-
Bài viết của Cao Hà - Lưu học sinh tại Boston, viết riêng cho VietNamNet
(VietNamNet - Boston) - Chỉ hơn hai tuần nữa luật sư Constantine Kokoris cùng với giáo sư Phi Phi, một trong những nạn nhân của chất độc màu da cam, sẽ ra tòa tranh tụng để đấu tranh cho quyền đuợc thưa kiện của các nạn nhân Việt Nam đối với các công ty hoá chất Mĩ.
Hôm 2/3 vừa qua, tại trường Quản lý nhà nước Kenedy, thuộc đại học Harvard, đoàn đã cùng lưu học sinh Boston tổ chức một buổi nói chuyện về tác hại của chất độc da cam lên sức khoẻ cộng đồng và hệ thống sinh thái ở Việt Nam cũng như về vụ kiện mà đoàn đang theo đuổi.
Vụ kiện đòi công lý
Các nạn nhân Việt Nam hiện đang đệ đơn kiện 36 công ty hóa chất Mĩ đã từng tham gia sản xuất chất da cam, một trong nhiều loại hóa chất độc hại mà quân đội Mĩ đã dồn dập rải xuống Việt Nam, đặc biệt là miền Nam Việt Nam bằng nhiều phương tiện khác nhau.
Trong suốt 10 năm gây chiến ở Việt Nam, từ năm 1961 tới năm 1971, quân đội Mỹ đã rải khoảng 79 triệu lít chất độc da cam và các chất diệt lá cây khác (Trắng, Tím và Hồng) và đã phá hủy hơn 3 triệu héc ta rừng nguyên sinh ở miền Nam Việt Nam. Trong số 79 triệu lít được rải này, có hơn 80% là chất da cam, loại chất chứa nhiều dioxin, một loại hoá chất độc nhất được biết tới trong khoa học ngày nay.
Thật vậy, dioxin tồn tại rất lâu trong môi trường và gây tác hại nghiêm trọng đến sức khoẻ của cá nhân người tiếp xúc trực tiếp cũng như thân nhân của họ. Các công trình nghiên cứu khoa học của nhiều tổ chức quốc tế đã khẳng định dioxin là hoá chất gây ra ung thư. Ngoài ung thư, việc tiếp xúc với dioxin cũng để lại những tác hại nghiêm trọng khác như ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai, dị dạng thai, xảy thai, giảm tỷ lệ có thai, giảm số lượng tinh trùng, các bệnh ngoài da, đái đường, suy giảm hệ thống miễn dịch, các vấn đề về phổi, rối loạn sắc tố của da...
Ngoài những tác động lên sức khoẻ con người, chất độc da cam còn để lại những hậu quả môi trường nghiêm trọng. Anh Vũ C. Nguyên, nghiên cứu sinh về sức khỏe cộng đồng ở đại học Brown, một trong những nguời tham dự hội thảo đã tâm sự: “Năm 1999, tức là khoảng 28 năm sau thời gian rải chất da cam, tôi có đến công tác và làm việc tại Huyện A lưới trong một dự án xoá đói giảm nghèo của Liên Hiệp Quốc, một trong những địa danh nổi tiếng trong thời chiến tranh Việt nam.
Trong suốt quãng đường từ Thừa thiên Huế lên đến huyện A lưới khoảng hơn 100 km, tôi liên tục chứng kiến những quả đồi trọc với những thân cây khô cứng, đen đủi với những trảng cỏ tranh. Tôi hỏi người cán bộ địa phương đi cùng tại sao không trồng rừng vào những quả đồi kia và tôi được biết trước đây những quả đồi trọc đó chính là những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp. Trong thời gian chiến tranh bị phun chất độc và bị đốt.
Cho đến hiện tại đã tiến hành rất nhiều đợt trồng rừng, nhưng chẳng có cây nào sống được ở đó cả, trừ cỏ tranh. Tuyệt chẳng có loài động vật nào ở xung quanh trừ một vài con châu chấu bám trên các lá cỏ tranh. Đây chỉ là một trong 4 vùng chiến sự bị rải dioxin trong thời gian chiến tranh và chỉ là vài chục trong hàng trăm nghìn héc ta rừng bị phá huỷ bởi dioxin không có điều kiện phục hồi. Nguy hiểm hơn cả là do khả năng tồn tại lâu dài trong môi trường, các chất độc này thấm vào các mạch nuớc ngầm và do đó tác động gián tiếp trở lại đến sức khoẻ con người”.
