- Phát biểu của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tại Hội nghị lần thứ 13 Ban chấp hành Trung ương khóa X đã nhận được sự tán thành của rất nhiều bạn đọc.
>> Loạt bài Đóng góp ý kiến cho Đại hội Đảng XI
>> Tâm nguyện gửi Hội nghị TƯ: Mong chọn lãnh đạo xứng tầm
Mạnh dạn tìm người đổi mới
Theo Tổng Bí thư, một trong những phẩm chất các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XI được bầu phải là những người có tầm nhìn chiến lược và tư duy đổi mới.
Bạn đọc nguyentrungdan@... phân tích, "Lâu nay, các tiêu chí lựa chọn nhân sự của chúng ta còn khá chung chung, hoặc do vì giữ bí mật nên ít người biết. Vì vậy, tôi rất phấn khởi và đồng cảm với phát biểu của Tổng Bí thư. Thời đại mới là thời đại của kinh tế tri thức. Nếu không có một tầm nhìn chiến lược và tư duy đổi mới, Đảng sẽ không thể lãnh đạo dân tộc đi đúng định hướng, nắm bắt được thời cơ và hòa vào dòng chảy thời đại. Tôi rất tán thành với lời kêu gọi của các nhân sĩ trí thức là đã đến lúc phải có Đổi mới hai".
Từ TP Hồ Chí Minh, bạn phamquang@... bày tỏ quan điểm "chúng ta đã đi qua một thời kỳ đổi mới kinh tế với những khởi sắc trong hai mươi năm qua. Nhưng thế hệ lãnh đạo của thời kỳ mới không thể chỉ lãnh đạo bằng kinh nghiệm, mà cần phải là những nhà kỹ trị thực sự. Thiếu tầm nhìn và không mạnh dạn đổi mới, e rằng đất nước sẽ lạc hậu".
Bạn Minh Quang (Đà Nẵng) tỏ ra phấn chấn hơn: "Chúng ta kêu gọi chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực lâu nay. Nhưng tất cả sẽ trở nên vô nghĩa nếu không chọn được những người lãnh đạo sáng suốt, vượt lên trên những lối tư duy ngắn hạn. Bài học quá khứ đã cho thấy, mọi thứ đều từ con người, ở tầm nhìn chiến lược mà ra".
Bạn Phan Hà (Đồng Nai) tán thành, "để tiến hành sự nghiệp Đổi mới, không thể không mạnh dạn trao trọng trách cho những người lãnh đạo có tư tưởng Đổi mới".
Không ít độc giả kỳ vọng "dựng" chân dung những vị lãnh đạo có tầm nhìn. Bạn Minh Khang (Hải Phòng) dẫn lại chuyện một vị lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn thản nhiên trả lời báo chí về việc trước mắt cứ cho nước ngoài thuê rừng, còn chuyện 50 năm sau sẽ có đời con cháu lo.
Theo bạn Khang, khi chọn đúng lãnh đạo có tầm nhìn, ắt sẽ không còn những quyết sách nóng vội. Mọi chính sách, đường lối đều phải được nghiền ngẫm và còn có tính dự báo, có giá trị nhiều đời sau.
Bạn Mạnh Hùng (Hà Nội) thì cho rằng, nếu chọn được những lãnh đạo có tầm nhìn, thì sẽ không còn những chuyện dự báo ngắn hạn, tạm thời. Không còn những bản quy hoạch dở dang theo tư duy nhiệm kỳ. Người lãnh đạo có tầm nhìn sẽ dẫn dắt và đưa đất nước đi theo con đường đổi mới.
Mặt khác, người có tư duy đổi mới sẽ là người biết nắm bắt xu thế thời đại, chọn được hướng đi cho dân tộc, biết đi theo xu hướng tiến bộ của nhân loại, của thế giới hôm nay. Họ cũng sẽ là những người biết cởi mở đón nhận những xu thế mới, mạnh dạn đột phá và thử nghiệm chứ không đi vào lối mòn sẵn có.
