Hải quân Trung Quốc và tư duy chế ngự biển khơi

Cập nhật lúc 05:51, 29/04/2010 (GMT+7)

Chỉ 50 năm trước đây, Trung Quốc là nước đang phát triển. Hiện tại, nước này thách thức Mỹ về kinh tế, thậm chí có thể cả quân sự.

Đã có thời, các nhà sư phạm Anh dạy mọi học sinh tới trường rằng: “Nước Anh chế ngự biển khơi, người Anh không bao giờ là nô lệ, thuộc địa Anh trải rộng khắp nơi”. Và, quân sự thế giới đã trải qua những thay đổi lớn kể từ sau Thế chiến II.

Tàu khu trục lớp Sovremeny của Trung Quốc (Ảnh wired)
Tàu khu trục lớp Sovremeny của Trung Quốc. Ảnh: wired

Mặt trời dần lặn ở Đế chế Anh. Nước Mỹ trở thành siêu cường thống lĩnh biển cả với những đội tàu chiến tuần tra tung hoành khắp Thái Bình Dương. Trung Quốc dần nổi lên…

Ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc

Nguyên Tổng Bí thư, Phó Thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã thay đổi bản đồ kinh tế Trung Quốc bằng triết lý sống, xã hội và kinh tế thực tế.

Ông cho rằng: “Bất kể là mèo đen hay mèo trắng, miễn bắt được chuột chính là mèo tốt”.

Ở thời của Đặng Tiểu Bình, nông nghiệp được tư nhân hoá, các nhà máy sản xuất tư đã mang lại sự giàu có cho con người và thúc đẩy kinh tế quốc gia phát triển. Có một quy định chung là bất cứ thứ gì đạt được bước nhảy vọt thì sau đó sẽ sụt giảm, nhưng kinh tế Trung Quốc lại là ngoại lệ. Nó phát triển tăng tốc liên tục mà chưa có dấu hiệu đi xuống.

Câu nói của Napoleon đã được nhắc lại khắp châu Âu. Ông từng dự báo: Trung Quốc là người khổng lồ đang ngủ. Khi người khổng lồ ấy thức dậy, thế giới sẽ ảnh hưởng.

Kinh tế bùng nổ khiến Trung Quốc bắt đầu có vị thế trong nền chính trị toàn cầu. Một lần nữa, châm ngôn của Mao Trạch Đông được bàn luận thời hiện tại: “Sức mạnh đến từ khẩu súng, nó thuộc về phía nào kiểm soát khẩu súng ấy”. Chính vì thế, người Trung Quốc đã mua nhiều súng lớn từ bất cứ nơi nào họ có thể. Họ cũng trực tiếp làm ra những khẩu súng lớn ấy.

Họ làm ra súng kalashnikov nhiều hơn nơi sáng tạo ra nó là Nga. Người ta có thể thấy tốc độ mua hay sản xuất các loại máy bay chiến đấu, tàu chiến hiện đại ở Trung Quốc lớn mạnh ngoài sức tưởng tượng. Thời hiện đại, các quân nhân, thuỷ thủ, phi công, công nhân nhà máy vũ khí được tôn vinh giống như những người cổ xưa đã làm nên Vạn lý Trường Thành.

Huy động sức người là một nghệ thuật và các nhà lãnh đạo Trung Quốc (dân sự cũng như quân sự) là những nghệ sĩ hoàn hảo trong lĩnh vực ấy.

Sự hiện đại hoá Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) được nhiều người bàn luận đến. Lực lượng không quân PLA đẩy nhanh tốc độ sử dụng và sản xuất máy bay chiến đấu, phi công được huấn luyện kỹ càng. “Gót chân Achilles” của PLA là hải quân được chỉnh sửa và thay đổi hoàn toàn.

Trung Quốc chi tiêu hào phóng, đầu tư mạnh vào hải quân, nhằm xây dựng lực lượng này với chiến lược mới. Giờ đây, giới lãnh đạo Trung Quốc khẳng định không thể để lịch sử lặp lại.

Tư duy mới

Người Trung Quốc theo đuổi một tư duy mới. Đó là những gì một thời nhà sư phạm Anh dạy học sinh tới trường, chỉ thay vào đó là từ Trung Quốc: “Trung Quốc chế ngự biển khơi”. Thanh niên nước này được truyền dạy cảm hứng, lý tưởng gia nhập hải quân, đi và nhìn ngắm thế giới. Những chiếc tàu chiến đẳng cấp thế giới cắm cờ Trung Quốc xuất hiện ở nhiều vùng biển xa.

