Trung Quốc hôm nay (12/9) tiếp tục gia tăng áp lực ngoại giao cấp cao với Nhật Bản xung quanh việc tranh chấp lãnh thổ, cảnh báo Tokyo sẽ chống lại việc làm “sai lầm” do bắt giữ một tàu cá Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp.
Yêu cầu mới nhất của Trung Quốc là một sự leo thang căng thẳng khác trong quan hệ ngoại giao giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á, ngăn chặn nỗ lực dỡ bỏ ngờ vực hai bên tồn tại trong nhiều thập niên qua.
Tàu tuần tra Nhật Bản sau vụ va chạm với tàu cá Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc đã đưa ra lời cảnh báo trên với Đại sứ Nhật Bản tại Bắc Kinh Uichiro Niwa. Đây là lần thứ tư, Bắc Kinh triệu ông Niwa để thể hiện sự phản đối với cách giải quyết của Tokyo về vụ va chạm tàu cá với hai tàu tuần tra Nhật Bản. Theo Tân Hoa xã, ông Đới đã truyền đạt yêu cầu thả thuyền trưởng, thủy thủ đoàn của tàu cá đã bị lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản bắt giữ tại vùng biển tranh chấp tuần trước.
Ông Đới là một trong những lãnh đạo hàng đầu về chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Quốc vụ - còn gọi là nội các chính phủ. "Ông Đới Bỉnh Quốc đã thể hiện sự quan ngại lớn của chính phủ Trung Quốc và thúc giục Nhật Bản không nên phân xử sai lầm với trường hợp này, đồng thời cần thực hiện một lựa chọn chính trị sáng suốt là lập tức thả tàu cá cùng các thủy thủ Trung Quốc”, Tân Hoa xã đưa tin.
Trong lúc đó, hàng chục người biểu tình Trung Quốc đang chuẩn bị lên đường trên một tàu cá tới quần đảo tranh chấp tại Đông Hải, quần đảo Senkaku theo tên gọi Nhật hay Điếu Ngư theo tên gọi Trung Quốc. Theo nhà tổ chức biểu tình Lí Nghi Di Cường, sẽ mất hai ngày để tới quần đảo nếu xuất phát từ thành phố Hạ Môn, họ đã không tìm kiếm sự cho phép của chính quyền địa phương.
Trong khi đó, Đại sứ Nhật Bản Niwa không bày tỏ dấu hiệu nào cho thấy chính phủ của ông có sự nhượng bộ. "Chúng tôi duy trì quan điểm rằng, chúng tôi sẽ hoàn toàn giải quyết vấn đề này một cách chặt chẽ theo đúng luật pháp nội địa", hãng Kyodo dẫn lời Đại sứ Nhật.
Hôm thứ sáu, một tòa án Nhật Bản đã cho phép kéo dài thời gian tạm giam thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc Zhan Qixiong trong 10 ngày. Các công tố viên Nhật cáo buộc Zhan cố ý chống lại tàu tuần tra và chống lại người thi hành công vụ.
Cho tới thời điểm hiện tại, Bắc Kinh và Tokyo vẫn xác định giải quyết tranh chấp bằng con đường ngoại giao và tránh các biện pháp có thể khiến quan hệ hai bên bị đóng băng như vài năm trước đây.
Nhà đầu tư lo lắng
Quan hệ Trung - Nhật căng thẳng có thể lập tức khiến giới đầu tư lo lắng. Dòng chảy thương mại hai quốc gia đang gia tăng về mặt giá trị trong nửa đầu năm nay, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã 4 lần triệu Đại sứ Nhật Bản để phản đối vụ việc.
Trung Quốc cũng đã ngừng kế hoạch đàm phán với Nhật Bản về việc hợp tác phát triển một mỏ khí chung tại biển Hoa Đông và cảnh báo những phản ứng ngược có thể tồi tệ hơn sau đó.
Hôm qua, Nhật Bản đã có cuộc biểu tình chính thức sau khi tàu giám sát hải dương Trung Quốc đã cố gắng chặn một tàu của lực lượng Phòng vệ Bờ biển tại khu vực cách tây bắc đảo Okinawa 208km.
Hôm nay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, việc Nhật Bản cố gắng tạo lại hiện trường vụ việc để tìm bằng chứng là “trái phép, vô ích và không hiệu quả”. "Cách duy nhất để giải quyết vấn đề này là lập tức và vô điều kiện thả tự do cho tàu cùng các thủy thủ”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Dư nói.
Trung - Nhật có nhiều bất đồng trong năm 2005 và 2006, sau đó hai bên cố tìm cách cải thiện quan hệ. Tuy nhiên, cả hai không hề có sự nhượng bộ nào về những bất đồng trong quyền hàng hải.
-
Thụy Phương (Theo AP, Reuters)