- Thảo luận về sửa đổi Nghị quyết 66 liên quan đến các dự án phải trình Quốc hội, Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, công nghệ và môi trường Nguyễn Đăng Vang cho hay, năm vừa rồi có những dự án chiếm tới gần 9.000 ha đất rừng sản xuất, nhưng rồi chủ đầu tư đã "xé lẻ" thành 9 dự án nhỏ, "thế là khỏi cần đưa ra Quốc hội".
Theo Nghị quyết 66, các dự án, công trình chuyển mục đích sử dụng từ 1.000 ha đất rừng sản xuất trở lên sẽ phải đưa ra QH. Nhưng có vẻ như quy định này vẫn không ngăn được tình trạng xé lẻ dự án để "lách luật".
ĐB Ngô Minh Hồng (TP.HCM) cho rằng tiêu chí về sử dụng rừng trong dự thảo nghị quyết là một bước thụt lùi. Theo quy định hiện hành, nếu dự án sử dụng đất rừng đặc dụng hay khu bảo tồn thiên nhiên, thì dù “đụng đến 1 m2 cũng phải báo cáo”, trong khi dự thảo sửa đổi quy định sử dụng tới 200 ha mới phải báo cáo.
ĐB Nguyễn Minh Thuyết: Chính phủ, chứ không phải chủ đầu tư, phải chịu trách nhiệm trước QH |
Ngoài tiêu chí về rừng thì thay đổi lớn nhất lần này là tăng tiêu chí về tiền.
Theo đó, dự án có vốn đầu tư từ 35.000 tỷ đồng trở lên (trước kia 20.000 tỷ), trong đó sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên sẽ phải đưa ra Quốc hội. Tuy nhiên, nhiều ĐB phân tích, tính theo trượt giá thì 35.000 tỷ đồng vẫn chỉ tương đương 1,5 tỷ USD như cũ.
ĐB Nguyễn Minh Thuyết nói, không nên quy định môt con số cứng nhắc mà nên tính giá trị theo GDP. 35.000 tỷ đồng tương đương 2,4% GDP.
"Chẳng hạn, nên quy định là dự án chiếm từ 2% hay 2,4% GDP thì phải đưa ra QH. 2% là lớn lắm. Toàn bộ ngân sách 1 năm cho khoa học công nghệ cũng chỉ bằng 2-3% GDP", ông Thuyết nói.
Nhiều ĐB cũng kiến nghị làm rõ hoặc bổ sung các vấn đề liên quan đến tiêu chí đất đai, thời gian cho một dự án.
Chẳng hạn, theo ĐB Nguyễn Minh Thuyết, ban soạn thảo đưa ra một khái niệm mới và rất khó là cụm công trình liên kết chặt chẽ.
"Nghe qua định nghĩa thì đúng, nhưng tính kỹ ra thì không. Ví dụ đầu tư 1 cụm bô-xít Tây Nguyên, phải làm đường xe lửa, thì có phải là cụm công trình không? Người ta có thể nói có, có thể nói không", ông Thuyết nói.
Theo ĐB Thuyết, cần quy định chi tiết hơn, chẳng hạn, khoảng cách địa lý trong cụm công trình thế nào, cơ sở hạ tầng dùng chung ra sao, chủ đầu tư là một hay là mẹ - con...
"Dự thảo đang nói chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước QH. Người cần chịu trách nhiệm trước QH phải là Chính phủ, chủ đầu tư chỉ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thôi", ông Thuyết góp ý.
ĐB Phạm Phương Thảo: Đất nông nghiệp đang mất rất nhanh |
ĐB Phạm Phương Thảo (TP.HCM) lại quan tâm tới việc sử dụng đất trồng lúa. “Hiện đất nông nghiệp đang mất rất nhanh, chỉ trong 8 năm qua đã mất 255.000 ha. Vì vậy, nên chăng phải có tiêu chí về sử dụng đất nông nghiệp”, bà Thảo nói.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Lê Bộ Lĩnh muốn làm rõ hơn tiêu chí thời gian cho một dự án.
Theo ông Lĩnh, nếu một dự án kéo dài tới 15 năm, "thì hầu như các ĐBQH biểu quyết thông qua không phải chịu trách nhiệm giám sát gì nếu qua thời hạn 15 năm mà dự án vẫn chậm trễ".
Dẫn lại chuyện hàng loạt dự án trì trệ như đường Hồ Chí Minh, lọc dầu Dung Quất, ông Lĩnh cho rằng, sắp tới đây nếu đồng ý chủ trương xây đường sắt cao tốc Bắc - Nam kéo dài tới năm 2035 thì không biết sẽ thế nào.
QH sẽ còn dành một ngày để thảo luận tại Hội trường dự thảo này trước khi bấm nút biểu quyết trong phiên bế mạc.
Sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết 66, QH đã xem xét điều chỉnh: dự án khí - điện - đạm Phú Mỹ tại Bà Rịa - Vũng Tàu; điều chỉnh chỉ tiêu, nhiệm vụ của dự án trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 2006 - 2010. QH đã thông qua chủ trương đầu tư dự án nhà máy thủy điện Lai Châu và điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Chính phủ đang trình Quốc hội dự án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam. |
-
Lê Nhung - Vân AnhẢnh: Lê Anh Dũng