Tham vọng vượt Biển Đông và chinh phục Thái Bình Dương của Trung Quốc đòi hỏi một chiến lược mới. Đó là cuộc chơi mới mang tên “Phòng thủ biển xa”.

Sau tất cả, Trung Quốc đang trong tiến trình trở thành siêu cường kinh tế mới nổi với hàng hoá tràn ngập các thị trường toàn thế giới. Những tàu buôn cần được bảo vệ bởi hải quân Trung Quốc để xuyên qua eo biển Malacca tới thẳng vịnh Aden.

Mở rộng Vùng kinh tế tại Thái Bình Dương đã khiến Trung Quốc và Mỹ trong tư thế mặt đối mặt ở vùng các vùng biển quốc tế - nơi mọi tình huống có thể trở thành xung đột và bất cứ điều gì có thể xảy ra. Trung Quốc đã cho thế giới biểt rằng, họ không chấp nhận sự can thiệp của một cường quốc biển nào ở Biển Đông.

Quốc gia lo lắng nhất về sự phát triển của hải quân Trung Quốc là Mỹ. Họ cũng chưa tới nỗi báo động nhưng các đô đốc Mỹ chỉ huy nhiều hạm đội hải quân đã chú tâm đặc biệt tới sự phát triển nhanh chóng của hải quân Trung Quốc.

Tới thời điểm này, Mỹ vẫn duy trì vị thế siêu cường ở mọi vùng biển quốc tế và các đại dương. Nhưng cũng không thể thờ ơ với thực tế là hải quân Trung Quốc có ý tưởng trình diễn với quốc tế một đội tàu sân bay trong tương lai không xa; rằng Bắc Kinh đã có yêu cầu với Moscow trong việc mua máy bay chiến đấu hải quân dùng cho tàu sân bay.

Dĩ nhiên hiện tại, hải quân Trung Quốc chưa có một hàng không mẫu hạm nào, trong khi hải quân Mỹ sở hữu 13 chiếc.

Hạm đội tàu ngầm

Kế hoạch hiện đại hóa hải quân và xây dựng một hạm đội tàu ngầm hiện đại của Trung Quốc sẽ kiềm chế hoạt động tự do của hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương. Kề cận vịnh Yalong ở Hải Nam là căn cứ tàu ngầm khiến người Trung Quốc rất tự hào. Họ coi hạm đội này là Người bảo vệ quốc gia và ngăn chặn các hành động đối đầu từ những nước khác.

Các nhà chiến lược quân sự cho rằng, Trung Quốc đứng sau Mỹ 20 năm về vũ khí, súng ống, máy bay chiến đấu, tàu chiến. Tuy nhiên, quan điểm ấy giờ cần được cập nhân và xem xét lại khi nhiều người khẳng định, Trung Quốc đang nỗ lực nhanh chóng bắt kịp Mỹ. Hồi chuông cảnh báo đã sẵn sàng rung lên.

Trở lại nguồn lực tàu chiến của hai cường quốc có thể trở thành đối thủ trong tương lai. Mỹ có 286 tàu chiến trong khi Trung Quốc có 260 tàu với 75 chiếc tối tân nhất. Mỹ có 3.700 máy bay hải quân trong khi Trung Quốc vẫn đang tìm kiếm nguồn mua thêm.

Về ngân sách quốc phòng, quân đội Trung Quốc trong năm 2010 dự chi 78 tỉ USD với hơn 1/3 dành cho hải quân (theo tuyên bố chính thức). Trong khi Mỹ vào khoảng 548,9 tỉ USD. Thực tế Mỹ vẫn vượt xa Trung Quốc, hệ thống chất lượng vũ khí cũng vượt trội.

Mỹ cung cấp chiếc ô phòng thủ cho nhiều nước Nam Á và Đông Nam Á. Ít nhiều quan ngại về sự lớn mạnh của hải quân Trung Quốc, những nước này đã thúc giục Mỹ duy trì sự hiện diện tại châu Á -Thái Bình Dương và quan sát chặt chẽ đội tàu chiến của Trung Quốc hoạt động trong khu vực.

  • Thái An (Theo merinews)

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác