Bắt đầu cuộc tập trận trên bán đảo Triều Tiên, đưa ra tuyên bố lợi ích ở Biển Đông, Washington không “ngại ngần” đưa ra thách thức với Bắc Kinh.
>> Ngoại trưởng Mỹ phản đối sử dụng vũ lực ở Biển Đông
>> Bất thường Biển Đông trong nghị trình ASEAN
>> Trung Quốc ’phản kích’ Mỹ về vấn đề Biển Đông
Sau những năm quan sát và không ít lo lắng về sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Đông Á, một “cường quốc cũ” trong khu vực là Mỹ giờ đây đang thực tế hoá những động thái “chọc giận” Bắc Kinh bằng những khẳng định tại hai khu vực tranh chấp liên quan trực tiếp tới Trung Quốc.
Mỹ - Hàn tập trận chống tàu ngầm trên biển. Ảnh: Reuters
Bất chấp phản ứng của Bắc Kinh xung quanh việc triển khai quân sự khá gần vùng biển Trung Quốc, USS George Washington - một tàu sân bay hạt nhân và cũng là một trong những tàu lớn nhất trong hạm đội Mỹ - đã dẫn đầu đội tàu chiến tham gia cuộc tập trận hải quân và không quân với Hàn Quốc bắt đầu từ chủ nhật tại vùng biển phía đông trên bán đảo Triều Tiên. Cuộc tập trận có sự góp mặt của 20 tàu chiến và khoảng 8.000 lính Mỹ, Hàn Quốc cùng 200 máy bay.
Cuộc tập trận với nhiều giai đoạn, sẽ tiếp tục trong vài tuần, có ý nghĩa “cảnh báo và ngăn chặn” Triều Tiên - một đồng minh thân cận với Trung Quốc - sau vụ chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc hồi tháng 3. Trong vụ này, các nhà điều tra quốc tế đổ lỗi cho Bình Nhưỡng. Cuộc diễn tập phô trương lực lượng diễn ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khiến Bắc Kinh tức giận với tuyên bố, giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng tại Biển Đông là “lợi ích quốc gia” của Mỹ.
Mang tên “Tinh thần bất khuất”, cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn đang diễn ra là cuộc tập trận lớn nhất trong nhiều năm nay và được coi là phản ứng sự kiện chìm tàu ngày 26/3. Tới thời điểm này, Bình Nhưỡng vẫn mạnh mẽ phủ nhận liên quan tới vụ việc Cheonan khiến 46 thủy thủ Hàn Quốc thiệt mạng.
Trung Quốc đã phủ nhận kết quả của nhóm điều tra quốc tế về vụ chìm tàu, đồng thời luôn cảnh báo phản đối việc tham gia tập trận của George Washington. Thể hiện sự tôn trọng với Trung Quốc, cuộc tập trận giai đoạn một bắt đầu từ Chủ nhật được thực hiện tại khu vực biển phía đông Hàn Quốc mặc dù quan chức Mỹ - Hàn đều ám chỉ rằng, hoạt động diễn tập ở Hoàng Hải - vùng biển phía tây trên bán đảo Triều Tiên và khá gần với Trung Quốc - sẽ tiến hành sau đó.
So với việc triển khai tàu sân bay Mỹ tại Hoàng Hải trong quá khứ, Trung Quốc giờ đây đã “thẳng thắn” hơn nhiều khi bộc lộ phản ứng với việc Washington điều động tàu sân bay George Washington tham gia cuộc tập trận chung lần này. Trước khi cuộc diễn tập hải quân Mỹ - Hàn diễn ra, Trung Quốc cũng đã có cuộc tập trận hải quân và không quân tại Đông Hải.
“Washington có thể không hiểu rằng, Đông Á ngày nay khác xa so với một thế kỷ trước. Việc trình diễn lực lượng một cách gây hấn chỉ tạo ra nhiều đối đầu, và Mỹ sẽ có nguy cơ sa lầy vào vực thẳm Chiến tranh Lạnh mới”, một bài báo có tiêu đề “Mỹ cần xem lại chiến lược Đông Á” đăng trên tờ Thời báo Hoàn cầu, Trung Quốc cho biết.
Triều Tiên cũng phản ứng mạnh mẽ cuộc tập trận. Thứ bảy tuần trước, thông qua hãng thông tấn chính thức, nước này đã cảnh báo sẽ đáp trả “với khả năng ngăn chặn hạt nhân hùng mạnh”. Bình Nhưỡng đã tiến hành hai cuộc thử nghiệm hạt nhân kể từ năm 2006.
Cuộc diễn tập hải quân Mỹ - Hàn bắt đầu sau hai ngày khi Ngoại trưởng Mỹ đề cập tới “lợi ích quốc gia” trong cuộc họp với người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN. Mỹ đề xuất xây dựng một cơ chế quốc tế làm trung gian giải quyết những tranh chấp trong tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
“Mỹ có một lợi ích quốc gia trong tự do hàng hải, tiếp cận mở với hàng hải của châu Á nói chung và tôn trọng luật pháp quốc tế tại Biển Đông”, bà Clinton tuyên bố tại Hội nghị ASEAN tổ chức ở Hà Nội. Giới phân tích quân sự nhiều lần đề cập tới khả năng Trung Quốc không ngừng gia tăng lực lượng hải quân và có thể sử dụng sức mạnh để chiếm giữ vùng biển giàu tài nguyên dầu khí, đồng thời sở hữu những tuyến đường vận chuyển thương mại nhộn nhịp nhất thế giới.
Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ vào thứ sáu tuần trước bình luận, hải quân Trung Quốc gần đây được cho là “có cách tiếp cận mạnh mẽ hơn nhiều” về Biển Đông và các vùng biển khác mà Bắc Kinh tuyên bố là chiến lược hay lợi ích kinh tế. Ông cho hay, sau tốc độ gia tăng quân sự nhanh chóng của Trung Quốc vài năm gần đây, ông đã chuyển từ “hiếu kỳ tìm hiểu đích đến của Trung Quốc sang lo lắng về nó”.
Bắc Kinh gần đây đã tuyên bố Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của họ. “Mỹ không nên quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, điều này chỉ làm tồi tệ thêm vấn đề và phức tạp tình hình”, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì nói trong một tuyên bố đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm chủ nhật.
-
Thái An (Theo globeandmail)