221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1313803
Yêu cầu Trung Quốc cùng tìm 9 ngư dân chưa trở về
1
Article
null
Yêu cầu Trung Quốc cùng tìm 9 ngư dân chưa trở về
,

- Chiều nay (14/10), Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị, một lần nữa, kiểm tra, phối hợp tìm kiếm tàu cá và 9 ngư dân Việt Nam bị phía Trung Quốc bắt giữ và thả, chưa trở về như dự kiến.

>> Trung Quốc đã thả 9 ngư dân Việt bị bắt
>> Yêu cầu Trung Quốc thả vô điều kiện tàu cá Việt Nam

>> Trắng đêm chờ ngư dân được Trung Quốc thả

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga trong cuộc họp báo thường kỳ chiều nay tại Hà Nội đã cho biết thông tin trên.

Tàu cá có đủ nhiên liệu để trở về?

Theo bà Nga, hôm 9/10, phía Trung Quốc thông báo đã quyết định thả tàu cá QNg 66478TS và 9 ngư dân của tỉnh Quảng Ngãi. Chiều 11/10, phía Trung Quốc thông báo vào lúc 13h cùng ngày, 9 ngư dân và tàu cá Việt Nam đã lên đường về nhà.

Theo dự kiến, tàu cá và 9 ngư dân sẽ về đến nhà trong tối 12/10. Tuy nhiên, đến sáng 13/10, được biết tàu QNg 66478TS và 9 ngư dân vẫn chưa về đến nhà, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc yêu cầu phía Trung Quốc phối hợp tìm kiếm tàu cá và ngư dân Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Trung Quốc kiểm tra xem khi được thả, tàu QNg 66478TS "có được cung cấp đầy đủ nhiên liệu và các trang thiết bị cần thiết đảm bảo an toàn cho tàu cá và ngư dân không".

Tối 13/10, Đại sứ quán Trung Quốc thông báo cho Bộ Ngoại giao Việt Nam rằng khi đã quyết định thả, "phía Trung Quốc chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho tàu cá và ngư dân Việt Nam. Phía Trung Quốc đã cung cấp đủ nhiên liệu và trang thiết bị cần thiết cho tàu cá Việt Nam trước khi thả tàu".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga

Vào lúc 13h ngày 11/10, tàu QNg 66478TS đã lên đường trở về. Tuy nhiên, sau đó, tàu quay trở lại đề nghị cung cấp thêm nhiên liệu và đã được phía Trung Quốc đáp ứng. Do đang có áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông nên Trung Quốc khuyến cáo ngư dân Việt Nam có thể ở lại thêm một vài ngày nữa nhưng ngư dân Việt Nam vẫn quyết định về ngay và đã ký cam kết tự chịu trách nhiệm về quyết định này. Và đến tối 11/10, tàu cá và ngư dân Việt Nam vẫn lên đường trở về sau khi được thả.

Đại diện Đại sứ quán Trung Quốc nói đã báo cáo về nước ý kiến của Bộ Ngoại giao Việt Nam, đồng thời sẽ thông báo các cơ quan chức năng của Trung Quốc phối hợp tìm kiếm tàu cá và ngư dân Việt Nam.

Chiều 14/10, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc, một lần nữa, yêu cầu phía Trung Quốc phối hợp tìm kiếm tàu QNg 66478TS và 9 ngư dân, nếu có thông tin thì kịp thời thông báo cho phía Việt Nam.

Quan tâm gia tăng

Tại cuộc họp báo, phóng viên trong và ngoài nước đặt câu hỏi cho người phát ngôn Bộ Ngoại giao về vụ việc:

Reuters : Những vụ việc như thế này đã bao giờ xảy ra chưa khi mà ngư dân thả xong lại bị mất tích? Phía Trung Quốc đã giải thích như thế nào việc thả ngư dân Việt Nam? Bộ Ngoại giao có thỏa mãn sự hợp tác cũng như câu trả lời của phía Trung Quốc?

Trước hết, nếu trí nhớ của tôi tốt, tôi chưa ghi nhận trường hợp nào ngư dân đã được thả về và mất tích ở trên đường. Ngay khi sự việc xảy ra, Việt Nam đã khẳng định với phía Trung Quốcrõ lập trường của mình là việc bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam trong khi họ đang hoạt động nghề cá bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc thả ngay và vô điều kiện tàu cá và ngư dân bị bắt giữ.

Hiện nay phía Trung Quốc thông báo cho chúng tôi là họ đã thả ngư dân và tàu cá Việt Nam. Chúng tôi nghĩ việc làm như vậy là phù hợp.

