- Làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội về tiến độ xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La, ông Nguyễn Hồng Hà, giám đốc Ban quản lý dự án cho hay, đang trình Chính phủ nâng tổng mức đầu tư lên gần 60 nghìn tỷ đồng (vốn đầu tư ban đầu là hơn 36 nghìn tỷ đồng).
Tăng 40%
Con số đã gây chú ý cho đoàn công tác của Ủy ban KHCN&MT trong chuyến khảo sát tại công trường hôm nay (27/9).
Đoàn công tác nghe báo cáo tiến độ. Ảnh: Lê Nhung
Theo giải thích của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nghiêm Vũ Khải, các công trình, dự án quan trọng quốc gia chỉ cần tăng 10% so với tổng mức đầu tư đã phải trình xin ý kiến Quốc hội.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Bùi Thị Bình cũng đề xuất "cần thông tin cụ thể hơn nguyên nhân tăng tiền đầu tư là do giá cả hay vì lý do gì khác".
Đồng tình với đề xuất của Ban quản lý dự án, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Chiến cho rằng nếu có xin tăng cũng phải tính đúng, tính đủ. Chẳng hạn, bao nhiêu phần trăm cho các định mức kỹ thuật, tăng lương... Mặt khác, dự án "thế kỷ" này sẽ lên tới gần 60 ngàn tỷ đồng, cần giải trình chi tiết để "thuận" hơn khi xin ý kiến Quốc hội.
Lý giải nguyên nhân số tiền "đội" lên so với dự kiến, ông Nguyễn Hồng Hà cho hay, số tiền được tính theo với tăng tỷ giá. Quá trình thi công không phát sinh thêm dự án thành phần nào, do đó, đây chỉ là con số tăng thuần túy cơ học. Ông Hà cũng nhanh chóng làm phép tính nhẩm tỷ giá từ năm 2002 so với năm nay.
Tuy vậy, các thành viên trong đoàn đều đồng tình với quan điểm của ông Nghiêm Vũ Khải, đó là cần giải trình kỹ hơn nữa các lý do tăng tiền. Với mức tăng lên tới 40% so với dự kiến ban đầu, dự án sẽ phải trình xin Quốc hội chứ không có chuyện "tiền trảm hậu tấu" đơn giản. Chưa kể, thủy điện Sơn La là một công trình trọng điểm tiêu biểu, gương mẫu.
Vết nứt đã khép lại
Xung quanh việc xử lý sự cố vết nứt đập, ông Nguyễn Hồng Hà cho biết, đây là các vết nứt bề mặt, chiều rộng từ 0,5 - 1,0mm. Sau khi phát hiện, chủ đầu tư cùng với tư vấn đã khảo sát đánh giá nguyên nhân, mức độ ảnh hưởng và đề xuất hướng khắc phục.
Dự án thủy điện Sơn La sẽ hoàn thành vào 2012. Ảnh: Lê Nhung
Theo kết luận của Hội đồng nghiệm thu nhà nước, các vết nứt này không ảnh hưởng đến sự an toàn của đập và cho phép đóng cống dẫn dòng thi công tích nước hồ chứa.
Các vết nứt đã phát hiện vẫn đang tiến hành quan trắc nhưng không phát triển. Chiều rộng vết nứt đang khép lại so với ban đầu. Đập vẫn làm việc bình thường.
Tuy nhiên, ông Đặng Đình Chiến lưu ý, "đây là công trình vĩnh cửu, không nên để xảy ra sơ sẩy bất kỳ lúc nào".
Ông Nghiêm Vũ Khải cũng nhấn mạnh "an toàn phải là mục tiêu số một, cho cả công trình và công nhân".
Dự án nhà máy thủy điện Sơn La khởi công cuối năm 2005, dự kiến phát điện tổ máy số 1 năm nay và hoàn thành toàn bộ dự án năm 2012. Dự án di dân gần 18.000 hộ của 3 tỉnh Lai Châu, Điện Biên và Sơn La ra khỏi vùng ngập.
Tỉnh Sơn La đề xuất tăng mức hỗ trợ sản xuất cho hộ tái định cư từ 7 triệu lên 10 triệu đồng, hỗ trợ lương thực từ 24 tháng lên 36 tháng. |
-
Lê Nhung