(VietNamNet) - VN đang phải đối mặt với những nguy cơ gì trong việc sử dụng nguồn vốn ODA, một trong những nguồn vốn quan trọng nhất trong quá trình phát triển?
VietNamNet có cuộc trao đổi với ông Klaus Rohland, giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trước thềm Hội nghị giữa kỳ các nhà tài trợ cho VN (CG) diễn ra tại Cần Thơ trong hai ngày 2-3/6.
VN sẽ trả giá đắt nếu buông xuôi trong cuộc chiến chống tham nhũng
- Vấn đề chống tham nhũng được nêu ra rất thẳng thắn và quyết liệt trong Hội nghị các nhà tài trợ gần đây khi Việt Nam nhận được nguồn tín dụng ODA kỷ lục 3,4 tỷ USD. Đây là điều kiện các nhà tài trợ đưa ra cho Việt Nam?
- Chúng tôi đã nêu vấn đề này trong các cuộc gặp trước đó. Nhưng thực tế là có nhiều câu chuyện về tham nhũng xuất phát từ việc người dân phải trả thêm phí để hưởng một dịch vụ nào đó cũng như những tin đồn về việc nhận hối lộ. Nếu Việt Nam làm gì đó trong giai đoạn còn sớm này, các bạn có thể kiểm soát được tình hình. Nếu các bạn để tham nhũng phát triển, đến một lúc nào đó các bạn sẽ rất khó kiểm soát. Trong quá trình thảo luận về vấn đề tham nhũng với chính phủ Việt Nam, chúng tôi luân nhấn mạnh rằng đối diện với nó hiện nay sẽ tốt hơn là lờ nó đi và sẽ tốt hơn nhiều so với 5-10 năm nữa.
Vậy làm sao để hạn chế tham nhũng? Điều đầu tiên là phải trừng phạt những kẻ tham nhũng. Điều này là quan trọng nhưng không đủ và theo chúng tôi không nên là trọng tâm của chiến lược chống tham nhũng. Vì sao? Vì tham nhũng là cả một đường dây gồm những kẻ đưa và nhận và họ sẽ bảo vệ quyền lợi của nhau. Vì vậy, nhiều khi trừng phạt mạnh cũng không thể giúp giảm bớt tham nhũng.
Theo tôi, chìa khoá để chống tham nhũng là phải cải cách hành chính. Nền hành chính công khai sẽ hạn chế quan chức chính phủ lạm dụng quyền lực. Nói một cách khác, một hệ thống công khai và minh bạch sẽ giúp người dân quyền giám sát và làm hạn chế các công chức làm theo ý mình để tư lợi.
Đưa ra vấn đề chống tham nhũng, chúng tôi không áp đặt điều kiện cho Việt Nam. Đây là điều mà chính phủ VIệt Nam muốn làm. Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói với Quốc hội đang họp rằng: “Chính phủ mong muốn cộng đồng quốc tế giúp Việt Nam chống tham nhũng, nhận diện vấn đề tham nhũng, nguy cơ đưa và nhận hối lộ, đo lường tỷ lệ thất thoát,…”. Trên mặt trận này, nếu Việt Nam quyết tâm đối diện với nó, giải quyết nó, các bạn sẽ thắng, còn nếu lờ đi, buông xuôi, các bạn sẽ phải trả giá.
- Gần đây có dư luận là tỷ lệ thất thoát, lãng phí ở các dự án phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam có thể chiếm tới khoảng 10-30% số vốn. Các nhà tài trợ và Ngân hàng Thế giới đánh giá như thế nào về con số này?
- Như tôi đã nói ở trên, Việt Nam cần sử dụng vốn ODA một cách cẩn trọng và hiệu quả và không nên phung phí nguồn lực này. Một khi các bạn sử dụng vốn ODA cẩn trọng, bạn sẽ tạo được uy tín lớn hơn với các nhà tài trợ và kết quả là các bạn sẽ nhận được nhiều vốn ODA hơn.
Nếu Việt nam phung phí tiền, chắc chắn các bạn sẽ gặp phản ứng tiêu cực từ các nhà tài trợ và họ sẽ cắt giảm nguồn tín dụng ODA. Vì vậy, cách tốt nhất là các bạn phải sử dụng nó một cách hiệu quả nhất. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào toàn bộ quá trình đầu tư công của Việt Nam. Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu trong phần khai mạc của Quốc hội đang diễn ra rằng chất lượng đầu tư là yếu tố then chốt đảm bảo tăng trưởng kinh tế một cách bền vững ở Việt nam.
Liên quan đến tỷ lệ thất thoát 10-30% mà anh đã đề cập, tôi cũng đã nghe nhiều. Nhưng tôi chưa trông thấy bất cứ tài liệu tin cậy nào đề cập cụ thể về con số này. Vì vậy tỷ lệ thất thoát 10-30% này là dựa trên sự suy luận, giả thiết chứ không phải trên con số thực.
