Tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp được Ban chấp hành Trung ương xác định là giải pháp đầu tiên cho 2011.
>> Một bí thư tỉnh ủy bị Trung ương cảnh cáo
>> Tranh cử để có ủy viên Trung ương tầm nhìn chiến lược
>> Tâm nguyện gửi Hội nghị TƯ: Mong chọn lãnh đạo xứng tầm
Cải cách hành chính, đổi mới toàn diện giáo dục
Thông báo của Hội nghị lần thứ 13 Ban chấp hành Trung ương (khóa X) kết thúc hôm qua xác định 3 khâu đột phá cho 5 năm tới.
Đứng đầu các khâu đột phá này là việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính. Kế đó, Ban chấp hành Trung ương yêu cầu 5 năm tới, phải phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới toàn diện nền giáo dục quốc dân. Cuối cùng là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.
3 khâu đột phá này nhằm thực hiện những mục tiêu tổng quát của kế hoạch 5 năm tới: Đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững. Nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chính trị, xã hội ổn định, đồng thuận, dân chủ và kỷ cương.
Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đối với người nghèo, dân tộc thiểu số vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Tạo nền tảng để đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Có 12 nội dung lớn trong định hướng phát triển và cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm tới được Ban chấp hành Trung ương xác định. Đó là:
(1) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm ổn định lành mạnh kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế. (2) Phát triển công nghiệp và xây dựng theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, tạo nền tảng cho một nước công nghiệp. (3) Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững; xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, giàu đẹp. (4) Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là các dịch vụ có giá trị gia tăng cao, tiềm năng lớn và có sức cạnh tranh. (5) Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; hình thành một bước cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại.
(6) Phát triển hài hòa, bền vững các vùng, xây dựng đô thị và nông thôn mới; thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, đồng thời, tạo điều kiện phát triển nhanh hơn các khu vực còn nhiều khó khăn. (7) Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo nhiều việc làm có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tiếp tục thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững. Xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng. (8) Phát triển sự nghiệp y tế, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Nâng cao chất lượng dân số, phát triển thể chất con người. (9) Đổi mới toàn diện và phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. (10) Phát triển khoa học - công nghệ thực sự là động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh, bền vững. (11) Bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. (12) Giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập, nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới.
Một số chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm 2011 - 2015: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7 - 7,5%/năm; GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt khoảng 2.000 USD. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân 7%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 12%/năm, kiểm soát nhập siêu đến năm 2015 còn dưới 15% kim ngạch xuất khẩu. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân khoảng 40% GDP. Giảm dần bội chi ngân sách nhà nước, bình quân 5 năm ở mức dưới 5% GDP, phấn đấu đến năm 2015 còn 4,5%. Giữ mức nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức an toàn...
2011: GDP tăng 7 - 7,5%
Thảo luận về báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2011, Ban Chấp hành Trung ương đánh giá: Năm 2010, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế thế giới, toàn Đảng, toàn dân đã nỗ lực phấn đấu để đạt mức cao nhất các mục tiêu kinh tế - xã hội Đại hội X đã đề ra. Nền kinh tế phục hồi nhanh. Tốc độ tăng trưởng càng về cuối năm càng cao và ổn định hơn, mức tăng GDP cả năm ước đạt 6,7%. Nông nghiệp phát triển ổn định, an ninh lương thực được đảm bảo.
Thông báo của Hội nghị lần thứ 13 Ban chấp hành Trung ương (khóa X) đề ra 6 nhóm giải pháp cần tập trung thực hiện trong năm tới.
Trước hết, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp; thực hiện các biện pháp chính sách tài chính, tiền tệ nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tiếp tục chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; tăng cường các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu, giảm nhập siêu.
Ngoài các giải pháp kinh tế, năm 2011 sẽ được đánh dấu bằng việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách tạo việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước.
Các chỉ tiêu kế hoạch cơ bản được xác định cho năm tới là: GDP tăng 7 - 7,5%; GDP bình quân đầu người khoảng 1.300 USD; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 10%; giảm tỉ lệ nhập siêu xuống dưới 20% kim ngạch xuất khẩu; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 40% GDP; chỉ số tăng giá tiêu dùng khoảng 7%; giảm tỉ lệ hộ nghèo 2% theo chuẩn nghèo mới; bội chi ngân sách nhà nước bằng 5,5% GDP...
Tư duy phát triển KT-XH, phương thức lãnh đạo của Đảng chậm đổi mới, chưa phát huy đầy đủ quyền làm chủ của dân Về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 5 năm 2006 - 2010, Ban Chấp hành Trung ương nhận định, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng; chất lượng tăng trưởng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; kinh tế phát triển chưa bền vững; các cân đối vĩ mô chưa thật vững chắc; sử dụng vốn chưa thật sự hiệu quả; bội chi ngân sách còn lớn; nhập siêu cao; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ; quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản chưa tốt. Môi trường đang bị ô nhiễm. Hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước thấp; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn thiếu đồng bộ; lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế còn nhiều bất cập, một số vấn đề bức xúc chậm được giải quyết. Vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định chính trị - xã hội. Những hạn chế, yếu kém trên, Ban chấp hành Trung ương đánh giá có phần do nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Tư duy phát triển kinh tế - xã hội và phương thức lãnh đạo của Đảng chậm đổi mới. Hệ thống pháp luật và quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập. Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức còn nhiều hạn chế. Tổ chức thực hiện còn nhiều yếu kém. Quyền làm chủ của nhân dân chưa được phát huy đầy đủ. Kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm. |
-
PV-TTXVN