Tất cả những tiêu chí trên phải được kiểm nghiệm qua thực tế. Những nhà lãnh đạo phải được cọ xát với thực tiễn, trưởng thành từ thực tiễn với những “sản phẩm” cụ thể khẳng định tài năng lãnh đạo của mình, đó chính là thước đo năng lực phẩm chất chứ không phải là những khẩu hiệu, hay hô hào suông, độc giả Trần Minh (Huế) bổ
Tranh cử thực sự để chọn được người tài
Nhưng làm thế nào để chọn được đúng người, không sót lọt nhân tài mới là điều quan trọng.
Về điểm này, bạn Lê Thắng (Lâm Đồng) phân vân: "Để chọn lãnh đạo có tầm nhìn thì Đại hội lần này nên đổi mới cách làm kiểu hình thức như lâu này. Vừa qua chúng ta đã bầu trực tiếp bí thư các tỉnh nhưng vẫn còn hình thức quá. Nếu chỉ đưa ra một người để bầu thì làm sao mà không trúng cử?".
Độc giả từ địa chỉ ntc_info@... cũng trăn trở: "Sắp đến Đại hội Đảng toàn quốc, tôi rất lo ngại về tình hình tiến cử cán sự mới cho nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, phải nói là việc lưa chọn không đơn giản chút nào. Thêm nữa, công tác quy hoạch cán bộ, nhân sự lâu nay tuy nói là "dân chủ công khai" nhưng hầu như được giữ bí mật đến phút cuối cùng. Thời bình, không có gì phải giữ bí mật cả. Càng bí mật, càng khó chọn lựa. Trước mắt, phải có tranh cử, chúng ta sẽ xem họ đưa ra, trình bày những việc làm, kế hoạch mà họ sẽ thực hiện khi nhận chức, phân tích lập luận , thực thi của họ xem có thực tiễn hay không. Nếu họ nói được và làm được nghĩa là thực hiện được 50%... Tôi mong ban nội chính các cấp, các ngành liêm minh chính trực, sáng suốt lựa chọn người có đức có tài. Nếu được như thế thì hệ thống chính trị sẽ rất mạnh vì được mọi người tin yêu".
Theo bạn Nguyễn Hà (Hà Nội), cán bộ lãnh đạo không thể chỉ trông chờ vào riêng chuyện cơ cấu. "Phải có tranh cử công khai, đưa ra nhiều ứng viên cho một vị trí. Chỉ có bầu cử dân chủ, từ dưới lên trên mới chọn được người bản lĩnh thực sự có tầm nhìn, tự tin, và tinh thần tiến công, đổi mới".
Với độc giả chimai@... "khi mà Đại hội ở địa phương đều chọn bầu được người làm bí thư thực sự là con chim đầu đàn có tư duy đổi mới mạnh mẽ cộng thêm việc bố trí đúng cán bộ giữ trọng trách các bộ, các ban của Trung ương có đủ tầm nhìn thì Đại hội XI của Đảng sẽ bầu được một Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, nhất là Tổng bí thư, xứng đáng".
Theo bạn chimai@..., tất cả các cấp ủy đều phải có trách nhiệm tham gia vào quy trình chọn lựa này với ý thức tất cả vì sự nghiệp của Đảng, của dân tộc mà công tâm lựa chọn đúng người, đúng việc. Bởi, Đại hội thành công hay không là ở vấn đề nhân sự chủ chốt.
Hội nghị Trung ương sẽ còn kéo dài đến ngày 15/10. Vì vậy, bạn Phạm Bách (Thanh Hóa) bày tỏ hy vọng, khi hội nghị bàn bàn thảo công tác nhân sự, những gợi ý mang tính định hướng của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh sẽ được thảo luận kỹ, biến thành việc làm và đi vào thực tiễn.
-
Thư Lê