- Thảo luận tổ về đồ án quy hoạch chung Hà Nội chiều 3/6, hai điểm nhấn - Trung tâm hành chính quốc gia và trục Thăng Long - đều vấp phải những phản biện mạnh mẽ.
>> Nghị trường và dấu ấn đại biểu
>> Chín phi lý trong quy hoạch Hà Nội
>> Hai tồn tại cốt tử trong quy hoạch Thủ đô
Theo các ĐB, còn nhiều vấn đề cấp thiết, gây bức xúc của Thủ đô như ách tắc giao thông, ngập úng, môi trường ô nhiễm, nhà siêu mỏng siêu méo... chưa được giải quyết rốt ráo trong đồ án này. Không thiếu những ĐB đặt vấn đề thẳng: Phải chăng đằng sau hai điểm nhấn này là lợi ích liên quan đến bất động sản?
Ý tưởng của những người buôn đất?
Ý tưởng chuyển Trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì, dù Chính phủ đã giải trình đó là quỹ đất dự trữ cho tầm nhìn 2050, vẫn không thuyết phục được các ĐBQH.
"Tôi cảm thấy có gì đó mang tính tự phát", Chủ nhiệm VP Quốc hội Trần Đình Đàn băn khoăn.
Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn "cảm thấy có gì đó mang tính tự phát". |
Đa số phát biểu đều khẳng định không thể tách rời Trung tâm hành chính với Trung tâm chính trị: "Tư duy này là một sai lầm về mặt quan điểm và phương pháp luận. Trong này viện cớ một vài nước nhưng chỉ ra mỗi Malaysia, chứ thế giới phổ biến không làm thế", Phó Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách QH Trịnh Huy Quách (ĐB Bắc Kạn) chất vấn.
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM Trần Du Lịch đặt câu hỏi "có phải vì phía Bắc Hà Nội có Ciputra, phía Tây thì Hàn Quốc đã thuê, chúng ta hết đất rồi nên bây giờ lên Ba Vì không?".
ĐB Trần Đình Long (Đắk Lắk) thẳng thắn nêu nghi vấn: "Phải chăng quy hoạch này nằm trong ý tưởng của những người đã mua đất đai và khoanh vùng ở Ba Vì rồi, muốn cho giá đất tăng lên vùn vụt, nên mới tìm mọi cách đưa các bộ lên Ba Vì?”. Ông Long đề nghị phải làm rõ trách nhiệm và các ý đồ đằng sau việc này.
ĐB Trần Du Lịch: "Có phải vì phía Bắc Hà Nội có Ciputra, phía Tây thì Hàn Quốc đã thuê, chúng ta hết đất rồi nên bây giờ lên Ba Vì?".
Chưa thấy lợi ích quốc gia
Ý tưởng trục Thăng Long cũng vấp phải những câu hỏi rất "thực tế" của các ĐBQH. Rất nhiều ý kiến đồng tình với ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn)"một bên là đường 32 đã được cải tạo tốt, một bên Láng - Hoà Lạc khá thênh thang thì liệu xây trục có cần?".
ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) còn chỉ rõ tính thiếu hợp lý của cách giải thích sử dụng “quỹ đất” như đất dọc trục Thăng Long đã thành dự án hết rồi, thiết kế bán nhà biệt thự, nhà vườn, khu chung cư cả rồi.
Đưa ra thông tin bất động sản chỉ làm sôi động dọc trục Thăng Long, trong khi Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn vẫn "êm dịu". "Dường như nhiều ý tưởng được đưa vào quy hoạch này để hợp thức hóa những dự án đã cấp phép, đặc biệt là trục Thăng Long được mô tả rất nhiều, có gì đó không bình thường", bà Loan thẳng thắn.
ĐB Nguyễn Minh Thuyết thì tập trung phân tích việc làm sao để huy động được sức của các nhà đầu tư, của dân cho dự án này. Ông nhắc lại đề xuất của Bộ trưởng Xây dựng khi giải phóng mặt bằng thì giải phóng rộng thêm ra hai bên đường, cho đấu giá, xây những ngôi nhà đẹp, lấy tiền đó bù vào tiền giải phóng mặt bằng đường, không phải bỏ tiền nhà nước, mà còn lãi, nhưng đến nay vẫn không làm.
"Phải chăng những người quyết định quy hoạch này đã biết trước dự án, có chuyện mua bán đất ở hai bên đường. Thế nên việc ích nước lợi dân mà không làm", ông Thuyết nghi ngại.
ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) thì băn khoăn phải chăng chúng ta cứ "canh me" kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội nên cái gì có liên quan đến Hà Nội phải đưa vào làm hết trong năm nay?
Ông Phong cũng đặt câu hỏi: Lợi ích quốc gia đạt được trong đồ án này là gì? "Mới đưa QH cho ý kiến thôi mà giá đất các nơi đã lên vùn vụt. Nó tạo thành dư luận rằng cái này là để giải quyết cái lợi ích nào đó chứ không phải lợi ích quốc gia được đặt lên hàng đầu", ông Phong chất vấn.
"Để phần" cho khóa sau quyết
Rất nhiều ĐB đề nghị Thủ tướng không nên phê duyệt trong nhiệm kỳ này mà phải cân nhắc rất kỹ, nghiên cứu kỹ ý kiến cử tri, nhân dân nhiều vùng trên cả nước, các nhà khoa học để xây dựng đồ án hợp lý chứ không nên quyết trong nhiệm kỳ này.
Như chia sẻ của ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), nhiệm kỳ này quá đặc biệt, chỉ trong 4 năm đã thông qua toàn những vấn đề lớn lao quan trọng của đất nước: thủy điện Lai Châu, mở rộng Hà Nội, điện hạt nhân, bây giờ là quy hoạch Hà Nội và rồi đường sắt cao tốc: "Chưa có thời gian để kiểm nghiệm lại xem về sau con cháu sẽ đánh giá thế nào về những quyết định này".
ĐB Bùi Thị Bình (Hòa Bình) đề xuất luôn: "Nên để Quốc hội khóa sau bàn sẽ "chín" hơn. Quốc hội khóa này đã quyết nhiều vấn đề lớn rồi, để phần cho khóa sau nữa".
"Từ đầu năm đến nay, giá đất tăng liên tục tại hầu hết các dự án phát triển khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở. Tăng mạnh nhất ở phía tây, các dự án khu vực quận Hà Đông có giá chuyển nhượng trong tháng 5 tăng trung bình 40% so với tháng 12/2009. Báo cáo tình hình thị trường bất động sản tại khu vực đang xem xét quy hoạch Hà Nội của Chính phủ, được gửi đến QH sáng 2/6 |
- Nhóm phóng viên
Ảnh: Lê Anh Dũng