- Luật Đất đai sửa đổi tiếp tục bị lùi khỏi chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh chính thức của năm 2011.
>> Nghị trường và dấu ấn đại biểu
>> Đề xuất sửa Hiến pháp từ năm 2011
>> Luật Biển lùi đến bao giờ?
Chiều nay (19/6), ngay trước giờ bế mạc, QH đã thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011.
Thay đổi duy nhất so với dự thảo đưa ra lấy ý kiến ĐBQH chỉ ở việc đưa Luật Đất đai (sửa đổi) từ chương trình cho ý kiến trong năm 2011 "xuống" chương trình chuẩn bị của năm 2011 và xem xét, thông qua trong năm 2012.
Lý do được UBTVQH giải trình là những vấn đề cần sửa đổi (thời hạn sử dụng đất, quy hoạch đất đai, chính sách tài chính về đất đai, hạn điền...) đều là những vấn đề lớn, gắn với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 nên cần thêm thời gian để chuẩn bị.
Trước đó, trong phiên thảo luận tại Hội trường, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường đã "nhờ" Bộ trưởng Tư pháp xin phép QH để Luật đất đai (sửa đổi) được "rút ra" khỏi chương trình chính thức 2011 với lý do: "Hai lần sửa đổi trước đều phải trình ra Ban chấp hành Trung ương, mà trong năm 2010 lẫn 6 tháng đầu năm 2011 chắc không có thời gian".
Liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp, theo giải trình của UBTVQH, tại kỳ họp cuối năm, Chính phủ và các cơ quan có trách nhiệm sẽ có báo cáo Quốc hội kết quả tổng kết việc thực hiện Nghị quyết của QH về việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại một số địa phương.
Nếu QH quyết định không tổ chức HĐND huyện, quận, phường thì sẽ phải sửa đổi các quy định tương ứng của Hiến pháp liên quan đến HĐND, nếu không kịp trong kỳ họp thứ 8 vào cuối năm thì sẽ phải xem xét, quyết định trong kỳ họp cuối cùng của QH khóa XII.
Còn việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp sẽ thực hiện theo một quy trình riêng: thành lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp để nghiên cứu, chuẩn bị. Việc đề xuất nội dung sửa đổi, lấy ý kiến nhân dân, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo sẽ do Ủy ban tiến hành và trình QH xem xét, quyết định. Những nội dung sửa đổi chỉ được thông qua khi được ít nhất 2/3 tổng số ĐBQH biểu quyết tán thành.
Dù các ĐB đã có rất nhiều ý kiến về việc phải đưa những dự án luật quan trọng vào trong chương trình năm tới như Luật Biển, Luật Đầu tư công, Luật Tiếp cận thông tin... nhưng những dự án luật này tiếp tục phải... chờ đợi.
Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2011 đã được QH thông qua với tỷ lệ 87,22%
Các dự án, công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên và công trình đầu tư tại địa bàn đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng sẽ phải trình ra Quốc hội để xin chủ trương đầu tư. Đây là một trong những sửa đổi quan trọng của Nghị quyết 66, vừa được 88,86% đại biểu QH thông qua chiều nay. Như vậy, Quốc hội đã bổ sung thêm các tiêu chí về đất lúa, đất rừng, số tiền với các dự án, công trình quan trọng quốc gia bắt buộc phải qua “cửa” QH. Chẳng hạn, dự án có tổng vốn đầu tư từ 35.000 tỷ đồng trở lên (vốn nhà nước là 11.000 tỷ đồng). Riêng với dự án đầu tư ra nước ngoài, chỉ cần tổng vốn từ 20.000 tỷ đồng trở lên (vốn nhà nước là 7.000 tỷ đồng) sẽ phải xin ý kiến QH. Các dự án chiếm đất rừng lâu nay còn quy định chung chung, nhưng lần này Quốc hội đã ra quyết nghị nêu rõ: Dự án, công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ một trăm héc-ta (100 ha) trở lên. Rừng phòng hộ đầu nguồn từ một trăm héc-ta (100 ha) trở lên. Rút kinh nghiệm vì để “mất quyền kiểm soát” với một số dự án, công trình gần đây cũng như việc một số dự án đưa ra QH xin chủ trương vẫn còn sơ sài, thiếu thông tin, lần này, QH đã đưa ra những ràng buộc chặt chẽ hơn về trình tự, thủ tục. Với dự án, công trình có quy mô vốn lớn, thời gian thực hiện kéo dài nhiều năm thì sau khi QH xem xét quyết định chủ trương đầu tư chung trên cơ sở báo cáo đầu tư (báo cáo nghiên cứu tiền khả thi), QH có thể giao Chính phủ chuẩn bị lập dự án đầu tư (báo cáo nghiên cứu khả thi) để trình QH xem xét, quyết định chủ trương cụ thể. Nội dung Nghị quyết phải ghi rõ quy mô, tổng mức đầu tư, công nghệ chính, địa điểm, thời gian, tiến độ, cơ chế chính sách đặc biệt. Trường hợp thay đổi mục tiêu hoặc phát sinh tăng vốn đầu tư trên 10% so với tổng vốn hoặc kéo dài thời gian từ một năm trở lên, Chính phủ sẽ phải xin ý kiến QH. |
-
Khánh Linh - Lê Nhung
Ảnh: Lê Anh Dũng