Thái Lan và Việt Nam, hai nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đang đối mặt với tình trạng khô hạn nghiêm trọng ảnh hưởng lớn tới thu hoạch trong năm và cung cấp lương thực toàn cầu.
Thay đổi khí hậu và El Nino được cho là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng thời tiết nóng khác thường, thiếu mưa ngay khi mùa mưa nhiệt đới kết thúc năm ngoái.
Ảnh: thailand-business-news
Thời tiết không thuận lợi và dự trữ gạo mức thấp cũng đóng góp vào tình trạng thiếu lương thực trong khu vực năm 2008. Giá gạo sau đó tăng hơn 1.000 USD/tấn và nhiều quốc gia xuất khẩu buộc phải hạn chế bán lương thực ra nước ngoài nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước. Ở khắp châu Á, sản xuất gạo được cho là sẽ tăng hơn nhiều trong năm nay trước khi những dấu hiệu khô hạn trở nên rõ ràng hơn.
Với Thái Lan - chiếm khoảng 1/3 xuất khẩu gạo toàn cầu, các nhà phân tích tạm thời dự đoán sụt giảm ít nhất 1 triệu tấn. Ngày 4/6, quan chức Thái Lan tuyên bố 53 tỉnh là vùng thảm họa do thiếu nước nghiêm trọng. Cơ quan giảm nhẹ và ngăn chặn thảm họa thuộc Bộ Nội vụ nước này cho hay, gần 6,5 triệu người chịu tác động bất lợi của khô hạn.
Các tỉnh phía bắc, đông bắc bị ảnh hưởng nặng nề nhất, ước tính 58.300 ha đất trồng bị hư hại (theo thống kê chính thức). Ngoài gạo, mía đường, ngô, sắn, cao su và thu hoạch rau quả cũng bị ảnh hưởng.
Một báo cáo do cơ quan Tài nguyên nước Thái Lan đưa ra trong tháng 5 cho biết, mức nước sụt giảm nghiêm trọng diễn ra ở hầu hết lưu vực sông ngoại trừ sông Chao Phraya ở miền trung và sông Mae Khlong ở tỉnh phía tây Kanchanaburi. Mực nước sông thấp trầm trọng là dấu hiệu khi một con sông có lượng nước chưa đầy 10% sức chứa của nó.
Thiếu mưa và mực nước thấp ở hệ thống nhánh sông đã dẫn tới tình trạng khô kiệt hồ chứa nước, với các đập thủy điện ở phía bắc và đông bắc chỉ còn 32% và 34% sức chứa. Một số đập đã ngừng xả nước vùng hạ nguồn cho tưới tiêu nông nghiệp để phục vụ nhu cầu phát điện cần thiết. Khoảng 70% tổng nguồn cung cấp nước của Thái Lan được sử dụng cho nông nghiệp.
Chính quyền ở khu vực đập Lam Takhong tại tỉnh Nakhon Ratchasima đã ngừng xả nước cho tưới tiêu vào tháng 6 và đập thủy điện này giờ đây chỉ hoạt động ở mức 29% công suất. Tại đập Queen Sirikit - con đập lớn nhất Thái Lan ở tỉnh phía bắc Uttaradit - mức nước xuống thấp nhất trong vòng 18 năm. Một số nhà quan sát tin là tình trạng thiếu nước có thể tiếp tục kéo dài sang năm 2011.
Thái Lan sản xuất khoảng 20 triệu tấn gạo hàng năm với hai hay nhiều mùa thu hoạch, một nửa trong số này để xuất khẩu. Chính phủ dự trữ khoảng 10% thu hoạch nhằm ổn định giá và giải quyết tình trạng thiếu lương thực nếu xảy ra thất bát.
Chính phủ Thái Lan đã yêu cầu nông dân trồng lúa hoãn thời gian gieo trồng cho mùa chính năm nay trong một tháng cho tới khi mùa mưa dự báo bắt đầu vào tháng 7. Tuy nhiên, nhiều nông dân đã bỏ qua khuyến cáo này và bắt đầu gieo trồng trong tháng 6 trong điều kiện thời tiết khát cháy. Hàng triệu nông dân trồng lúa quy mô nhỏ đã bị ảnh hưởng.
Sản lượng gạo của Thái Lan được dự báo giảm từ 8,4 triệu tấn năm ngoái xuống còn 7 triệu tấn năm nay.
Giá gạo của Thái Lan được coi là giá chuẩn ở châu Á, nhưng gần đây sụt giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hai năm do nhu cầu xuất khẩu giảm mạnh. Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo của nước này giảm 5,2% xuống còn 3,4 triệu tấn so với cùng kỳ 2009. Việc rất nhiều nhà giao dịch lúa gạo hàng đầu thế giới có trụ sở ở châu Âu - châu lục đang lao đao trong cuộc khủng hoảng nợ, giảm giá đồng euro với đồng đô la Mỹ cũng đã ảnh hưởng tới giao dịch hàng hóa này.
Thái Lan đã đưa ra kế hoạch bảo đảm giá trong tháng 5 để giúp cho nông dân đối phó với tình trạng giá lúa gạo sụt giảm dưới một mức tối thiểu. Chính phủ cũng có dự kiến trợ cấp cho nông dân. Các báo cáo cho thấy, Bộ Nông nghiệp đang cân nhắc kế hoạch cung cấp 1.000 1.000 baht (30 USD) tiền mặt cho nông dân chịu ảnh hưởng khô hạn.
Thủ tướng Thái Lan không đồng ý với kế hoạch này khi cho rằng, hỗ trợ sản xuất và nguyên vật liệu thích hợp hơn cung cấp tiền mặt. Ngày 22/6, ông tuyên bố chương trình giảm nợ mới dự định áp dụng với khoảng 900.000 nông dân vùng khô hạn. Theo đó, nông dân được miễn trả tiền lãi trong vòng một tháng rưỡi, và hoãn trả nợ gốc trong một tháng.
Ở Việt Nam, khô hạn được coi là tồi tệ nhất trong một thế kỷ khi lượng mưa rất ít ỏi ở khắp đất nước kể từ tháng 9 năm ngoái. Sông Hồng ở phía bắc có mực nước thấp kỷ lục, nhưng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là tiểu vùng Mekong - vựa lúa chính của Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong tháng 3 ước tính, 100.000 ha tiểu vùng bị khô hạn đe dọa.
Lượng mưa thấp dẫn đến tình trạng gia tăng muối hóa trong tiểu vùng Mekong, đặt mùa màng và đất trồng trong nguy cơ nhiễm mặn cao. Hệ thống hồ chứa đập thủy điện cũng ở mức nước thấp kỷ lục.
-
Thái An (Theo Atimes)