- Tại cuộc họp báo chiều nay (6/11) thông tin các nội dung phiên họp thường kỳ Chính phủ vừa diễn ra, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, "về ý kiến cho rằng việc xả lũ hồ sông Ba Hạ không đúng quy trình, thì ai vi phạm quy định phải chịu trách nhiệm”.
>> Xả lũ sai quy trình hay lỗi tại ông trời?
>> Lũ lớn có liên quan đến thủy điện
Ảnh: VietNamNet |
Theo ông Phát, vừa qua Thủ tướng đã chỉ đạo các chủ đầu tư phải xây dựng quy trình vận hành các hồ, liên hồ để tránh gây thiệt hại cho người dân.
Thực tế khi mưa to, nước về đầy, các hồ đều buộc lòng phải xả nước, nhưng có thể thông báo sớm cho dân thời điểm xử nước để tránh thiệt hại.
Thứ trưởng Công thương Nguyễn Thành Biên bổ sung, ngày 23/9 vừa qua, Thủ tướng ban hành quyết định về quy trình liên hồ chứa.
Ban quản lý các công trình trên sông Ba Hạ phải chấp hành quy trình này.
Tuy nhiên, vào ngày 2/11, sau khi tính toán lưu lượng nước hồ chứa và lũ thì lãnh đạo nhà máy quyết định xả.
16h chiều, lãnh đạo nhà máy đã báo cáo bằng văn bản fax ra cho Ban chỉ đạo phòng chống bão lụt Trung ương và đồng thời fax sang cho ban chỉ đạo tỉnh. "Máy fax của ban chỉ đạo tỉnh lúc đó bận nên cuối cùng lại gửi bằng đường e-mail", ông Biên kể lại.
19h30, việc xả lũ được bắt đầu.
“Thiếu sót duy nhất của các đơn vị liên quan là không báo cáo chính thức UBND tỉnh Phú Yên trong khi theo quy định là lẽ ra phải báo cáo. Đến ngày 4/11, Bộ Công thương đã yêu cầu báo cáo việc xả lũ với cường độ lớn cho UBND tỉnh bằng văn bản. Từ 2h chiều cùng ngày, họ đã báo cáo thường xuyên cho tỉnh", ông Biên nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, hiện các bộ đang yêu cầu tỉnh phải làm rõ việc có hay không chuyện xả lũ với cường độ lớn và khi xả lũ có báo cáo bằng văn bản cho tỉnh biết hay không.
"Hiện nay chúng tôi vẫn chờ kết quả giải trình và sẽ xử lý nếu có vi phạm. Nếu gây thiệt hại thì xem xét bồi thường theo quy định pháp luật”, ông Biên khẳng định.
Theo con số mà Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát thông tin, qua 3 đợt lũ lớn ở các tỉnh miền Trung đã có 155 người chết, hàng chục người mất tích, thiệt hại vật chất khoảng 11.600 tỷ đồng. Hàng trăm ngàn ha lúa, hoa màu và gần như toàn bộ các cơ sở nuôi thủy sản vùng miền Trung bị phá hỏng, trôi ra biển.
Bán ngoại tệ phục vụ nhu cầu cần thiết
Tại phiên họp thường kỳ hôm nay, Chính phủ đã thảo luận về đề án chiến lược vay và trả nợ quốc gia từ 2010 - 2020 và kế hoạch 2020 - 2050.
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10/2010. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ |
Trong đó, nợ công là khái niệm mới theo Luật Quản lý nợ công mới ban hành.
“Hiện nay, mới có giới hạn nợ Chính phủ là dưới 50% GDP. Nếu ở thời điểm nào đó, nợ Chính phủ dưới 30% GDP thì vẫn an toàn, đến 49% vẫn an toàn còn trên 50% là không an toàn. Như vậy, hiện nay dư nợ Chính phủ vẫn an toàn. Nhưng nợ công thì khác, hiện chưa có vì chúng ta đang xây dựng ngưỡng an toàn chờ Chính phủ có ý kiến để báo cáo cơ quan có thẩm quyền”, ông Nghiệp nói.
Tại buổi họp báo, ông Bùi Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho rằng một trong những nguyên nhân khiến tỷ giá có biến động trên thị trường tự do là do nhu cầu tăng vào cuối năm. "Ngân hàng Nhà nước sẽ chú ý bán ngoại tệ phục vụ cho các nhu cầu cần thiết, trong đó có phục vụ nhu cầu dân sinh”, ông Bảo nói.
Theo đó, việc bán ngoại tệ phải có chọn lọc, phục vụ các hoạt động nhập khẩu hàng thiết yếu. Ngân hàng Nhà nước xem xét trạng thái ngoại tệ các ngân hàng thương mại để xem xét, giải quyết.
Ngày 6/11, Thủ tướng đã ký văn bản yêu cầu các địa phương thành lập các đoàn kiểm tra về việc chấp hành quy định về kê khai, niêm yết giá. Chính phủ cũng yêu cầu đẩy mạnh các biện pháp kiềm chế nguy cơ lạm phát. |
-
Lê Nhung