Ngày 1/3, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư tới Hội nghị Quốc tế về hậu quả chất độc da cam, sẽ diễn ra tại Paris, từ ngày 11 -12/3.
VietNamNet xin đăng toàn văn bức thư:
Thưa quý vị tham dự Hội nghị, thưa quý Bà, quý Ông,
Tôi nhiệt liệt hoan nghênh sáng kiến của Hội Hữu nghị Pháp-Việt tổ chức đăng cai Hội nghị Quốc tế quan trọng này và xin gửi đến quý vị lời chào trân trọng.
Từ năm 1975, tiếng súng đã ngừng nổ ở Việt Nam, hòa bình được lập lại trên đất nước chúng tôi. Tuy nhiên nhân dân Việt Nam vẫn tiếp tục phải gánh chịu những hậu quả nặng nề và lâu dài do cuộc chiến tranh trong thập kỷ 60-70 của thế kỷ trước, đặc biệt là hậu quả của việc quân đội Mỹ rải chất độc da cam/dioxin tại miền Nam Việt Nam, gây ra nhiều thiệt hại cho con người và môi trường thiên nhiên.
Nhiều nạn nhân Việt Nam trong đó có nhiều phụ nữ, trẻ em đã chết. Hàng triệu nạn nhân khác mắc phải những bệnh hiểm nghèo và hàng vạn trẻ em thế hệ con, cháu bị dị tật bẩm sinh, phải sống cuộc đời đầy khó khăn về vật chất, đau khổ về thân xác, tinh thần và đang là một gánh nặng to lớn cho gia đình và xã hội.
Chính phủ và nhân dân và các bạn bè quốc tế đã có những cố gắng lớn trong việc trợ giúp các nạn nhân khắc phục hậu quả của chất độc da cam, những sự giúp đỡ này chưa đáp ứng yêu cầu. Tháng 7 năm 2002, hội nghị quốc tế Stockholm về hậu quả lâu dài với môi trường của chiến tranh Việt Nam đã ra tuyên bố kêu gọi Liên Hiệp Quốc, Chính phủ Hoa Kỳ, các công ty hóa chất cung cấp sản phẩm chứa đựng dioxin với độc tố cao sử dụng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam tham gia khắc phục hậu quả đó.
Điều đáng chế trách là những người gây tội ác đối với nhân dân Việt Nam đã tìm mọi cách để lẩn tránh trách nhiệm, thoái thác nghĩa vụ của mình.
Tại Việt Nam, chúng tôi đã tổ chức hai cuộc Hội nghị ''Vì nạn nhân chất độc da cam'' ở TP.HCM và Hà Nội. Tại cuộc họp ở Nhà hát lớn Hà Nội, tôi đã phát biểu ý kiến lên án tội ác và kêu gọi đồng bào trong nước và bạn bè kể cả nhân dân và chính phủ Mỹ hãy giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.
Tôi cũng đã từng gặp Tư lệnh các lực lượng vũ trang Mỹ ở Thái Bình Dương, các Đại sứ Mỹ, Đô đốc Zumwaltz, người trước đây đã ra lệnh thải chất độc da cam ở miền Nam Việt Nam và chính con ông lính Mỹ ở mặt trận cũng đã bị nhiễm chất độc. Tôi đã nêu lên ý kiến Mỹ phải có trách nhiệm cùng Việt Nam giải quyết hậu quả chiến tranh do Mỹ gây ra trong đó có vấn đề nạn nhân chất độc da cam, các vị ấy đều đồng ý.
Ngày 30/1/2004 Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và một số nạn nhân đã nộp đơn kiện các công ty hóa chất Hoa Kỳ, đòi bồi thường các thiệt hại do họ gây ra. Các nạn nhân Việt Nam tiến hành vụ kiện này không chỉ vì cuộc sống của riêng mình và còn vì quyền lợi chính đáng của mọi nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở nhiều nước khác, kể cả ở Mỹ.
Dư luận khắp nơi đã đồng tình với hành động chính đáng này của các nạn nhân Việt Nam sau hàng thập kỷ kiên nhân chịu đựng biết bao đau khổ và mất mát lớn lao. Vụ kiện này không chỉ vì thế hệ hiện nay mà còn vì nhiều thế hệ sẽ phải chịu đựng những cực khổ kéo dài, không chỉ vì Việt Nam mà còn vì nhân loại.
Chúng ta phải phát động phong trào quốc tế rộng lớn ủng hộ vụ kiện của Việt Nam và đấu tranh để đi đến một quyết định quốc tế cấm chỉ hoàn toàn việc sử dụng chất độc da cam/dioxin trong cuộc xung đột vũ trang từ nay về sau.
Tôi mong rằng tại Hội nghị Quốc tế quan trọng này, quý vị sẽ tiếp tục làm rõ trách nhiệm của những người thực hiện cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, kêu gọi cộng đồng quốc tế quan tâm đến số phận các nạn nhân Việt Nam.
Tôi xin chân thành cảm ơn quý vị về những tình cảm tốt đẹp đối với nhân dân Việt Nam, trước mắt về sự quan tâm đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và về sự ủng hộ họ tại tòa án Hoa Kỳ.
Xin chúc Hội nghị thành công tốt đẹp!
Hà Nội, ngày 01 tháng 3 năm 2005
Đại tướng Võ Nguyên Giáp.