- Dưới sự chủ trì của Việt Nam, hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) khai mạc sáng nay (12/10) tại Hà Nội với sự tham dự của lãnh đạo quốc phòng 10 nước thành viên ASEAN và 8 đối tác : Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, New Zealand, Úc, Nga, Mỹ.
Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan. |
Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan dành cho VietNamNet cuộc trao đổi về những nội dung xoay quanh hội nghị :
ASEAN - hạt nhân của hợp tác Đông Á
Với khuôn khổ hợp yác ADMM+ lần đầu tiên được hiện thực hóa, liệu ASEAN có thể kỳ vọng vào diễn đàn 3 năm diễn ra một lần này như thế nào trong hợp tác an ninh khu vực với 8 đối tác lớn, thưa ông?
ADMM+ là sự hiện thực hóa sáng kiến ARF. Kể từ khi hình thành năm 1994, diễn đàn ARF luôn có yếu tố quốc phòng, nhưng lần này họ muốn trao đổi về chính sách quốc phòng ở cấp cao nhất, thiết lập một cơ chế đối thoại then chốt về những vấn đề quan trọng đối với an ninh, ổn định và xây dựng lòng tin ở Đông Á, chứ không chỉ ASEAN.
Bởi lẽ Đông Á đã trở nên rất quan trọng với thế giới về mặt phục hồi kinh tế, ổn định tài chính, và tạo động lực cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Do vậy, điều cực kỳ quan trọng là cộng đồng quốc tế tin tưởng vào Đông Á thông qua ASEAN, vì chỉ duy nhất ASEAN có thể tạo ra cơ chế đối thoại và một tiến trình phối hợp làm nền tảng cho việc trao đổi quan điểm giữa các nước ASEAN với nhau, cũng như giữa ASEAN với các đối tác chủ yếu.
Chúng ta phải duy trì được sự tin cậy lẫn nhau trong khối, phát ra tín hiệu tích cực tới cộng đồng quốc tế rằng Đông Á với ASEAN là hạt nhân có thể dẫn đường, có thể tạo ra nền tảng cho ổn định, hợp tác an ninh, hòa bình, qua đó đảm bảo được sự thịnh vượng về kinh tế.
+ ASEAN đã khoanh vùng rất rõ 5 ưu tiên cụ thể trong hợp tác của khuôn khổ ADMM+ gồm hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, an ninh biển, quân y, chống khủng bố và các hoạt động gìn giữ hòa bình. Tại sao ASEAN lại đưa ra 5 ưu tiên cụ thể này?
Vì 5 lĩnh vực này có thể đạt được sự đồng thuận giữa 10 quốc gia thành viên của ASEAN hay giữa 18 thành viên tham dự ADMM+ đầu tiên này. Những lĩnh vực này là mối quan tâm chung, có thể hợp tác một cách dễ dàng và hiệu quả và sẽ đóng góp cho hội nhập và hợp tác sâu rộng, tin tưởng lẫn nhau trong hợp tác Đông Á đang nổi lên.
+ Một trong những lĩnh vực ưu tiên đó là an ninh biển. Tại sao ASEAN chú trọng ưu tiên này trong khuôn khổ hợp tác ADMM+ với 8 đối tác, thưa ông?
ASEAN có vị trí địa lý chiến lược, nối Ấn độ dương và Thái Bình Dương, là nơi có nhiều tài nguyên thiên nhiên, diễn ra nhiều trao đổi thương mại của khu vực với toàn cầu. Vì thế việc đảm bảo an ninh, tự do thông thương trên đường hàng hải thương mại là vô cùng quan trọng nhằm đảm bảo khu vực có thể tạo lòng tin đối với cộng đồng toàn cầu về khả năng tiếp tục tăng trưởng và duy trì thịnh vượng. Tôi nghĩ an ninh biển là mối quan tâm không chỉ của ASEAN mà cả các nước đối tác, kể cả ở diễn đàn này hay không ở diễn đàn này.
Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông sẽ mang tính hòa bình, xây dựng
+ Trong ADMM+, ASEAN và Trung Quốc có những vấn đề liên quan giải quyết những tranh chấp liên quan Biển Đông và ASEAN đang muốn cùng Trung Quốc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Liệu ADMM có thêm là một diễn đàn để hai bên tranh thủ giải quyết không?
ADMM ít nhất có thể là nơi xúc tiến đối thoại về các vấn đề tạo lòng tin, an ninh, ổn định trong khu vực. Tôi cho rằng một diễn đàn như vậy là rất quan trọng cho chúng ta trong việc thúc đẩy hiểu biết tốt hơn, tin tưởng lẫn nhau, góp phần duy trì tăng trưởng, thịnh vượng...
+ Tôi vẫn nhớ ông từng phát biểu kỳ vọng ASEAN và Trung Quốc sẽ có thể sớm xúc tiến các cuộc làm việc kỹ thuật liên quan đến Bộ quy tắc COC. Vậy đến giờ sự trông đợi như thế nào?
Tôi kỳ vọng chúng tôi có thể xúc tiến các cuộc thảo luận, trao đổi cũng như tin tưởng ASEAN và Trung Quốc sẽ chứng minh cho cộng đồng toàn cầu thấy rằng chúng tôi có thể đạt được Bộ quy tắc, thủ tục cơ bản, có thể gửi đi tín hiệu đúng đắn rằng chúng tôi có thể giải quyết những khác biệt. Và đó sẽ là bộ quy tắc có tính xây dựng, hòa bình.
-
Xuân Linh