Với việc Trung Quốc vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai sau Mỹ, kinh tế thế giới đã trải qua sự chuyển dịch lần thứ hai trong cán cân quyền lực kể từ 1945.
Trong khi Mỹ vẫn tiếp tục dẫn dắt kinh tế toàn cầu, thì vị trí thứ hai lại là một “đấu trường” đua tranh, nơi của những “cuộc chiến ngầm” về lộ trình hiệu quả nhất tới tăng trưởng cao.
Trung Quốc vượt Nhật trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ảnh: chinastockguru
Không lâu sau chiến tranh, hỗ trợ của Mỹ đã giúp cả Đức và Nhật Bản tham gia cuộc đua giành ngôi á quân này. Công nghiệp và cơ sở hạ tầng Đức đã bị tàn phá vì bom liên minh. Phép màu nhiệm của Đức trong thập niên 1950 đã đưa nước này vươn lên vị trí thứ hai trong nền kinh tế thế giới là không quá bất ngờ; Đức là một nền kinh tế tiên tiến từ trước chiến tranh.
Thăng trầm Nhật Bản
Phép màu kinh tế Nhật Bản thực chất không nằm ngoài guồng quay ấy. Một nền kinh tế bị phá vỡ và cũng được Mỹ giúp đỡ tái thiết, nhưng vào cuối thập niên 1950, đầu 1960, chính phủ Nhật đưa ra nền tảng cho mô hình mới gọi là tăng trưởng theo kiểu “gấp đôi thu nhập” thông qua mối quan hệ khá chặt chẽ giữa chính phủ và công nghiệp. Biểu tượng là MITI - Bộ Thương mại quốc tế và Công nghiệp Nhật Bản cũng như các tập đoàn công nghiệp gọi là keiretsu.
Trong suốt những năm 60, kinh tế Nhật luôn mở rộng, nhưng “cú sốc dầu mỏ” thập niên 1970 đã “khuấy động” phép màu kinh tế Nhật dựa trên sự tăng trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu. Nhật Bản thế chân Đức, trở thành nền kinh tế quan trọng thứ hai thế giới sau Mỹ.
Với giá dầu tăng vọt và yêu cầu bảo tồn năng lượng, các hãng ô tô Nhật Bản đã nhanh chân tiếp cận người tiêu dùng phương Tây trong sản phẩm ô tô giá rẻ và tiết kiệm nhiên liệu. Cùng lúc đó, thị trường điện tử tiêu dùng bắt đầu có dấu hiệu bùng nổ thay thế máy móc Mỹ và Đức.
Sự thành công khổng lồ của Nhật ở vai trò là nền kinh tế hướng xuất khẩu được dự đoán chuyên về các sản phẩm công nghệ từ siêu tàu chở dầu tới xe hơi và đĩa máy tính. Cơ cấu tổ chức của nó cũng khá độc đáo: MITI tích cực “bọc lót, hỗ trợ” cho các tập đoàn công nghiệp bởi hệ thống ngân hàng và một thực tế “cho vay quá mức”.
Mối quan hệ giữa chính phủ (MITI), các ngân hàng và tập đoàn công nghiệp đã hình thành một lực lượng có sức mạnh cực lớn cho tăng trưởng hướng xuất khẩu trong suốt hai thập niên đến đầu những năm 1990. Tuy nhiên, sau đó, khi bong bóng bất động sản xì hơi, Nhật Bản bắt đầu đi vào con đường suy giảm không thể tránh khỏi.
Cách tiếp cận Trung Quốc
Sự “thăng tiến” của Trung Quốc đến vị trí hiện tại cũng dựa trên những thu nhập khổng lồ từ xuất khẩu. Nhưng khác với Nhật Bản, nước này không đi chuyên về xuất khẩu công nghệ. Trung Quốc tập trung vào mọi thứ, thu hút lao động giá cực rẻ vào các đặc khu kinh tế - trung tâm tăng trưởng, với tất cả các vị trí chiến lược như dọc các con sông hay vùng duyên hải.
Trong tiến trình này, Trung Quốc đã đi đường vòng, bỏ lại những vùng nội địa rộng lớn vẫn còn kém phát triển, họ tiêu hao ít nhiên liệu hơn, và vận chuyển mọi thứ sản xuất được đến Mỹ cũng như châu Âu, từ găng tay cao su đến chíp máy tính…
Nhưng khác với Nhật Bản - vẫn còn theo đuổi cách thức “khép cửa” kinh tế với nhập khẩu hàng hoá và đầu tư, Trung Quốc hoan nghênh cả hai và thậm chí nhiều tới mức giờ đây, nước này trở thành nhà nhập khẩu ô tô lớn nhất thế giới. Các công ty nhanh chóng lao tới vùng duyên hải, nơi có cơ sở hạ tầng và làn sóng lao động rẻ tới từ nông thôn.
Và khác với “con cưng” keiretsu của Nhật, Trung Quốc tạo ra một mô hình chủ nghĩa tư bản nhà nước để khuyến khích sự tiếp cận toàn cầu trên cả phương diện xuất khẩu, nhập khẩu nguyên liệu thô, đặc biệt là kim loại và dầu mỏ.
Trong khi phần còn lại của thế giới tiên tiến chìm vào suy thoái và giá cả hàng hoá sụt giảm, Trung Quốc lao vào cuộc mua sắm hàng hóa giá rẻ để dẫn dắt lộ trình thương mại tiếp theo. Trong cuộc mặc cả thương lượng ấy, Trung Quốc tự tìm được thiện chí và sự đón nhận vì họ chống đỡ cho các quốc gia xuất khẩu hàng hóa.
Ấn Độ có nên đi theo mô hình tăng trưởng của Trung Quốc như họ từng nghĩ có thể làm như vậy với Nhật Bản vài thập niên trước? Đài Loan và Hàn Quốc liệu có thể chỉ là một bản sao con đường mà người Nhật đã đi tới thịnh vượng? Đông Á đang trong quá trình phục hồi nhưng khá thận trọng, dè dặt.
Lịch sử cho thấy, nếu mô phỏng phương thức tiếp cận sẽ làm hạn chế giá trị của một xã hội đầy tham vọng vươn lên; nó phớt lờ sự phức tạp của các thể chế và cơ cấu trong các xã hội khác nhau và không hề tính tới thực tế là hầu hết các nhà cải cách chưa bao giờ hoàn toàn phá bỏ con đường của chính mình.
Theo đó, cách tốt nhất có thể học, cần học là chính kết quả cũng như hậu quả của cả Nhật Bản và Trung Quốc hiện tại.
-
Thái An (Theo istockanalyst)