- Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN diễn ra sáng nay (11/10) tại Hà Nội trao đổi tình hình an ninh khu vực cũng như công tác chuẩn bị cho hội nghị giữa ASEAN với 8 đối tác (ADMM+).
Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (trừ Mianma cử Đại sứ tham dự thay) và Tổng thư ký ASEAN.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho hay Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ vào tháng 5 vừa qua tại Hà Nội đã đạt được quyết định quan trọng trong việc hiện thực hóa tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+).
Bộ trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập và hợp tác giữa các quốc gia, khu vực và liên khu vực ngày càng tăng nhằm đối phó hiệu quả hơn với các mối đe dọa an ninh đặc biệt là các mối đe dọa an ninh phi truyền thống đang nổi lên, sự ra đời của một cơ chế hợp tác cấp Bộ trưởng Quốc phòng của các nước ASEAN cùng 8 nước Đối tác đối thoại chủ chốt (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, New Zealand, Úc, Nga, Mỹ) sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì hòa bình và đảm bảo an ninh chung.
Tại hội nghị, các Bộ trưởng đã thảo luận các vấn đề chuẩn bị cho Hội nghị ADMM+ sẽ diễn ra ngày mai tại Hà Nội gồm : thông qua tài liệu đính kèm tài liệu ADMM+: Thể thức và Thủ tục, xem xét chương trình nghị sự và chương trình hoạt động dự kiến của ADMM+, xem xét tài liệu thảo luận của ADMM+ "Tiềm năng, triển vọng và định hướng hợp tác thiết thực trong ADMM+", xem xét dự thảo Tuyên bố chung của ADMM+ lần thứ nhất, khẳng định nước đăng cai Chủ tịch ADMM+ lần thứ hai và bàn giao chức Chủ tịch ADMM giữa Việt Nam và Indonesia.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho hay cơ chế hợp tác ADMM+ đảm bảo lợi ích an ninh mỗi nước đồng thời an ninh chung của khu vực. Hội nghị ADMM+ tại Hà Nội được cho là hội nghị lịch sử bàn về các vấn đề hợp tác, phát triển.
Ông cho hay 5 lĩnh vực hợp tác ưu tiên do ASEAN đưa ra trong khuôn khổ ADMM+ gồm hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, an ninh biển, quân y, chống khủng bố và các hoạt động gìn giữ hòa bình dễ đạt được đồng thuận với các đối tác chủ chốt.
Bộ trưởng cũng khẳng định trong chương trình nghị sự của ADMM+ không bàn về Biển Đông mà Biển Đông sẽ được giải quyết tại diễn đàn khác. Ông khẳng định việc đàm phán liên quan đến vấn đề Biển Đông sẽ được thực hiện thông qua đàm phán hòa bình, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đó là Công ước Luật Biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) được ASEAN và Trung Quốc đã ký kết.
-
X.Linh