221
1682
Đối ngoại
doingoai
/chinhtri/doingoai/
499299
ASEM-5 vẫn diễn ra theo đúng lịch trình
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
ASEM-5 vẫn diễn ra theo đúng lịch trình
,

(VietNamNet) - Hội nghị Cấp cao Á – Âu lần thứ 5 (ASEM-5) sẽ diễn ra như kế hoạch đã định vào đầu tháng 10/2004. Hầu hết nguyên thủ quốc gia các nước thành viên sẽ tham dự hội nghị.

Phó Trưởng Ban Thư ký ASEM-5 Nguyễn Hồng Cường đã khẳng định điều này với báo giới chiều 13/8.

Nhận xét về tiến trình ASEM, ông Cường cho rằng, sau 8 năm hình thành và phát triển, ASEM đã đạt được nhiều kết quả nhưng vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức. “Thách thức lớn nhất đối với ASEM đó là làm thế nào để đưa đối thoại và hợp tác trong ASEM đi vào thực chất và hiệu quả hơn".

ASEM có 26 thành viên sáng lập gồm: 15 nước EU, Uỷ ban Châu Âu và 10 nước Châu Á (bao gồm 7 nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc). Tiến trình hợp tác Á-Âu (ASEM) được bắt đầu tại Hội nghị cấp cao Á-Âu lần 1 tại Bangkok tháng 3/1996.

ASEM khởi sự trong bối cảnh xu thế toàn cầu hoá, liên kết khu vực và liên khu vực đang trên đà phát triển. Vào thời gian này các nền kinh tế Đông Á liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Về phía Châu Âu, ngay từ năm 1994, EU đã điều chỉnh chính sách đối ngoại, đưa ra “Chiến lược mới đối với Châu Á”, xác định mục tiêu và những nguyên tắc chỉ đạo quan hệ EU-Châu Á cho đến hết thập kỷ đầu thế kỷ 21. Trong bối cảnh đó, sự ra đới của ASEM mở ra triển vọng to lớn cho hợp tác về phát triển của hai châu lục.

Chính vì vậy, chủ đề của hội nghị thượng đỉnh lần này là "Tiến tới quan hệ đối tác Á - Âu sống động và thực chất hơn”. Qua đó, Việt Nam và các thành viên mong muốn ASEM-5 sẽ góp phần củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ đối tác giữa hai châu lục cả về chiều rộng và chiều sâu, tăng cường hợp tác Á - Âu theo hướng hiệu quả hơn và đồng đều hơn trên cả ba trụ cột, nhất là về hợp tác kinh tế.

“Những chủ đề mà các nhà lãnh đạo các nước Á - Âu thảo luận tại ASEM-5 sẽ phản ánh những quan tâm chung của cộng đồng thế giới hiện nay như vấn đề khủng bố, hợp tác đa phương, vai trò của Liên Hợp Quốc, an ninh phi truyền thống (trong đó có việc kiểm soát bệnh dịch), và các giải pháp nhằm thắt chặt hơn quan hệ đối tác Á – Âu thông qua những chương trình và kế hoạch hợp tác cụ thể". Phó Trưởng ban Thư ký ASEM cho hay.

Ông Cường cho biết thêm, tại Hội nghị Cấp cao lần này, dự kiến các nhà lãnh đạo sẽ thông qua ba văn kiện quan trọng. Cụ thể: Tuyên bố chung về tăng cường đối tác kinh tế ASEM chặt chẽ hơn, Tuyên bố của Chủ tịch và Tuyên bố chung về đối thoại văn hóa – văn minh.

Trả lời câu hỏi liên quan đến việc kết nạp các thành viên mới, theo ông Cường, việc mở rộng ASEM là một tiến trình. Trước mắt, các bên mới đề cập tới việc kết nạp 13 nước, trong đó có 10 thành viên mới của EU và 3 nước còn lại của ASEAN là Lào, Campuchia và Myanmar.

Ông Cường cho biết các bên cũng đang tích cực thúc đẩy đàm phán để đạt được thỏa thuận về việc các nước nói trên sẽ tham dự Hội nghị ASEM-5.

Trước đó, theo hãng tin BBC (Anh), Thủ tướng Tony Blair sẽ không tham dự ASEM-5 mà cử Phó Thủ tướng John Prescott đi thay. Việc ông Tony Blair không tham dự ASEM-5 được Văn phòng Thủ tướng lý giải là do quá bận một số công việc quan trọng chứ hoàn toàn không do một nguyên nhân nào khác.

Một số hoạt động bên lề ASEM-5

Hội nghị Đối tác Nghị viện Á – Âu lần thứ 3 tổ chức tại Huế vào tháng 3/2004

Diễn đàn Công đoàn ASEM được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 4/2004

Đối thoại Thanh niên ASEM lần thứ 3 đã diễn ra tại Hà Nội đầu tháng 7/2004.

Diễn đàn Doanh nghiệp Á – Âu lần thứ 9 sẽ được tổ chức trước Hội nghị ASEM-5.

Diễn đàn Nhân dân ASEM lần thứ 5

  • Việt Lâm
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,