Với Đề cương quốc gia về cải tổ và phát triển giáo dục trung và dài hạn được Bộ Chính trị nước này đưa ra vào tháng 6, Trung Quốc sẽ không còn trông chờ vào nguồn cung cấp lao động rẻ để tăng trưởng kinh tế.
Ở Trung Quốc, thi cử có ý nghĩa tối quan trọng. Học sinh phải học thuộc lòng mọi thông tin để vượt qua các kỳ kiểm tra chính, mà lớn nhất là tham gia vào "cuộc chiến thi cử" gọi là Cao Khảo - tuyển sinh đại học.
Chính kiểu giáo dục tập trung vào thi cử là nhân tố lớn nhất đóng góp vào tỉ lệ bỏ học của Trung Quốc - các chuyên gia giáo dục cho biết. Theo một báo cáo đưa ra hồi tháng 5, tỉ lệ bỏ học ở một số khu vực nông thôn tới 40% (mặc dù thống kê chính thức của Bộ Giáo dục Trung Quốc là 5% tại khu vực thành phố và 11% ở nông thôn).
Ảnh: slate
Báo cáo dựa trên một nghiên cứu của Học viện Giáo dục nông thôn tại Đại học Thường thức Đông Bắc.
Nghiên cứu tiến hành thăm dò thực trạng tại 17 trường trung học tại 14 huyện thuộc 6 tỉnh cho thấy, thậm chí ở một khu vực tương đối phát triển, tỉ lệ bỏ học đôi khi đạt tới 40%. Và tình trạng "mệt lử trường học" - mệt nhọc và không hứng thú do cách học vẹt và nhồi nhét gây ra - là một trong những nhân tố gây nên thực trạng này.
"Giáo dục nặng về thi cử đã gây quá nhiều áp lực cho học sinh", Đào Hồng Khai, một giáo sư xã hội học của một trường đại học Trung Quốc nhấn mạnh. Ông Đào - người có kinh nghiệm lâu năm trong giáo dục trung học tại Mỹ - hiện là giám đốc trung tâm nghiên cứu chất lượng giáo dục của trường này. "Học sinh cảm thấy có một số kỳ thi rất khó và cũng nhận thức rằng, nó không có ích trong đời sống thực tế. Các em mất đi hứng thú dẫn đến quyết định bỏ học".
Một cuộc thăm dò năm 2009 cho biết, 50,4% học sinh trung học trải qua tình trạng "mệt mỏi học đường" tại Trung Quốc. Các nhà chuyên gia giáo dục đổ lỗi về phương pháp đào tạo gây nên việc này, đặc biệt là cách nhồi nhét kiến thức và tập trung lớn vào điểm số trong thi cử. Một nhà giáo công khai cho chỉ trích phương pháp giáo dục hiện tại ở Trung Quốc: "Học sinh học thuộc lòng còn trường học là nơi tốt nhất khiến học sinh mất hứng thú và không thích học tập".
Cải cách giáo dục đã trở thành ưu tiên hàng đầu với chính phủ Trung Quốc. Kể từ giữa những năm 1990, hệ thống giáo dục trung học đã được kiểm tra toàn bộ cùng với những cấp học cao hơn như hệ thống trường cao đẳng và đại học.
Trong tháng 6, Bộ Chính trị Trung Quốc đã đưa ra Đề cương quốc gia cho cải tổ và phát triển giáo dục trung và dài hạn. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh, giáo dục là chìa khóa để phát triển xã hội, đồng thời cam kết cải tổ chất lượng cũng tiếp cận giáo dục trong thập niên tới.
Đề cương đưa ra những trọng tâm trong mục tiêu chiến lược giáo dục của Trung Quốc đến trước 2020, nhấn mạnh cải tổ kỳ thi đại học hàng năm, yêu cầu các trường trung học, cao đẳng và đại học thông qua các chính sách tuyển sinh linh hoạt hơn. Đồng thời cam kết sẽ đảm bảo cách tiếp cận công bằng trong giáo dục trong khi cải tổ chất lượng và cân bằng phát triển giáo dục phổ cập giữa khu vưc nông thôn - thành thị.
Năm 2009, chính phủ Trung Quốc đã thông qua quỹ giáo dục trị giá khoảng 198 tỉ nhân dân tệ (21,19 tỉ USD). Khoảng 28,7 triệu trẻ em từ các gia đình nghèo đã được nhận hỗ trợ tài chính học tập. Trung Quốc có kế hoạch gia tăng tỉ lệ chi phí giáo dục so với GDP lên 4% vào năm 2012 thay vì 3,48% năm 2008.
"Bằng cam kết gia tăng chi tiêu công cho giáo dục và thúc đẩy phân bổ công bằng nguồn tài nguyên giáo dục, Đề cương đưa ra một nền tảng vững chắc để Trung Quốc phát triển sâu tập trung vào nhân lực", Tân Hoa xã khẳng định. "Trung Quốc sẽ không còn trông chờ vào nguồn cung cấp lao động rẻ để tăng trưởng kinh tế".
Dương Đông Bình, một giáo sư tại Học viện Công nghệ của Trường Khoa học xã hội - nhân văn và Chủ tịch Học viện Nghiên cứu giáo dục thế kỷ 21, cho hay, kế hoạch phát triển giáo dục của chính phủ sẽ tạo điều kiện thiết lập một tư tưởng giáo dục mới ở Trung Quốc. Theo ông, các phương pháp giáo dục thực nghiệm đang được thử nghiệm ở Trung Quốc - như trường hợp ở tỉnh Sơn Đông, nơi giáo viên dạy học sinh cách tự học, và chỉ giúp đỡ khi học sinh yêu cầu.
Tuy nhiên, theo ông Đào, cải cách giáo dục thực sự ở Trung Quốc sẽ là khó khăn. Quan chức giáo dục nhận sứ mệnh cải tổ cùng một hệ thống mà họ tốt nghiệp từ đó, và xung quanh công nghiệp giáo dục là ngành kinh doanh sinh lời.
-
Thái An (Theo Atimes)