Tôi biết có chuyện thông đồng trong thực hiện dự án ODA
- Nhưng theo ông thì VN cần có những giải pháp nào để tránh thất thoát, lãng phí trong sử dụng vốn ODA?
- Việt Nam là một quốc gia đang phát triển nên năng lực còn hạn chế. Cũng có ý kiến cho rằng tín dụng ODA của Ngân hàng Thế giới có thể sử dụng thậm chí hiệu quả hơn hiện nay. Nhưng để đạt được điều này đòi hỏi rất nhiều thay đổi mang tính hệ thống, ví dụ như cơ chế mua sắm. Hiện nay Việt Nam đang thực thiện một cơ chế mà hợp đồng không được tiến hành theo phương thức cạnh tranh mà được phân trực tiếp về đơn vị này hay đơn vị khác. Chúng tôi đề nghị cơ chế mua sắm của Việt Nam liên quan đến nguồn tín dụng ODA nên dựa trên nguyên tắc cạnh tranh.
Còn về phần Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI), khi bộ này đưa ra đấu thầu một hợp đồng công thì phải tuân thủ tính minh bạch. Nội dung hợp đồng và quy trình đấu thầu phải được công bố trên website của Bộ hay trên các website công khác. Khi chấm cho ai thắng thầu cũng phải công khai kết quả để những người khác có thể so sánh và nếu họ thấy giá thầu đắt hơn, họ có thể phàn nàn, khiếu nại. Tóm lại, mọi quy trình phải được công khai hoá, minh bạch hoá.
Liên quan đến vấn đề có phát hiện dấu hiệu tham nhũng và cấu kết trong các dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Chuyện cấu kết xảy ra trong trường hợp ba bốn bên cùng thông đồng thực hiện việc gì đó luân phiên và không có cạnh tranh trên thực tế. Họ thoả thuận rằng lần này lượt tôi thì lần sau đến lượt anh. Tôi biết có chuyện đó.
Chính phủ nên tạo cơ chế để người dân giám sát (các công trình) bởi trong cơ chế minh bạch và cạnh tranh không ai có thể thông đồng. Chuyện thông đồng là một trong những vấn đề phát triển và chúng tôi hi vọng sẽ ngăn chặn được nếu có cơ chế tốt.
Về phần mình, khi chúng tôi nghi ngờ hợp đồng nào có dấu hiệu thông đồng, chúng tôi đều thông báo cho chính phủ trước khi thông qua. Nếu có thông đồng thì chúng tôi sẽ không cho giải ngân.
- Thế bản thân ông đã phát hiện bất kỳ dự án nào của Ngân hàng Thế giới có dấu hiệu bị tham nhũng không?
- Tham nhũng rõ ràng là liên quan đến quan chức chính phủ. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ phát hiện trường hợp tham nhũng hay thông đồng cụ thể trong các dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ tính đến hôm nay.
Tuy nhiên, sẽ không thực tế khi nói chuyện này không xảy ra với các dự án của chúng tôi. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ thấy bằng chứng tham nhũng cụ thể bị phát hiện.
Niềm tin của cộng đồng quốc tế vào VN đã gia tăng
- Đánh giá của ông về Việt Nam ngày nay có khác so với thời gian khi ông đến đây gần 3 năm trước?
- Kể cả trước khi sang nhận nhiệm vụ thì tôi đã vô cùng ấn tượng với thành tựu xoá đói giảm nghèo của Việt Nam. Một thập kỷ trước đây, có tới 40 triệu trong tổng số gần 80 triệu người dân Việt Nam sống trong đói nghèo. Ngày nay, con số này đã giảm xuống còn 24 triệu người. Đây là một thành công lớn, nhưng rõ ràng số người sống trong nghèo đói vẫn còn rất đông.
Kinh nghiệm làm việc của tôi ở đây hơn 2,5 năm cho thấy rằng chất lượng của các cuộc thảo luận [giữa các nhà tài trợ và chính phủ] đã được cải thiện đáng kể. Niềm tin của cộng đồng quốc tế đã gia tăng về nhiều mặt. Việt Nam đang có những thay đổi để hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới và duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao.
Mặc dù vậy, điều này không có nghĩa là các nhà tài trợ và chính phủ đã hoàn toàn nhất trí về nhiều mặt. Nhưng chúng tôi hiểu rằng các cuộc thảo luận cởi mở đã đặt nền móng cho sự cộng tác tốt đẹp hơn.
Trong khi có nhiều ấn tượng tốt về Việt Nam nhưng tôi vẫn quan ngại về những lo lắng của người dân liên quan đến những vấn đề xã hội ví dụ như thông đồng trục lợi như đã nêu ở trên. Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh công cuộc phát triển xã hội mà ở đó, người nghèo không bị bỏ lại phía sau.
-
Tư Giang (thực hiện)