Hai miền Triều Tiên và những toan tính chiến tranh

Cập nhật lúc 06:22, 06/06/2010 (GMT+7)

- Đã 10 năm nay, hai miền Triều Tiên có nhiều nỗ lực hòa giải để xích lại gần nhau. Nhưng giờ đây, mọi thành quả đạt được đã tan thành mây khói. Bán đảo Triều Tiên bị bao trùm bởi sự hận thù, những lời đe dọa giữa đôi bên đang đẩy hai miền đến bên miệng hố chiến tranh.

Mọi việc bắt nguồn từ vụ chìm tàu đầy bí ẩn. Tàu chiến Cheonan của quân đội Hàn Quốc hôm 26/3/2010 khi đang tuần tra trên biển Hoàng Hải, đã bị nổ, vỡ ra làm đôi rồi chìm xuống biển, làm 46 thủy thủ thiệt mạng.

Sau gần 2 tháng điều tra với sự góp mặt của các chuyên gia nước ngoài, ngày 20/5, Hàn Quốc đã chính thức tuyên bố Cheonan bị ngư lôi của Triều Tiên bắn chìm. Lập tức phía Triều Tiên phủ nhận và cho rằng kết quả điều tra là giả mạo, mưu toan gây chiến với Triều Tiên.

Lính Hàn Quốc tuần tra khu phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên (Ảnh zimbio)
Lính Hàn Quốc tuần tra khu phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên. Ảnh: zimbio

Căng thẳng leo thang khi hai bên liên tiếp có những phát biểu và hành động cáo buộc, khiêu khích đối phương. Hàn Quốc gọi Triều Tiên là “kẻ thù chính”, tiến hành tập trận chống tàu ngầm, cùng Mỹ phô trương sức mạnh hải quân, lắp đặt loa phóng thanh dọc biên giới vùng phi quân sự để tuyên truyền chống chính quyền Triều Tiên, chuẩn bị lắp 11 biển điện tử khổ lớn và dọa rải truyền đơn sang lãnh thổ miền Bắc bằng khinh khí cầu.

Về phần mình, Triều Tiên tuyên bố cắt đứt mọi mối quan hệ với Hàn Quốc, trục xuất các nhân viên người Hàn Quốc tại khu công nghiệp chung Kaesong - biểu tượng của sự hòa giải giữa hai miền. Hai bên cũng tiến hành các cuộc chiến tâm lý và chiến tranh trên mạng.

Dư luận quốc tế rất quan tâm liệu căng thẳng leo thang có dẫn tới chiến tranh không. Các bên liên quan được lợi gì từ vụ này? Các học giả, dư luận cũng như báo chí các nước cũng tốn nhiều giấy mực để tìm lời giải đáp cho câu hỏi: Động cơ của Triều Tiên là gì nếu như nước này quả thật là thủ phạm làm chìm tàu Cheonan?

Nhiều học giả cho rằng, vụ tấn công tàu Cheonan là để phục thù thất bại trong cuộc đụng độ trên biển với hải quân Hàn Quốc hồi tháng 11/2009, đồng thời củng cố khối đoàn kết trong nội bộ giới lãnh đạo, dọn đường chuyển giao quyền lực của Tổng thống Kim Jong-il cho con trai thứ ba Kim Jong-ul.

Một số ý kiến khác lại cho rằng, Triều Tiên đánh đắm tàu Cheonan khiến cho liên kết quân đội Mỹ -Hàn trở nên chặt chẽ hơn là một đòn cảnh tỉnh Trung Quốc nhằm làm ấm lại quan hệ đồng minh truyền thống Trung - Triều thời gian gần đây không được khăng khít như trước.

Mặc dù Hàn Quốc và Nhật Bản liên tục đưa ra các hình thức trừng phạt, cũng như có sự lên án ở các mức độ khác nhau từ phía LHQ, các nước trên thế giới và các bên tham gia đàm phán sáu bên, nhưng các biện pháp đối với Triều Tiên, theo nhiều học giả, chỉ có thể dừng lại ở mức lên án.

Hội đồng Bảo an LHQ có thể ra nghị quyết trừng phạt Triều Tiên, nhưng làm vậy phỏng có ích gì khi bấy lâu Triều Tiên đã nhận không ít "bản án trừng phạt" từ Hội đồng? Nhật Bản và Hàn Quốc đang bế quan tỏa cảng, cắt đứt quan hệ buôn bán, dùng các biện pháp cô lập Triều Tiên, nhưng trên thực tế bấy lâu nay Triều Tiên vốn đã bị cô lập.

Triều Tiên một mực khẳng định vô can trong vụ chìm tàu và dọa sẽ trả đũa bằng một cuộc chiến tranh toàn diện. Đất nước kinh tế yếu, quân sự mạnh này không ít lần đe dọa tương tự như vậy và từng có hiệu quả. Tuy nhiên, xét về thực lực quân sự, mặc dù quân số Triều Tiên đông đảo, lại có nhiều trang thiết bị nhưng khó có thể địch lại được Mỹ - Hàn về mặt chất lượng.

Hàn Quốc tuyệt nhiên sẽ không phát động chiến tranh tấn công Triều Tiên. Lý do thứ nhất, hiện nay Hàn Quốc đang dồn mọi nỗ lực để khắc phục hậu quả suy thoái do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, việc tiến hành chiến tranh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế nước này.

Hai là, giữa Mỹ và Hàn Quốc có thỏa ước, theo đó khi nổ ra chiến sự quy mô rộng trên bán đảo Triều Tiên, quân đội Hàn Quốc sẽ chịu sự chỉ huy của quân đội Mỹ. Với chính sách “ôn hòa” với Triều Tiên của chính quyền Obama hiện nay, các học giả cho rằng, hầu như không có khả năng phía Mỹ - Hàn phát động chiến dịch tiến đánh Triều Tiên.

Bản thân Hàn Quốc và Nhật Bản không khỏi lo sợ khi Triều Tiên bị dồn vào bước đường cùng có thể tấn công bằng vũ khí hạt nhân. Thủ đô Seoul với dân số hơn 10 triệu người nằm gọn trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên. Với Hàn Quốc giờ đây, châm ngòi cuộc chiến chẳng khác gì lấy bảo ngọc chọi với đá.

Với Mỹ, đây có thể xem là cơ hội trời cho để mở rộng ảnh hưởng tại khu vực. Những cuộc tập trận hải quân sắp diễn ra giữa Mỹ và Hàn Quốc được cho là ngầm thể hiện Mỹ đang đẩy mạnh sự hiện diện hải quân ở Đông Á - điều không khỏi khiến Nga và đặc biệt là Trung Quốc lo ngại.

Nỗ lực hiện đại hóa hải quân của Mỹ ở Đông Á đang được các nước trong khu vực dõi theo sát sao, xem như một cách phản ứng của Mỹ trước sự mở rộng ngày càng mạnh mẽ của hải quân Trung Quốc.

Nhưng Mỹ cũng rất lo ngại các hành động khó lường có thể xảy ra từ phía Triều Tiên. Hơn nữa, Mỹ quan tâm vấn đề hạt nhân của Iran nhiều hơn, cho rằng đó là mối đe dọa lớn hơn. Mỹ cũng không thể đánh Triều Tiên như đã từng đánh Iraq, bởi Iraq trước đây “thân cô thế cô” trong khi an nguy của Triều Tiên ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh chủ quyền của Trung Quốc, tuyệt đối không chấp nhận để Mỹ - Hàn tấn công Triều Tiên.

Có thể kết luận rằng, Mỹ nhân cơ hội này gia tăng sự có mặt về quân sự ở khu vực, nhưng không có lợi ích tấn công Triều Tiên.

Với Trung Quốc, căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên không có lợi. Có đà phát triển kinh tế như vũ bão, Trung Quốc muốn trỗi dậy trong hòa bình. Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ củng cố hợp tác an ninh quân sự sẽ là điều bất lợi, Trung Quốc cũng không muốn cả bán đảo Triều Tiên nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ.

Hiện thời, Trung Quốc đang bị đặt trước sự lựa chọn khó khăn. Một mặt, hành xử thất thường của nước đồng minh truyền thống Triều Tiên không khỏi khiến Trung Quốc quan ngại. Bắc Kinh cũng không thể phớt lờ hoặc công khai bao che cho hành động như vậy trong bối cảnh LHQ và các nước liên quan tỏ ý lên án. Như vậy không có lợi cho hình ảnh của Trung Quốc như một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Mặt khác, dù Trung Quốc nhất định không ủng hộ Triều Tiên châm ngòi chiến tranh, nhưng gây sức ép mạnh với Triều Tiên có thể dẫn tới phản tác dụng.

Giới quân sự phương Tây ước tính ngoài vũ khí hạt nhân, Triều Tiên còn có 5.000 tấn vũ khí hóa học. Chỉ cần 1.000 tấn cũng đủ xóa sổ toàn bộ hơn 40 triệu người dân Hàn Quốc. Tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đã hướng tới Seoul, 18.000 lính tinh nhuệ Triều Tiên đang đợi lệnh sẵn sàng.

Còn trong trường hợp Triều Tiên gặp khó, dòng người tị nạn sẽ tràn qua biên giới vào Trung Quốc và tình hình bất ổn ở Triều Tiên có thể tạo cớ cho Mỹ can thiệp mạnh tay hơn. Đây rõ ràng không phải là điều mà Trung Quốc mong muốn.

Mặc dù Tổng thống Lee Myung-bak có những phát biểu cứng rắn, song nhấn mạnh rằng các biện pháp đều phải được tiến hành hết sức thận trọng. Phát biểu mạnh miệng, hành động “rón rén”, Hàn Quốc không muốn phủ bóng đen lên hình ảnh đất nước mình, đặc biệt khi đang chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G-20 sẽ diễn ra tháng 11 năm nay.

Có lẽ kịch bản dễ xảy ra nhất là sau khi đôi bên đe dọa nhau đến mức tưởng chừng chiến tranh nổ ra sau vài phút, thì các bên quan trọng sẽ mạnh tay can thiệp. Cuối cùng Hàn Quốc và Nhật sẽ giảm thiểu các biện pháp trừng phạt, dẫn đến "xí xóa" vụ Cheonan để đổi lại, kéo Triều Tiên trở lại bàn đàm phán sáu bên hòng giải quyết dứt điểm vấn đề hạt nhân của nước này.

  • Hà Chi

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác