- Theo Nghị quyết dự toán ngân sách năm 2011 vừa được Quốc hội thông qua sáng nay (10/11), lương tối thiểu sẽ tăng thêm 100.000 đồng/tháng.
Nghị quyết đã được các 80,12% đại biểu bấm nút tán thành.
Phụ cấp công vụ 10%, phụ cấp thâm niên giáo dục
Theo Nghị quyết, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2011 là 595.000 tỷ đồng, đương đương 26,2% tổng sản phẩm trong nước. Nếu tính cả 10.000 tỷ đồng thu chuyển nguồn năm nay sang năm sau, tổng số thu cân đối ngân sách là 605.000 tỷ đồng.
Với tổng chi 725.600 tỷ đồng, mức bội chi là 120.600 tỷ đồng, bằng 5,3% GDP, thấp hơn mức 5,5% GDP mà Chính phủ dự kiến ban đầu và cao hơn mức yêu cầu dưới 5% GDP của nhiều đại biểu Quốc hội.
Nhóm 8 giải pháp thực hiện dự toán ngân sách năm 2011 của Chính phủ được Quốc hội nhất trí cao.
Trong quản lý chi ngân sách, đáng lưu tâm nhất là giải pháp tăng lương.
Quốc hội bấm nút thông qua kế hoạch ngân sách 2011. Ảnh: LAD |
Từ ngày 1/5/2011, Quốc hội đồng ý với Chính phủ việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu từ 730.000 đồng lên 830.000 đồng/tháng. Lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công bằng tốc độ tăng lương tối thiểu. Đồng thời, sẽ thực hiện chế độ phụ cấp công vụ 10% và phụ cấp thâm niên ngành giáo dục.
Triệt để tiết kiệm
Việc chi ngân sách nhà nước phải triệt để tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đặc biệt là phải rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư, tập trung bố trí vốn các công trình trọng điểm, cấp bách, cần hoàn thành trong năm 2011-2012, nhất là địa phương nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực nông thôn.
Quốc hội cũng nhất trí phương án nếu tổng thu ngân sách vượt dự toán thì được sử dụng ít nhất 30% phần tăng thu để làm giảm bội chi năm 2011.
Liên quan việc huy động vốn trong toàn dân, Quốc hội thống nhất cao việc phát hành 45.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ. Nguyên tắc sử dụng vốn này phải chặt chẽ hơn, không bố trí cho các dự án không cấp bách, tương tự như nguyên tắc chi ngân sách nói chung. Trong đó, để thúc đẩy giải ngân, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm tới sẽ không được chuyển nguồn sang năm sau nếu không sử dụng hết.
Vấn đề nợ công quốc gia được đặc biệt quan tâm. Đặc biệt, Chính phủ phải xây dựng chiến lược quản lý nợ công đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.
Bên cạnh các nguyên tắc chung, Quốc hội yêu cầu phải quản lý chặt chẽ việc huy động vốn, sử dụng vốn của các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, kể cả khoản vay trong và ngoài nước.
Mặc dù kế hoạch ngân sách năm 2011 đã được thông qua, song tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý Chính phủ một số điểm quan trọng trong chính sách tài khóa năm tới.
Ví dụ về nợ công, trước đó, tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã đề nghị làm rõ mức nào là ngưỡng an toàn nợ công quốc gia. Hiện nay, nợ công Việt Nam đã là 56,2% và năm 2011 dự kiến 57,1% GDP. Có đại biểu còn cho rằng, nợ công đã lên tới gần 70% GDP.
Nợ công là khái niệm mới, trước là Việt Nam chỉ có khái niệm nợ Chính phủ và nợ quốc gia với giới hạn nợ là dưới 50% GDP.
Giới hạn nợ mỗi nước khác nhau, không có công thức chung và còn phụ thuộc vào khả năng kinh tế mỗi nước song Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ phải nghiên cứu toàn diện hơn và sớm trình Quốc hội các chỉ tiêu quản lý nợ công.
-
Phạm Huyền