Bá chủ: Đích tới của hải quân Trung Quốc (phần 2)
Phần tiếp theo bài viết của tác giả James Kraska, cựu chuyên gia tư vấn về chính sách và chiến lược của Hội đồng Tham mưu trưởng quân đội Mỹ.
Năm ngoái, Trung Quốc giữ 33 tàu cá của Việt Nam cùng 433 thuỷ thủ gần quần đảo Hoàng Sa. Vào ngày 10/4 năm nay, xa hơn ở phía bắc, một đội tàu 10 chiếc của Trung Quốc bao gồm hai tàu ngầm đã đi qua khu vực giữa đảo Okinawa và Miyakojima. Vụ việc này chỉ diễn ra sau hai ngày khi một trực thăng Trung Quốc lượn ngay trên đầu một tàu khu trục của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (MSDF).
Sau đó, ngày 13/4, một tàu khu trục của Hải quân Trung Quốc đã trình diễn khả năng triển khai hoả lực, “doạ” một máy bay MSDF P-3C cuả Nhật khi ấy đang thực hiện sức mệnh tuần tra thông thường trong không phận quốc tế.
Tàu ngầm lớp Nguyên của Trung Quốc. Ảnh: Chinese Military Aviation
Những tranh cãi, đụng độ hàng hải trên đã trở thành nền tảng, hay đúng hơn là minh chứng cho những thập niên gia tăng sức mạnh của hải quân Trung Quốc, cho những tuyên bố chủ quyền không khoan nhượng, không mệt mỏi của Bắc Kinh.
Nỗ lực to lớn của Trung Quốc trong việc sẻ chia các đại dương thành những khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của họ là một trò chơi nguy hiểm, thậm chí có thể gây ra một cuộc chiến hải quân. Và Mỹ không thể đứng bên ngoài.
Điều này không còn gì là mới mẻ. Cuộc chiến đầu tiên được tiến hành bởi một nước Mỹ độc lập liên quan tới vấn đề tự do hàng hải - cuộc chiến 1798-1800 Quasi với Pháp. Tiếp đến là Cuộc chiến Barbary thứ nhất năm 1804; rồi Chiến cuộc 1812 và Cuộc chiến Barbary lần thứ hai. Trong mỗi cuộc xung đột, vấn đề chính của Mỹ là đảm bảo quyền tự do hàng hải. Cũng như vậy, chính vấn đề tự do hàng hải đã phần nào khiến Mỹ hấp tấp lao vào hai cuộc chiến tranh thế giới…
Trung Quốc đã trải qua một tiến trình thần kỳ trong sự bền bỉ và kiên trì để chuyển từ mô hình lực lượng phòng vệ bờ biển lỗi thời của những năm 1950 đến một hạm đội biển cả ngang sức ngang tài. Trung Quốc đã không ngại ngần trình diễn các hệ thống mới nổi và hiện đại. Đầu tiên, nước này đang thúc đẩy việc phát triển loại vũ khí mới - tên lửa đạn đạo đối hạm DF-21 - được thiết kế đặc biệt để gây nguy hiểm cho các tàu trên vùng biển lớn. DF-21 sẽ được trang bị hệ thống do thám hàng hải, có thể được sử dụng để tấn công tàu chiến di động trên biển.
Điều này khác hẳn với mọi nguy cơ mà Hải quân Mỹ từng phải đối mặt.
Thứ hai, là quyết tâm của Trung Quốc sau khi trải qua những phút “lúng túng” vào năm 1996, thời điểm Trung Quốc thực hiện nhiều vụ thử tên lửa gần Đài Loan, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã “thị uy” bằng việc điều động hai hải đội tàu sân bay Nimitz và Independence triển khai trong khu vực. Kể từ đó, Trung Quốc theo đuổi một chương trình xây dựng hạm đội tàu mạnh, hướng tới phát triển tàu sân bay.
Trong lúc Mỹ chỉ dành 26% ngân sách quốc phòng cho hải quân và lực lượng lính thủy đánh bộ, thì Hải quân Trung Quốc chiếm hơn 33% chi tiêu quốc phòng nói chung.
Đội tàu của Trung Quốc hiện có khoảng 260 tàu với 75 tàu chiến lớn và hơn 60 tàu ngầm, toàn bộ lực lượng này lại được phụ trợ bởi hàng trăm tên lửa trang bị trên các tàu tuần tra xa bờ và máy bay xuất phát từ đất liền.
Hãy làm phép so sánh. Khi Trung Quốc không ngừng gia tăng sức mạnh hải quân thì lực lượng chiến đấu của Hải quân Mỹ đã giảm 20% kể từ năm 2001. Hải đội Mỹ với 11 tàu sân bay, 31 tàu chiến đổ bộ, 48 tàu ngầm, 88 tàu chiến trên mặt nước… và lực lượng này bị dàn mỏng ở khắp thế giới.
Mỹ tin rằng, họ có thể “gần như hiện diện” ở khắp mọi nơi, và sau đó tập trung dồn lực lượng trong điều kiện xảy ra một cuộc khủng hoảng. Nhưng niềm tin ấy là thiếu thực tế, và Mỹ dường như phải ngầm công nhận rằng, Hải quân với gần 600 tàu những năm 1980 đã không thể duy trì số lượng dù chỉ là một nửa.
Trong tháng 2, Trung tâm Phân tích hải quân đưa ra một báo cáo nhấn mạnh: Hải quân Mỹ đang dần từ bỏ vị trí siêu cường hàng hải. Và rằng, Mỹ đang “ảo tưởng” khi nghĩ có thể duy trì quyền kiểm soát biển ở châu Á.
Thứ ba, Trung Quốc đã lặng lẽ phát triển AIP - một hệ thống giúp tàu ngầm chìm sâu hơn trong nước và không bị phát hiện trong một khoảng thời gian dài - cho loại tàu ngầm lớp Nguyên 041. AIP kéo dài khả năng chìm dưới nước của tàu từ vài ngày tới một tháng, đảm bảo cho tàu ngầm chạy hết tốc lực dưới nước, gia tăng đáng kể bán kính tấn công. Trong một vụ việc vào tháng 10/2006, một tàu ngầm lớp Tống AIP đã nổi lên ngay trong khu vực bảo vệ của tàu sân bay USS Kitty Hawk.
Thứ tư là vị trí địa lý của Trung Quốc với hệ thống đường dây thông tin ngắn và đảm bảo.
Cách hành xử của Trung Quốc giống như một nhóm thiếu niên bước vào tuổi dậy thì hừng hực sức mạnh và năng lượng. Trong khi đó, Mỹ lại oằn mình với gánh nặng thâm hụt ngân sách, và một mình lực lượng hải quân khó có thể đạt mục tiêu “hiệu chuẩn’’ lại cán cân sức mạnh biển.
Đánh giá trên dẫn tới hai kết quả. Đầu tiên là Trung Quốc sẽ đạt mục tiêu trở thành cường quốc bá chủ châu Á, không chỉ đất liền mà còn ở Tây Thái Bình Dương. Thứ hai là khả năng các quốc gia khác - đi đầu là Nhật Bản và Ấn Độ cùng nhiều nước trong khu vực sẽ bắt đầu nghĩ tới việc tập hợp các biện pháp để có thể cân bằng sức mạnh đang ngày một gia tăng từ Bắc Kinh.
-
Thái An (Theo diplomat)