Bán đảo Triều Tiên: Chạy đua vũ trang bao giờ ngừng lại?
Hai miền Triều Tiên có vẻ vẫn theo đuổi cuộc chạy đua vũ trang dai dẳng, đe dọa hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên và khu vực.
Một phân tích số lượng về năng lực quân sự giữa hai miền cho thấy, CHDCND Triều Tiên vượt trội hơn nhiều so với Hàn Quốc. Hàn Quốc chỉ dẫn trước CHDCND Tiều Tiên trong 3 lĩnh: vực quy mô nhân viên hải quân, phương tiện bọc thép và máy bay trực thăng. Những mặt còn lại, CHDCND Triều Tiên đều đi đầu.
Tuy nhiên, phân tích định lượng lại thường cho ra một kết quả hoàn toàn khác. Năng lực quốc phòng tổng thể thực tế nghiêng về phía Hàn Quốc vì nước này có trang thiết bị quân sự hiện đại bao gồm nhiều loại vũ khí vượt trội.
Thiết bị phóng tên lửa di động của Triều Tiên trong một buổi diễu binh tại Bình Nhưỡng. Ảnh: Getty |
Giải pháp CHDCND Triều Tiên lựa chọn vẫn là phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD). Vì “lỗ hổng” về kinh tế và về các lực lượng thông thường, nên nước này có thể đã coi con bài vũ khí hạt nhân là một lựa chọn mang tính kinh tế và hiệu quả nhất.
Đối với CHDCND Triều Tiên, để trở thành quốc gia có vũ khí hạt nhân, nước này cần phải đảm bảo 4 điều kiện: sở hữu đầu đạn hạt nhân, triển khai được những tên lửa khả thi, thử thành công hạt nhân, và nắm được công nghệ tiểu hình hóa (miniaturisation).
Dù CHDCND Triều Tiên hiện tại đã đạt được 3 tiêu chuẩn để trở thành một nhà nước hạt nhân, nhưng các chuyên gia vẫn tin rằng nước này vẫn chưa sở hữu được công nghệ tiểu hình hóa để gia tăng số đầu đạn hạt nhân.
Sự đáp lại của Hàn Quốc đối với mối đe doạ hạt nhân từ CHDCND Triều Tiên gồm hai mặt. Một mặt, Hàn Quốc tìm kiếm chiếc ô bảo trợ hạt nhân của Mỹ trong khuôn khổ liên minh Mỹ - Hàn. Mặt khác, củng cố thêm năng lực phòng thủ thông thường tổng thể.
Vậy những nhân tố nào đóng góp vào những thay đổi trong chi tiêu quân sự và cuộc chạy đua vũ trang trên bán đảo?
Mặc dù Hàn Quốc vẫn lấy mối đe doạ từ CHDCND Triều Tiên làm thứ để biện minh cho các khoản chi tiêu quân sự của mình, nhưng thực tế kiểu chi tiêu quân sự ở Hàn Quốc không phải để đối phó với mối đe doạ và chi tiêu quân sự của CHDCND Triều Tiên. Hàn Quốc có xu hướng coi mối đe dọa từ Triều Tiên là bất biến. Như thế, sự tăng cường một cách quan liêu thường xuyên đã trở thành yếu tố lớn ảnh hưởng tới mức độ chi tiêu quốc phòng.
Các điều kiện kinh tế vĩ mô nói chung cũng đóng vai trò quan trọng không kém trong những quyết định mức độ chi tiêu quốc phòng của Hàn Quốc. Khủng hoảng tài chính trầm trọng thường dẫn tới sự suy giảm chi tiêu quân sự như đã thấy trong lỗ lực mới đây của chính quyền Lee Myung-bak cắt giảm ngân sách quốc phòng để đối phó với những khó khăn về kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Nhưng nhìn chung, chi tiêu quốc phòng vẫn trong xu hướng tăng những năm gần đây.
“Hiệu ứng” liên minh cũng có vẻ ảnh hưởng sâu sắc tới chi tiêu quốc phòng. Khi cam kết bảo đảm an ninh của Mỹ đủ mạnh mẽ, chi tiêu quốc phòng của Hàn Quốc ở mức tối thiểu. Nhưng khi Mỹ cho thấy dấu hiệu rút khỏi hoặc cam kết an ninh trở nên nhạt hơn, Hàn Quốc lại tiếp tục tăng cường chi tiêu quốc phòng.
Điều đáng nói nhất nhất trong bức tranh chính trị hai nước là giới lãnh đạo. Cam kết chi tiêu “phóng khoáng” của Park Chung-hee và việc ít ưu tiên chi tiêu quân sự hơn của Kim Dae-jung có thể được coi là ưu tiên và nét đặc trưng của nhà lãnh đạo.
Còn về CHDCND Triều Tiên? Nước này không phản ứng với chi tiêu quốc phòng của Hàn Quốc như theo logic chạy đua vũ trang thông thường. Tuy vậy, cảm nhận về mối đe dọa vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới thái độ chạy đua vũ trang này.
Quyết định theo đuổi hạt nhân của CHDCND Triều Tiên bị ảnh hưởng bởi hai nhân tố: cảm nhận về mối đe doạ hạt nhân của Mỹ và các lực lượng Mỹ - Hàn kết hợp, và nhu cầu tìm kiếm con đường mang tính kinh tế nhất để đối phó với những đe dọa như vậy. Tình hình kinh tế yếu kém kéo dài, những khó khăn trong việc đạt được những vũ khí và thiết bị tối tân từ nước ngoài có thể được sử dụng để biện minh và nuôi dưỡng cho một thái độ như vậy.
Việc tăng nhanh chi tiêu quốc phòng của CHDCND Triều Tiên có thể được giải thích một phần bằng việc theo đuổi đường lối “chính trị ưu tiên quân sự”. Nếu CHDCND Triều Tiên không có liên minh nào trong tương quan với liên minh Mỹ - Hàn, thì bất cứ giả thuyết hiệu ứng liên minh nào cũng đều không thể áp dụng.
Tuy nhiên, trong lịch sử, chi tiêu quân sự của Triều Tiên từng bị ảnh hưởng bởi bản chất quan hệ an ninh của nước này với Trung Quốc và Liên Xô. Khi hỗ trợ quân sự từ hai nước này còn lớn, chi tiêu quân sự của Triều Tiên tăng nhẹ, trong khi nếu những hỗ trợ như thế bị rút lại, thì chi tiêu quân sự lại tăng nhanh.
Việc không thể ngăn cản cuộc “hạt nhân hóa” toàn diện của CHDCND Triều Tiên có thể là điểm khởi đầu cho một hiệu ứng domino hạt nhân tồi tệ tại khu vực. Nhưng việc phi hạt nhân hóa CHDCND Triều Tiên không thể trở thành hiện thực nếu không giải quyết được và đảm bảo các quan ngại về an ninh của nước này.
Về mặt đó, việc xây dựng niềm tin với CHDCND Triều Tiên thông qua dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế có thể là bước đi hữu ích đầu tiên. Sau đó, Mỹ nên trấn an bằng một thái độ và chính sách không thù địch, cũng như các biện pháp cụ thể để đảm bảo cùng tồn tại hòa bình, một chế độ hòa bình thay thế thỏa thuận đình chiến, và bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng. CHDCND Triều Tiên cũng nên cho thấy những nỗ lực chân thành và động thái cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa.
- Đình Ngân (Theo Asian Perspective)