- Ngày 10/11, gần 70 học giả quốc tế tới TP.HCM để cùng giới nghiên cứu và làm chính sách Việt Nam thảo luận về Biển Đông trong môi trường chiến lược đang điều chỉnh.
>> Có thể giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng luật quốc tế
>> "Đã thấy đủ ý chí độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc"
>> Học giả quốc tế phê phán đường lưỡi bò của TQ
>> Việt Nam và Trung Quốc nắm giữ chìa khóa cho vấn đề Biển Đông
>> Xung đột quân sự trên Biển Đông không phải là tất yếu
Với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”, hội thảo sẽ diễn ra trong 2 ngày (11-12/11) với 7 phiên thảo luận.
Sự kiện thu hút sự tham gia của các học giả từ các nước ASEAN, Trung Quốc, Australia, Canada, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và một số nước EU cùng đại diện các cơ quan ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam.
Các đại biểu tại hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ nhất tại Hà Nội tháng 11/2009. Ảnh: VietNamNet |
Các học giả sẽ cùng đánh giá tầm quan trọng của Biển Đông trong môi trường chiến lược đang điều chỉnh, nhìn lại những diễn biến mới gần đây ở Biển Đông và những hệ lụy của nó với an ninh và phát triển khu vực; và thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông, vì hòa bình, thịnh vượng chung.
Trong đó, các học giả sẽ cùng xem xét những vấn đề luật pháp quốc tế với tranh chấp Biển Đông, tính pháp lý và tính chính đáng của tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, việc tìm kiếm giải pháp pháp lý cho đường yêu sách đứt đoạn chữ U của Trung Quốc, cũng như xem xét việc các đảo nhân tạo và ảnh hưởng của nó tới tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Việc Trung Quốc điều chỉnh tuyên bố đưa Biển Đông vào "lợi ích cốt lõi" của nước này, cũng như sự can dự ngày càng lớn hơn của Mỹ vào khu vực sẽ được bàn thảo.
Cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung tại khu vực biển tranh chấp này dự kiến sẽ chiếm thời lượng khá lớn trong thảo luận của các học giả.
Trong bản tham luận gửi tới hội thảo, GS Stein Tonnesson từ Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế, Oslo còn đặt vấn đề liệu có thể ràng buộc cường quốc bằng luật pháp quốc tế: Mỹ, Trung và sức mạnh của Luật quốc tế tại Biển Đông?
Hội thảo cũng sẽ thảo luận vai trò của Biển Đông trong hợp tác Đông Á, nhất là trong bối cảnh Cấp cao Đông Á đã được mở rộng với sự can dự của Mỹ, Nga.
Bên cạnh việc đánh giá tác động của những căng thẳng gần đây ở Biển Đông tới an ninh, thịnh vượng khu vực, các học giả cũng nhìn lại tác động của các báo cáo về thềm lục địa lên Ủy ban ranh giới ngoài thềm lục địa đối với các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Vấn đề xây dựng lòng tin và thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông, nhất là trên cơ sở Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC và tiến trình xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông mang tính ràng buộc pháp lý cao cũng được đặt ra.
Đây là hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 2 được tổ chức tại Việt Nam, do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam đồng chủ trì.
Hồi cuối năm ngoái, lần đầu tiên, hội thảo quốc tế về Biển Đông đã được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 50 học giả trong và ngoài nước.
Hội thảo được đánh giá đã tạo tiền đề để xây dựng lòng tin, xóa bỏ nghi kỵ, hiểu lầm giữa các bên có tranh chấp, chia sẻ mong muốn tăng cường hợp tác để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Đồng thời, nó giúp định hình khuôn khổ hợp tác hợp lý cho giới học giả và các nhà làm chính sách có thể ngồi lại, thảo luận, trao đổi thẳng thắn, trình bày kết quả khoa học cũng như gợi ý giải pháp cho những vấn đề phức tạp như Biển Đông.
-
Phương Loan