Tâm sự của người theo đuổi vụ kiện
Khi được hỏi, luật sư Kokoris tâm sự rằng điều làm anh suy nghĩ nhiều nhất là thái độ thờ ơ của chính phủ Mĩ và một bộ phận người dân Mĩ tới vụ kiện chất độc màu da cam nói riêng và với những hậu quả mà chính phủ Mĩ đã gây ra đối với con người và đất nước Việt Nam nói chung. Anh chưa thấy có một sự đồng cảm mạnh mẽ và cần thiết từ phía nguời Mĩ tới các nạn nhân của chất độc da cam như anh thấy ở Việt Nam, Châu Âu hay Ấn Độ.
Đáng lên án nhất có lẽ là thái độ muốn chối bỏ trách nhiệm và sự bất cẩn trong sản xuất của các công ty hóa chất Mĩ.
Loá mắt trước lợi nhuận khổng lồ từ các hợp đồng độc quyền với quân đội Mĩ, các công ty này đã cố tình bỏ qua các quy trình an toàn (safety procedures) để đạt công suất sản xuất tối đa.Thật vậy, để giảm thiểu thời gian sản xuất, họ đã không giảm nhiệt độ trong các phản ứng hoá học, một bước cần thiết để giảm nồng độ Dioxin. Để giảm chi phí, các công ty này cũng đã không dùng bộ lọc Dioxin. Đấy không chỉ thể hiện sự bỏ qua đạo đức kinh doanh (business ethics) vì mục tiêu lợi nhuận mà còn là sự chối bỏ trách nhiệm đối với xã hội (social responsibilities) khi sản xuất và cung cấp các hóa chất độc hại trên.
Những khó khăn và thuận lợi của vụ kiện
Vụ kiện của các nạn nhân Việt Nam có điểm thuận lợi là diễn ra sau khi đã có một vụ kiện tương tự của các cựu chiến binh Mĩ vào năm 1984. Vụ kiện này đã đuợc dàn xếp không qua toà án với tổng số tiền bồi thường từ phía các công ty hoá chất lên tới 180 triệu đôla. Vụ kiện cũng đã buộc chính phủ Mĩ sau đó phải thông qua một chương trình bồi thường cho bất kì cựu chiến binh nào đã từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam và có con cái bị khuyết tật bởi chất độc màu da cam.
Tuy vậy, bên cạnh thuận lợi, phía các nạn nhân Việt Nam cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, thắng lợi của các cựu chiến binh Mĩ do tính chính trị của vụ kiện nhiều hơn là do dựa vào các kết luận khoa học do tại thời điểm vụ kiện diễn ra vẫn chưa có đuợc những bằng chứng khoa học thuyết phục. Đó chính là một trong những lập luận quan trong mà chính phủ Mĩ và các công ty hoá chất đưa ra để chối bỏ trách nhiệm trước những hậu quả rõ ràng của chất độc màu da cam đối với các nạn nhân Việt Nam.
Ngoài ra việc tiếp cận các công trình nghiên cứu đã hoàn thành có liên quan còn gặp nhiều khó khăn hơn bởi sự cản trở từ phía các công ty hoá chất và chính phủ Mĩ. Để có thể tiến hành được những công trình nghiên cứu mang tính hệ thống, cần phải có thiện chí hợp tác thực sự từ hai phía, một điều mà khó có thể có được trong vụ kiện này.
Việc các nạn nhân Việt Nam lên tiếng đòi công lý là một hành động tất yếu thể hiện quyền đuợc bảo vệ và được bồi thường của mỗi cá nhân đối với các hậu quả của chất độc chiến tranh mà họ phải gánh chịu qua nhiều thế hệ. Chính phủ Mĩ và các công ty hoá chất nên thừa nhận trách nhiệm của mình trước các nạn nhân Việt Nam, giúp bồi thường thiệt hại và hợp tác để cải tạo môi trường của những khu vực bị nhiễm độc.
Vấn đề Dioxin, mở ra từ vụ kiện này, nên trở thành mối quan tâm của toàn thế giới vì đây không phải là một “vấn đề của quá khứ” mà hiện nay nhiều ngành công nghiệp vẫn tiếp tục thải ra các chất độc có chứa dioxin. Do vậy nhìn vào những hậu quả của quá khứ để định hướng cho tương lai, để cần có những hành động thiết thực hơn để không để một thảm họa tương tự như vậy diễn ra.
-
Cao Hà (từ Boston, Mỹ)
Theo dòng thời sự: