Vấn đề về chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản được tranh luận nhiều nhất. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Tuy nhiên, trong thực tế có một số khu vực khoáng sản, loại khoáng sản khi cấp quyền khai thác không thể thông qua đấu giá, chẳng hạn đối với một số loại quý hiếm có tính chiến lược của nền kinh tế hoặc ở khu vực nhạy cảm về môi trường, về bảo đảm quốc phòng, an ninh...
Do đó, để bảo đảm yêu cầu quản lý chặt chẽ về cấp quyền khai thác khoáng sản, dự thảo Luật quy định việc cấp quyền khai thác không thông qua đấu giá chỉ được tiến hành ở khu vực khoáng sản do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở quy định các tiêu chí để xem xét cụ thể.
Trong trường hợp này tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp tiền cấp quyền khai thác theo quy định tại Điều 77 của dự thảo Luật.
Như vậy, việc đấu giá quyền khai thác được thực hiện cả ở khu vực hoạt động khoáng sản nhưng chưa thăm dò và khu vực đã thăm dò. Trường hợp trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò thì tổ chức, cá nhân trúng đấu giá khai thác phải thực hiện việc thăm dò. Kết quả thăm dò do Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia thẩm định và phê duyệt để bảo đảm lợi ích quốc gia.
Đối với quyền thăm dò khoáng sản vì là hoạt động cần khuyến khích, lại có nhiều rủi ro nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở các tiêu chuẩn cụ thể do Chính phủ quy định.
Xung quanh vấn đề đang còn nhiều ý kiến trái chiều về chuyển nhượng quyền hoạt động khoáng sản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, về nguyên tắc, dự thảo luật không khuyến khích chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản để hạn chế việc mua đi bán lại giấy phép phát sinh nhiều tiêu cực.
Tuy nhiên, trên thực tế, có tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản do điều kiện khách quan không thể tiếp tục thực hiện dự án đầu tư, có nhu cầu chuyển nhượng dự án đã đầu tư để thu hồi vốn. Do đó, để phù hợp với các luật hiện hành như Luật Đầu tư , Luật Doanh nghiệp và hạn chế việc làm thất thoát tài sản xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho phép chuyển nhượng quyền thăm dò, quyền khai thác khoáng sản.
Song, để hạn chế tình trạng mua đi bán lại giấy phép các dự án nhằm trục lợi gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, dự thảo luật có quy định nguyên tắc, điều kiện tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản được chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản và chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản. Đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, trình tự, thủ tục chuyển nhượng quyền thăm dò, quyền khai thác khoáng sản.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, dự thảo luật đã có sự thay đổi cơ bản so với luật hiện hành là thực hiện cơ chế quản lý nhà nước về khoáng sản phù hợp với nền kinh tế thị trường.
Dự án luật đã được Quốc hội biểu quyết thông qua chiều nay, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011.
-
Lê Nhung