- Phát biểu khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 17 chiều nay (28/10) tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng ASEAN cần tạo điều kiện để các đối tác tham gia sâu rộng, đóng góp xây dựng hơn vào việc xử lý các vấn đề liên quan đến hoà bình, an ninh và phát triển ở khu vực trên cơ sở bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN.
Là hoạt động quan trọng cuối cùng trong năm 2010 của các nhà lãnh đạo ASEAN, hội nghị đã tập trung kiểm điểm kết quả hợp tác cả trong nội khối cũng như với các đối tác.
Nâng cấp quan hệ với các đối tác
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu bật 5 vấn đề quan trọng mà ASEAN đề cập, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ đẩy nhanh việc thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN. Thủ tướng nhấn mạnh phải tạo sự chuyển biến thực sự về “văn hóa thực thi”, tăng cường cơ chế giám sát và đánh giá việc thực hiện các thỏa thuận giữa các thành viên ASEAN.
Về quan hệ đối ngoại của ASEAN, Thủ tướng cho rằng cần chủ động thúc đẩy quan hệ với các đối tác thông qua khuôn khổ ASEAN+1 lên tầm cao mới, theo hướng toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn.
“ASEAN cần tiếp tục thúc đẩy và tạo điều kiện để các đối tác tham gia sâu rộng và đóng góp xây dựng hơn vào việc xử lý các vấn đề liên quan đến hoà bình, an ninh và phát triển ở khu vực trên cơ sở bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN và hỗ trợ mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN”, Thủ tướng phát biểu.
Ông cũng cho rằng Hiệp hội cần tiếp tục phát huy thế mạnh của mình như một hạt nhân gắn kết và điều hòa các nhóm lợi ích đan xen trong khu vực, là trung tâm kết nối các cơ chế và khuôn khổ hợp tác hiện có và thúc đẩy sự hình thành một cấu trúc khu vực dựa trên nhiều cơ chế đan xen, bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của ASEAN là nhân tố quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương.
"Điều quan trọng cho hội nhập cộng đồng chung ASEAN là sự liên kết, dù nói đến bất kể lĩnh vực nào từ cơ sở hạ tầng, thể chế, hay người dân, giáo dục… Đây là hành động mà chúng tôi sẽ thực thi để có thể sẵn sàng cho thời điểm 2015: một cộng đồng ASEAN ra đời". Bộ trưởng Ngoại giao Phillipines nói bên hành lang Hội nghị |
Tiếp tục phát huy tác dụng và thúc đẩy thực thi có hiệu quả các công cụ và cơ chế hiện có như đã nêu trên để bảo đảm hòa bình và an ninh khu vực; đẩy mạnh hợp tác rộng rãi nhằm đối phó với những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, nhất là khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh an toàn trên biển…
Kết nối ASEAN
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo nhất trí thông qua Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN do Nhóm đặc trách về Kết nối ASEAN đệ trình, đồng thời quyết định thành lập một Ủy ban Điều phối kết nối ASEAN để giám sát và thúc đẩy thực hiện Kế hoạch tổng thể này.
Các nhà lãnh đạo đã nhất trí thông qua Tuyên bố về Phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng cho phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững, Tuyên bố về Nâng cao phúc lợi và phát triển của phụ nữ và trẻ em ASEAN.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng đã thống nhất và quyết định nhiều biện pháp để tăng cường hợp tác ứng phó với các thách thức chung như an ninh lương thực và an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh…
Về quan hệ đối ngoại của ASEAN, các nhà lãnh đạo nhất trí cần thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với các đối tác đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn, thiết thực hỗ trợ mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN và huy động sự tham gia đóng góp tích cực của các đối tác vào việc xử lý các vấn đề khu vực.
Theo đó, nhất trí tiếp tục quan hệ giữa ASEAN với các đối tác lên tầm cao mới, khẳng định lại quan điểm của ASEAN rằng một cấu trúc hợp tác hiệu quả ở khu vực cần phải bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN và dựa trên các tiến trình hiện có, đan xen, bổ trợ cho nhau.
Lãnh đạo các nước ASEAN nhất trí sẽ thống nhất với các Đối tác cấp cao Đông Á (EAS) chính thức mời Tổng thống Nga và Mỹ tham gia kể từ năm 2011.
Các nhà lãnh đạo cũng bàn và thống nhất về sự tham gia và đóng góp của ASEAN tại Hội nghị cấp cao G20 sắp tới ở Seoul, Hàn Quốc. Theo đó, ASEAN sẽ chuyển đến các Hội nghị này một thông điệp chung về các nỗ lực đảm bảo phát triển cân bằng và bền vững, tăng cường vai trò của các nền kinh tế đang phát triển và cải cách hệ thống tài chính toàn cầu.
Cà phê chồn cho các nguyên thủ Với tinh thần văn hóa ngoại giao xanh, nước chủ nhà Việt Nam đã quyết định chọn cà phê chồn Trung Nguyên là tặng phẩm chính thức gửi tặng các nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo các tổ chức quốc tế tham gia hội nghị. 20 bức tranh chân dung các nguyên thủ được làm từ cà phê cũng là món quà đặc sắc gửi tặng đến các khách quý. Tặng phẩm tranh chân dung được thực hiện hoàn toàn bằng hạt cà phê tự nhiên được nước chủ nhà tự hào là những tác phẩm nghệ thuật cà phê lần đầu tiên trên thế giới. Trước khi gửi tặng chính thức, các bức tranh chân dung đặc biệt này được trưng bày trong khuôn khổ chương trình Hội nghị ASEAN 17. Ông Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại & UNESCO, Bộ Ngoại giao cho hay: “Chúng tôi tiếp tục chọn cà phê làm đại sứ ngoại giao của Việt Nam vì cà phê ngày càng khẳng định vai trò là một ngôn ngữ kết nối quan trọng trên thế giới, có thể vượt qua mọi rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo và chính trị". |
Một số hình ảnh khai mạc Hội nghị:
-
X.Linh - Ảnh: Lê Anh Dũng