- Giải trình và tiếp thu các dự án Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi chiều 16/6, UBTVQH khẳng định, việc cho phép các tổ chức tín dụng được áp dụng lãi suất thỏa thuận không có nghĩa là lãi suất được tự do thả nổi trên thị trường.
>> Nghị trường và dấu ấn đại biểu
Lãi suất thỏa thuận trong giới hạn
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền phân tích, NHNN với tư cách là ngân hàng trung ương có nhiệm vụ điều chỉnh khối lượng cung tiền trong nền kinh tế, qua đó quyết định mức lãi suất trên thị trường tiền tệ để ổn định giá trị đồng tiền, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Như vậy, lãi suất của các tổ chức tín dụng mặc nhiên đã được NHNN kiểm soát và chi phối.
"Việc cho phép các tổ chức tín dụng áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận không có nghĩa là để lãi suất tự do thả nổi trên thị trường", ông Hiền khẳng định. "Thỏa thuận về lãi suất trong hoạt động của các tổ chức tín dụng phải nằm trong giới hạn quy định của pháp luật".
"Trong trường hợp cần thiết, NHNN sẽ can thiệp trực tiếp vào cơ chế lãi suất của tổ chức tín dụng, ví dụ như quy định cụ thể mức lãi suât của tổ chức tín dụng...", ông Hiền nói.
Cũng theo ông Hiền, "NHNN có trách nhiệm công bố lãi suất làm cơ sở cho việc giải quyết tranh chấp và chống cho vay nặng lãi".
Tập đoàn không thể lạm dụng huy động và cho vay nội bộ
Liên quan đến lo ngại của các ĐBQH về tỉ lệ cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, ông Hà Văn Hiền đoan chắc, "với quy định của Luật, các tập đoàn, tổng công ty không thể lạm dụng việc thành lập tổ chức tín dụng để huy động và cho vay nội bộ".
Ảnh: Lê Anh Dũng |
Quy định đã hạn chế rủi ro tập trung tín dụng vào một khách hàng. Loại hình tổ chức tín dụng nào rủi ro của nó tác động đối với hệ thống ít hơn thì có thể cho phép được cấp tín dụng với giới hạn cao hơn.
Theo nguyên tắc này, việc quy định giới hạn cấp tín dụng đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng cao hơn so với các ngân hàng thương mại là vì phạm vi hoạt động của công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính đã bị giới hạn (không nhận tiền gửi của cá nhân, không thực hiện hoạt động thanh toán qua tài khoản), do vậy, mức độ rủi ro ảnh hưởng đến hệ thống của tổ chức tín dụng phi ngân hàng thấp hơn ngân hàng thương mại
Hơn nữa, luật đã quy định cấm việc cấp tín dụng cho pháp nhân có người đại diện là thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng, pháp nhân là thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng và cấm tổ chức tín dụng cấp tín dụng không có đảm bảo, cấp tín dụng với những điều kiện ưu đãi đối với cổ đông sáng lập, cổ đông lớn.
Dự trữ ngoại hối không có nguồn gốc ngân sách
Một vấn đề khác cũng được các đại biểu nêu ra trong các cuộc thảo luận trước đó là quỹ dự trữ ngoại hối và việc sử dụng nguồn quỹ này.
ĐBQH cho rằng, dự trữ ngoại hối nhà nước có nguồn gốc từ ngân sách và việc sử dụng quỹ thực chất là sử dụng cho mục đích ngân sách, do đó, thuộc thẩm quyền của QH, hoặc Ủy ban Thường vụ QH, không phải do Chính phủ tự quyết như hiện nay.
Ông Hà Văn Hiền thay mặt UBTVQH cho rằng, quỹ dự trữ ngoại hối không phải là quỹ dự trữ tài chính được hình thành từ nguồn thu ngân sách nhà nước.
Quỹ này được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, trong đó chủ yếu là để can thiệp thị trường ngoại hối nhằm bình ổn giá trị đồng tiền thông qua việc bán ngoại tệ. Qũy được quản lý chủ yếu dưới hình thức tiền gửi ngoại tệ ở nước ngoài, vừa đáp ưng nhu cầu thanh toán bằng ngoại tệ của nền kinh tế, vừa để sinh lời, đảm bảo giá trị của quỹ.
Vì thế, theo UBTVQH, quỹ "do NHNN quản lý theo quy định của Chính phủ".
"Trong trường hợp sử dụng quy chi cho chi tiêu ngân sách mà làm thay đổi dự toán ngân sách nhà nước đã được QH phê chuẩn thì thực hiện theo luật ngân sách".
Trong chiều 16/6, trước khi thảo luận về công tác nhân sự, QH đã thông qua các dự án Luật Ngân hàng nhà nước sửa đổi, Luật tổ chức tín dụng sửa đổi với đa số phiếu ủng hộ (đều trên 86%).
QH cũng đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008, theo đó, bội chi ngân sách năm 2008 là 4,58% GDP không bao gồm kết dư ngân sách địa phương và trái phiếu chính phủ.
- Phương Loan