AFP: Liệu có chắc tàu cá của Việt Nam đã bắt đầu rời cảng của phía Trung Quốc chưa? Tàu đã rời cảng nào, liệu có chắc chắn được thả chưa hay vẫn còn bị giam giữ, thưa bà?

Tôi sẽ kiểm tra lại với phía Trung Quốc địa điểm mà tàu cá và ngư dân Việt Nam đã rời để lên đường trở về nhà. Bây giờ chúng ta phải chờ các ngư dân về, nhưng phía Trung Quốc đã thông báo cho chúng tôi và cũng đã khẳng định lại với chúng tôi là tàu cá và ngư dân đã được thả.

Quân đội nhân dân: Sau khi phía Việt Nam yêu cầu Trung Quốc hợp tác tìm kiếm tàu cá và ngư dân Việt Nam bị mất tích, phía Trung Quốc trả lời ra sao? Công tác tìm kiếm đã bắt đầu triển khai chưa?

Như các bạn biết, đi trên biển không giống đi trên đất liền. Sự việc mới diễn ra. Nếu đúng theo thông tin phía Trung Quốc cung cấp, tối 11/10, các ngư dân lên đường trở về, nếu đường đi bình thường thì cũng phải tới ngày 12/10, có thể tối muộn, hoặc trong ngày 13/10, các ngư dân mới có thể về đến nhà.

Đến sáng 13/10, khi chưa thấy tàu cá và ngư dân trở về, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp Đại sứ quán Trung Quốc để yêu cầu xác minh thông tin và đã yêu cầu Trung Quốc phối hợp tìm kiếm. Và phía Trung Quốc cho biết đã thông báo về nước ý kiến của Bộ Ngoại giao, đồng thời sẽ thông báo các cơ quan chức năng của Trung Quốc phối hợp tìm kiếm tàu cá và ngư dân Việt Nam. Chúng ta sẽ tiếp tục theo dõi sự việc và chúng tôi hy vọng có thông tin tốt lành thông báo cho các bạn.

Reuters: Liệu còn có ngư dân Việt Nam nào bị Trung Quốc giam hiện nay không? Có bao nhiêu tàu cá và ngư dân Việt Nam từng gặp vấn đề như thế này trong quá khứ? Bà là người làm việc trong Bộ Ngoại giao lâu năm, theo bà tình hình này hiện nay đang trở nên xấu đi hay khá hơn?

Theo thông tin chúng tôi có đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc không còn giam giữ ngư dân nào của Việt Nam. Tôi biết phóng viên thích sự so sánh. Nhưng kể cả tôi đã làm việc ở Bộ Ngoại giao hơn 20 năm thì đối với tôi so sánh như vậy không phải dễ.

Chúng tôi cũng có những số liệu thống kê nhưng số liệu đó không được bảo đảm chắc chắn 100% vì có những trường hợp bị tạm giữ, ngư dân trở về ngay, thậm chí có khi chính quyền địa phương, chính quyền trung ương không được thông báo. Có những trường hợp ngư dân bị giữ lâu hơn và phải trải qua đấu tranh ngoại giao, qua nhiều lần giao thiệp giữa các cơ quan chức năng của hai bên thì ngư dân mới được trở về. Có một điều tôi có thể khẳng định với phóng viên là sự quan tâm đến những vụ việc như thế này tăng lên rất nhiều trong thời gian gần đây.

Diễn biến vụ việc từ 11/9 đến chiều 14/10:

- 11/9: Trung Quốc bắt giữ tàu cá số hiệu QNg 66478TS cùng 9 ngư dân Việt Nam tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa.

- Sau khi nhận được thông tin, các cơ quan chức năng Việt Nam đã tiến hành xác minh và được biết tàu cá cùng 9 ngư dân là của tỉnh Quảng Ngãi, đang hoạt động nghề cá bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Khi đi đánh bắt, tàu cá chỉ mang theo các ngư cụ đánh bắt thông thường như lưới, đèn soi cá…

- Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần làm việc với phía Trung Quốc về vấn đề này ở nhiều cấp khác nhau tại Hà Nội và Bắc Kinh. Trong đó, có 4 lần ở cấp thứ trưởng với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, 1 lần gửi công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, nói rõ việc bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam trong khi họ đang hoạt động nghề cá bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam, yêu cầu phía Trung Quốc thả ngay và vô điều kiện tàu cá QNg 66478TS và 9 ngư dân nói đang bị bắt giữ.

- 9/10: Trung Quốc quyết định thả tàu cá QNg 66478TS và 9 ngư dân của tỉnh Quảng Ngãi. Dự kiến tàu cá và 9 ngư dân về đến nhà tối 12/10. Tuy nhiên, đến chiều 14/10, tàu cá và ngư dân vẫn chưa trở về.

  • Xuân Linh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,