- Khu vực trung tâm TP.HCM sắp trở nên “nghẹt thở” khi hàng loạt công trình cao ốc văn phòng mọc lên chi chít. Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẳng định các dự án nhà cao tầng đều được xem xét kỹ và… phù hợp quy hoạch
>> Sở có 10 giám đốc cũng không ’xử’ nổi nạn kẹt xe
Ngày 6/7, phiên họp HĐND TP.HCM “nóng’ bởi những câu hỏi chất vấn của các ĐB về các vấn đề quy hoạch nhà cao tầng, kẹt xe, các dự án trọng điểm…
Đô thị “nén” bởi nhà cao tầng
Theo ĐB Nguyễn Minh Hồng, nhà cao tầng mọc lên ở các tuyến đường nhỏ hẹp khiến tình trạng ùn ứ giao thông đang ở mức báo động. “Không biết TP quy hoạch nhà cao tầng theo mô hình nào: đô thị “nén” ở New York hay Thượng Hải, với nhà cao tầng như những que tăm mọc chi chit cắm trên chiếc bánh ngọt?”.
Theo Sở Xây dựng, từ năm 2008 đến nay, có 114 cao ốc được xây dựng với tổng diện tích hơn 1,3 triệu m2. 3/4 trong số này nằm ở quận 1 và 3. |
ĐB Nguyễn Thế Thanh đưa ra ví dụ về tuyến đường trung tâm - biểu tượng của TP như Đồng Khởi, Lê Duẩn đang bị cao ốc “lấn át”. Ngay Nhà hát lớn TP cũng bị khách sạn Caravelle che khuất tầm nhìn. “Xin hỏi lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc đang quy hoạch TP.HCM như thế nào?”
Hội trường càng “nóng” hơn khi ĐB Nguyễn Minh Hồng thẳng thắn: “Có hay không áp lực thư tay, điện thoại đối với Giám đốc Sở khi duyệt các dự án cao ốc?".
Ở khía cạnh khác, ĐB Huỳnh Công Hùng hỏi về xử lý vi phạm của các dự án. Năm ngoái và 6 tháng đầu năm nay, có bao nhiêu công trình vi phạm đã bị xử lý?
Theo quy định, nhà từ 9 tầng trở nên gọi là cao ốc. Số tầng càng nhiều thì chỗ để xe và khoảng lùi trước mặt cao ốc càng rộng. Nhưng thực tế một số khu vực Parkson, đường Lê Thánh Tôn… người đến mua sắm, xe taxi dừng đậu tràn ra hai bên đường khiến người đi bộ không còn lối đi, vỉa hè bị chiếm dụng.
TP.HCM hiện có hơn 1.000 dự án nhà cao tầng. |
Ngược với các câu hỏi bức xúc của đại biểu là cách trả lời chung chung kiểu “trả bài” của Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Trần Chí Dũng. Theo ông Dũng, quy trình cấp phép và thẩm định dự án cao ốc văn phòng, các nhà đầu tư muốn đăng ký xây dựng cần phù hợp với quy hoạch 1/2.000 của quận và địa phương.
Ông Dũng khẳng định: “Việc phát triển cao ốc nhất thiết phải có sự kiểm soát chặt chẽ, phải phù hợp với quy hoạch được duyệt. Một số dự án nhà cao tầng chúng tôi còn trình Hội đồng Kiến Trúc TP xem xét”.
“Nếu Giám đốc Sở cho rằng các dự án cao ốc đều không có sai phạm thì Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP khẳng định sẽ giám sát các dự án này” - ĐB Hùng, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách đáp lại.
Sẽ cấm xe gắn máy một số tuyến đường
Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Trần Chí Dũng.
Theo ĐB Võ Văn Sen, muốn giảm tình trạng kẹt xe như hiện nay, TP phải cấm xe cá nhân. “Chúng ta phải làm gì đi chứ? Cứ hết kỳ họp này qua kỳ họp khác, đến khi ông Giám đốc Sở hết nhiệm kỳ mà vấn đề kẹt xe, cấm xe cá nhân vẫn chưa được giải quyết” - ĐB Sen bức xúc nói.
Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Phượng nhẹ nhàng trả lời: "Hạn chế xe cá nhân chỉ là một trong nhiều giải pháp chống kẹt xe. Chúng tôi sẽ nghiên cứu cấm xe gắn máy ở một số tuyến đường, dành đường riêng cho người đi bộ… Sở sẽ phối hợp với Sở Tài chính tăng phí đăng ký, phí lưu hành đối với xe gắn máy".
ĐB Nguyễn An Bình cho biết các TP trên thế giới dân số hơn 5 triệu dân là đã có hệ thống đường trên cao, metro: “Chưa thấy TP nào như TP.HCM hơn 7 triệu dân mà chỉ có duy nhất đường dưới mặt đất. Ở Quảng Châu, Trung Quốc cách đây 5 năm đã có đường trên cao lên đến tầng thứ 5. Hiện họ đang xây đường trên cao ở tầng thứ 8, còn TP ta, các dự án đường trên cao vẫn nằm trong… quy hoạch” .
Sở GTVT sẽ nghiên cứu cấm xe gắn máy lưu thông trên một số tuyến đường |
Giải thích vấn đề này, ông Phượng cho biết, quy hoạch đường trên cao của TP với 4 tuyến theo các hướng đông, tây, nam, bắc đều đã có, hệ thống tuyến metro, xe điện mặt đất… cũng đang được triển khai.
Còn Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân khẳng định, trong kỳ họp Đại hội Đảng bộ TP tới đây, đề án chống ùn tắc giao thông, ngập nước sẽ được đưa vào làm mục tiêu trọng điểm mà TP phải thực hiện trong 5, 10 năm tới.
ĐB Nguyễn Đăng Nghĩa băn khoăn "142 tỷ đồng mà ngân sách TP ứng ra để sửa chữa hầm chui Văn Thánh trên đường Nguyễn Hữu Cảnh nay đã được thanh toán lại?". Còn ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng cần quy trách nhiệm cho các cá nhân, đơn vị để họ bồi thường.
7 - 8 năm sau sự cố lún nứt hầm chui Văn Thánh, đường Nguyễn Hữu Cảnh bị hư hỏng nghiêm trọng… con đường này vẫn tiếp tục cần thêm tiền để sửa chữa. “Liệu với 100 - 300 tỷ có xử lý triệt để hư hỏng trên tuyến đường này? Ai là người chi tiền hay lại rút ra từ ngân sách?”, ông Nghĩa đặt vấn đề. |
-
Thái Phương