụng một số quy định có tính bắt buộc trong WTO như Hiệp định kiểm dịch động thực vật SPS, Hiệp định định giá hải quan CVA...
Chỉ tính riêng lĩnh vực dịch vụ, VN đã phải đàm phán tới hơn 100 phân ngành. Sẽ mất bao nhiêu thời gian để hai phía bàn bạc và đạt được thoả thuận trên hàng trăm ngành một?
Bà Phạm Chi Lan cho rằng, nếu đàm phán theo kiểu này sẽ dây dưa không biết bao giờ xong. Điều quan trọng hơn, sẽ khó có cái nhìn tổng thể và toàn diện để đánh giá xem ưu tiên ngành nào, chấp nhận thiệt thòi ngành nào để đổi lấy ưu đãi trong ngành quan trọng hơn.
WTO là "siêu thị lớn"
Về chuyện này, G.S Ari Kokko giải thích một cách cặn kẽ: "Khó mà đạt được thoả thuận với cách tiếp cận từng ngành một. Nếu chỉ nghe người Mỹ nói về một vài lĩnh vực cụ thể, chúng ta sẽ không có lộ trình đi tới thoả thuận cuối cùng.
Cuộc đàm phán vì vậy bị kéo dài. Đối với mỗi lĩnh vực, thay vì ký kết thì đoàn đàm phán VN phải quay về nhà để báo cáo Thủ tướng và Quốc hội".
Việt Nam gia nhập WTO: Cánh cửa nào khó mở nhất? "Cánh cửa" nào khó mở nhất đối với quá trình đàm phán WTO của VN? Trao đổi của nhà báo Nguyễn Anh Tuấn và GS Ari Kokko từ ĐH Kinh tế Stockholm (Thụy Điển). |
"Điều này giống như tôi bước vào một cửa hàng ở Hà Nội vào lúc 11h sáng, với tư cách là khách hàng đầu tiên, và bắt đầu mặc cả. Sau khi thoả thuận, tôi nói: Tôi cần về xin ý kiến vợ mình xem có nên mua món hàng với giá này không. Cửa hàng sẽ nghĩ sao? Vị khách đầu tiên mặc cả quyết liệt để rồi chẳng mua gì. Đó là điều rất tệ hại", G.S Ari Kokko bình luận.
Vấn đề đặt ra ở chỗ, không phải các nhà đàm phán VN chưa đủ năng lực. Trái lại, các đối tác đã dành lời khen ngợi cho kỹ năng đàm phán của đoàn VN. Chưa kể, nhiều tổ chức quốc tế và các nước có chương trình hỗ trợ nâng cao kỹ thuật đàm phán của VN.
Nhưng các đối tác cũng đã không ít lần kêu ca trước thực trạng mỗi thành viên VN là một nhà đàm phán độc lập.
Một chuyên gia kinh tế ví von: "Thời đại ngày nay là văn minh siêu thị. Anh đi mua hàng, thấy giá niêm yết sẵn 100 đồng mà trả từ 10 đồng trở lên thì không có chuyện mua hàng".
Nguyên nhân chính được tiết lộ, như sự thừa nhận của chính Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển tại một Hội nghị của ngành thương mại: "Mỗi ngành khi đi đàm phán đều có phương án đàm phán riêng của mình mà Trưởng đoàn đàm phán không biết?".
Sự vướng víu đó cho thấy một vấn đề lớn của nền kinh tế VN: sự giằng co giữa những lợi ích cục bộ. Giải pháp được nhiều chuyên gia đề cập là đoàn đàm phán VN nên thay đổi phương thức đàm phán, xây dựng chương trình hành động cho giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là phải có phương án kết thúc đàm phán.
Cái giá nào cho tấm thẻ hội viên WTO?
Nhìn lại, gần 20 nước mới gia nhập WTO kể từ năm 1995 đều phải chấp nhận vào câu lạc bộ 148 thành viên này với những điều kiện cao.
Cụ thể, mức thuế suất cam kết trung bình của các nước mới gia nhập đều vào khoảng 10%. Thậm chí, Trung Quốc và một số nước khác phải chấp nhận mức thuế suất bằng 0 ở nhiều mặt hàng công nghiệp và nông nghiệp.
Arab Saudia, nước sẽ chính thức trở thành thành viên thứ 149 tại Hội nghị Bộ trưởng Hongkong lần này còn có những nhượng bộ lớn hơn như: sau 3 năm kể từ khi gia nhập, cho phía nước ngoài sở hữu 70% vốn trong các liên doanh ở các dịch vụ viễn thông cơ bản cũng như dịch vụ giá trị gia tăng.
Trong lĩnh vực ngân hàng, Arab Saudia đồng ý cho phía nước ngoài tăng sở hữu vốn lên tới 60% trong các liên doanh ngay từ thời điểm nước này chính thức trở thành thành viên WTO.
Nói như thế để thấy rằng, VN thật khó có thể đòi giá thấp hơn nếu tham gia sân chơi thương mại lớn nhất hành tinh này. Bà Charlene Barshefsky, nguyên Đại diện Thương mại Mỹ khẳng định: Cái giá đó sẽ không thể thấp hơn cái giá Trung Quốc đã trả.
Trong khi đó, có ý kiến ở VN cho rằng: "Chúng ta sẽ không đặt ra mục tiêu ngày tháng gia nhập nữa. Bao giờ đối tác đáp ứng điều kiện của ta thì ta vào".
Thế nhưng, ở đây Việt Nam phải đối mặt với một sự thật oái ăm: Đối tác có quyền ra giá chứ không phải VN, bởi luật chơi là như vậy!
Như một chuyên gia kinh tế đã nói một cách chua chát rằng: "Tiếc thay, VN không phải là người quyết định tấm thẻ hội viên của mình. Anh muốn được kết nạp vào câu lạc bộ này, thật đơn giản, anh phải chấp nhận luật chơi".
Người đang nộp hồ sơ xin xét gia nhập là VN. Càng để chậm, cái giá sẽ càng cao hơn. Ông Ho Seung, nguyên Chủ tịch Ban Công tác về vấn đề gia nhập WTO của VN từng cảnh báo, nếu VN gia nhập WTO sau khi vòng đàm phán Doha kết thúc, VN sẽ phải đáp ứng những đòi hỏi cực kỳ khắt khe so với hiện tại.
-
Việt Lâm
Kỳ tới: Cái giá của việc "lỡ tàu"!
Chúng ta không vào WTO bằng mọi giá. Nhưng VN sẽ phải trả giá như thế nào nếu đứng ngoài hay chậm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới?
"Thương mại tự do cần sự nỗ lực của các bên"
Việt Nam nên cố gắng tranh tài ở "thế vận hội" này!
Gia nhập WTO: Bốn tháng và rất nhiều việc phải làm
Washington - rào cản nhất thời chưa vượt qua
Ý kiến của bạn?