Phiên tranh tụng đầu tiên về vụ kiện da cam kéo dài 8 tiếng đã kết thúc hôm qua tại Toà án LB Brooklyn mà không có kết quả. Theo luật pháp Mỹ, Chánh án Weinstein có quyền đưa ra phán quyết trong thời gian bao lâu tuỳ ý.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng phán quyết về việc tiếp tục hay bãi bỏ phiên toà của ông Weinstein có thể sẽ được đưa ra trong tháng ba này.
Tám giờ căng thẳng
Bà Phan Thị Phi Phi và luật sư Constantine Kokkoris đang trả lời báo chí trước Toà án Liên bang Brooklyn. Ảnh: Reuters. |
Trong phiên tranh tụng kéo dài một tiếng so với thời hạn quy định là 7 giờ, luật sư của các bên đã liên tiếp đưa ra những lập luận và bằng cứ chứng minh cho lý lẽ của mình.
Luật sư của các công ty hoá chất Mỹ cho rằng, vụ kiện không thể tiếp tục vì thời hạn đã hết. Theo luật pháp Mỹ, các nạn nhân có 10 năm để kiện lên toà án Mỹ. Nhưng luật sư của các nguyên đơn khẳng định rằng, các nạn nhân VN không thể làm được điều này do lệnh cấm vận của Mỹ đối với VN được áp dụng cho đến năm 1994. Mặt khác, có những nạn nhân mãi về sau mới biết mình bị bệnh và gây ảnh hưởng đến thế hệ con cháu.
Luật sư bên bị đưa ra lý lẽ rằng các công ty hoá chất chỉ là những nhà thầu làm theo đơn đặt hàng của Chính phủ và do đó, không thể chịu hoàn toàn trách nhiệm. Về luận điểm này, các luật sư bên nguyên cho rằng, theo đơn đặt hàng của Chính phủ Mỹ thì các công ty hoá chất phải cung cấp chất diệt thực vật không gây hại cho sức khoẻ con người. Thế nhưng, các công ty này vẫn cung cấp chất hoá học mà họ biết là có hại. Vì thế, các công ty phải chịu trách nhiệm về việc mình làm.
“Chúng tôi không thể kiện Chính phủ Mỹ. Chúng tôi kiện các công ty hoá chất bởi họ đã sản xuất ra chất độc da cam. Không ai có thể bắt ép họ sản xuất chất độc. Nhưng họ đã tiếp tục làm điều đó chỉ vì lợi nhuận”. Phát biểu trước báo giới, Luật sư Jonathan Moore, đại diện cho bên nguyên nói.
Nguyên đơn có mặt tại phiên tranh tụng là bà Phan Thị Phi Phi, người từng làm việc tại Quảng Ngãi, khu vực bị rải chất độc da cam nặng nề nhất trong thời gian chiến tranh. Bà cho biết: “Cá nhân tôi bị sảy thai liên tiếp 4 lần trong hai năm và sau đó không thể có con được nữa”.
Các luật sư của Bộ Tư pháp tham gia phiên toà cũng gây sức ép đòi Chánh án bãi bỏ vụ kiện với lý luận rằng luật pháp quốc tế không có hiệu lực tại Mỹ. Cũng theo các luật sư này, Toà cần thận trọng không đưa ra các phán quyết hạn chế quyền của Tổng thống trong các cuộc chiến tranh sau này.
Chánh án Weinstein đã hỏi ngay lại rằng: “Như vậy là luật sư nghĩ rằng Tổng thống Mỹ có thể phớt lờ luật pháp quốc tế hay sao?”
Trước những chứng cớ này, các công ty hoá chất Mỹ lại lập luận rằng chưa có bằng chứng trực tiếp nào về hậu quả chất độc da cam gây ra. Theo họ, vấn đề này cần được giải quyết bằng đàm phán ngoại giao chứ không phải tại Toà án.
Chánh án J. Weinstein là một thẩm phán có thâm niên lâu năm và là một người theo đường lối cởi mở, độc lập. Ông cũng chính là người đã thụ lý và xét xử đơn kiện hồi năm 1984 của các cựu chiến binh Mỹ bị phơi nhiễm chất độc da cam.
Song song với phiên tranh tụng của các nạn nhân da cam VN, hôm 28/2, ông Weinstein cũng nghe phiên tranh tụng của các cựu chiến binh Mỹ bị phơi nhiễm chất độc da cam. Tính chất của vụ kiện này được coi là tương tự như vụ kiện của các nạn nhân VN.
Dư luận ngoài Toà
Phiên tranh tụng đầu tiên của vụ kiện da cam đã thu hút được sự chú ý của dư luận. Đông đảo dư luận ủng hộ vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam VN.
Các cựu chiến binh Mỹ cũng có mặt tại phiên tranh tụng để bày tỏ sự ủng hộ đối với các nạn nhân da cam VN.
“Các nạn nhân VN đang tham gia vào vụ kiện tương tự như vụ kiện của các cựu chiến binh trước đây. Điều đó là công bằng. Nếu những cựu chiến binh Mỹ bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam được bồi thường thì những nạn nhân VN cũng phải nhận được sự quan tâm đặc biệt”. Ông David Klein, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh vì hoà bình nói.
Nhiều tổ chức phi chính phủ Mỹ như "Quĩ hòa giải và phát triển", "Chiến dịch hòa giải và cứu trợ nạn nhân chất độc da cam" đã phát động chiến dịch vận động dư luận ủng hộ vụ kiện. Các phong trào này cũng kêu gọi quyên góp tài chính hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam/diôxin Việt Nam.
Phiên tranh tụng cũng thu hút sự quan tâm của rất nhiều cơ quan báo chí quốc tế. Các hãng thông tấn lớn như AP, AFP đã nhanh chóng đưa tin về diễn biến phiên toà. Một số báo lớn của Mỹ như New York Times, Boston Globe cũng có các bài viết về vụ kiện da cam.
VietNamNet tổng hợp