Còn nhớ, tháng 10 năm ngoái, sau phiên kết thúc đàm phán EU-VN, ông Pascal Lamy Cao ủy Thương mại EU lúc đó dự đoán rằng: VN sẽ gia nhập WTO trong vòng 12 - 18 tháng. Đó là thời gian VN phải đạt được thỏa thuận với 21 quốc gia, trong đó 3 nước chủ chốt: Mỹ, Nhật, Canada. Và ai cũng cho rằng Mỹ là đối tác “rắn” nhất.
Thứ sáu tuần rồi, Tân Cao ủy Thương mại EU Peter Mandelson tỏ ra “mau mắn” hơn người tiền nhiệm, khi tin tưởng VN sẽ gia nhập WTO ngay trong năm 2005.
Ông nói: “Tôi hy vọng rằng tại Hội nghị Bộ trưởng các nước thành viên WTO ở Hongkong vào tháng 12 năm nay, chúng ta có thể sẵn sàng chào đón 4 nền kinh tế quan trọng vẫn ở ngoài sân chơi thương mại toàn cầu là Việt Nam, Nga, Ukraina và Ảrập Xêút". Cử tọa là cộng đồng Doanh nghiệp Hoa kỳ, tại buổi chiêu đãi giành cho ông, nhân chuyến công du đầu tiên sang Washington DC, trong đó có sự hiện diện của Đại diện Thương mại Mỹ Robert Zoellick.
Hiện tại, Hoa kỳ chưa kết thúc đàm phán với nước nào trong số 4 ứng cử viên mà ông P. Mandelson nêu ra.
Tuyên ngôn ra mắt của Tân Cao ủy Thương mại EU đã tỏ rõ sự thúc giục Mỹ nên nhanh chóng kết thúc đàm phán. Như để có “đối trọng”, ông P. Mandelson nhắc lại đề nghị đẩy nhanh đàm phán liên quan tới việc xóa bỏ quy định “chống phá giá”, một vấn đề khá nhạy cảm, đã mang lợi một cách bất công cho các công ty đi kiện của Mỹ 284 triệu USD trong năm qua.
Có lý do để ông P. Mandelson sốt ruột. Một là, EU đã đàm phán xong với VN. Hai là, đúng lúc ông nhậm chức, vị thế của VN đã được đánh giá lại cao hơn hẳn: Tháng 11/2004, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật bản (JBIC) công bố điều tra về “Triển vọng những thị trường đầu tư Châu Á”, VN được xếp thứ 4, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan. Nghiên cứu của tờ báo kinh tế Nhật Nikkey đánh giá, trong tương lai, cùng với Trung Quốc, Thái Lan, VN sẽ “căn cứ” sản xuât hàng công nghiệp mạnh nhất châu Á.
Đối với ông P. Mandelson lúc này, quan hệ với VN, thời gian là tiền bạc. Chắc chắn, các chuyên gia của ông lượng hóa được điều đó. Giới quan sát cho rằng, với kết quả đàm phán đã đạt được, Chính phủ VN rất có thể cho phép thực hiện trước 1 số thỏa thuận để thúc đẩy tiến độ các cuộc đàm phán tiếp theo.
Mặc dù đoạn đường kết thúc đàm phán còn lắm gay go, gai góc; nhưng VN đã có vị thế mới, những con bài mặc cả mà đối tác không thể cứng mãi được. Vả lại, WTO không phải là “cứu cánh”, VN hiểu rằng tự đẩy mạnh đổi mới, chủ động cải cách mới là yếu tố quyết định.
-
Trang Thanh Đào